Luật sư “bóc mẽ” trung tâm của NS Phó Đức Phương

Luật sư Trần Đình Triển chỉ ra những sai sót trong việc thành lập và hoạt động của Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam do NS Phó Đức Phương làm Giám đốc.
Mới đây, Ban tổ chức show Khánh Ly quyết không trả tiền tác quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCMPC) với lý do VCMPC chưa đưa ra đầy đủ những căn cứ pháp luật để chứng minh rằng họ có quyền khai thác tác quyền đối với những ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Tiếp đến, nhạc sỹ Phú Quang tuyên bố đơn phương ngừng hợp đồng ủy quyền cho VCMPC vì không đồng tình với cách họ thanh toán tiền tác quyền đối với các nhạc sỹ, trong đó có ông. Những diễn biến trên một lần nữa làm cho vấn đề tác quyền âm nhạc trở thành đề tài nóng. Luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng Luật sư Vì Dân) đã có những phân tích xung quanh 2 sự việc cụ thể trên cũng như đưa ra những lý giải vì sao mối quan hệ giữa 3 bên là các nhạc sỹ – VCMPC – các đơn vị tổ chức lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.

 - 1

Luật sư Trần Đình Triển

Ban tổ chức show Khánh Ly có lý Theo Luật sư Trần Đình Triển, BTC show Khánh Ly có lý khi chưa thanh toán tiền tác quyền các ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cho VCMPC. Bởi theo luật Sở hữu trí tuệ, nếu các nhạc sỹ còn sống, họ có đủ tư cách để có quyền đối với tác phẩm của mình, trong đó bao gồm cả vấn đề tác quyền. Nếu người nhạc sỹ đã mất thì họ phải làm rõ, ai là người được thừa kế các tác phẩm của họ. Nếu người nhạc sỹ để lại di chúc hợp pháp ủy quyền khai thác tác phẩm cho ai thì người đó được hưởng. Nếu không thì mọi thứ phải theo luật thừa kế, trong đó vợ con là hàng thứ nhất, tiếp đến là anh chị em ruột. Trong trường hợp cụ thể của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, vì ông không có vợ con và không để lại di chúc. Do đó, quyền thừa kế được chia đều cho 5 người em của nhạc sỹ, trong khi đó, VCMPC lại chỉ ký hợp đồng ủy quyền với bà Trịnh Vĩnh Trinh. Hợp đồng ủy quyền này chỉ có giá trị nếu như họ đưa ra giấy tờ chứng minh bà Trịnh Vĩnh Trinh là người thừa kế duy nhất gia tài âm nhạc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, hoặc phải đưa ra văn bản hợp pháp (có công chứng) về việc bà Trịnh Vĩnh Trinh được những người thừa kế khác (đồng thừa kế) ủy quyền để đại diện cho họ và ký hợp đồng với VCMPC. Nếu như VMCPC không đưa ra được các giấy tờ trên mà chỉ đưa ra hợp đồng ủy quyền với bà Trịnh Vĩnh Trinh thì họ chưa đủ tư cách pháp nhân để thu tiền tác quyền đối với các sáng tác của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Một diễn biến khác gần đây cũng thu hút được sự chú ý của dư luận là việc Phú Quang đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền với VCMPC. Theo tiết lộ của nhạc sỹ Phó Đức Phương, trong hợp đồng ủy quyền giữa VMCPC và vị nhạc sỹ này có quy định rõ, trong trong thời gian hợp còn hiệu lực, nhạc sỹ Phú Quang không được phép làm việc trực tiếp với các đơn vị tổ chức các đêm nhạc mà không thông qua VMCPC. Trong khi đó, nhạc sỹ Phú Quang lại trực tiếp thỏa thuận tiền tác quyền đối với đơn vị tổ chức show Khánh Ly tại Đà Nẵng trước khi tuyên bố ngừng hợp tác với VCMPC và trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực, điều này, theo LS Trần Đình Triển là chưa đúng pháp luật. “Lỗ hổng” trong việc thành lập VCMPC Ngoài việc phân tích 2 sự việc cụ thể trên, Luật sư Trần Đình Triển còn lý giải việc tại sau mối quan hệ giữa VCMPC – các nhạc sỹ – đơn vị tổ chức lại thường xuyên rơi vào mâu thuẫn đồng thời chỉ ra các lỗ hổng trong sự ra đời và hoạt động của VCMPC. Theo Luật sư Trần Đình Triển, các nhạc sỹ, muốn được pháp luật bảo hộ đối với các tác phẩm âm nhạc của mình thì họ phải đăng ký các tác phẩm của mình với Cục sở hữu trí tệ và Cục bản quyền của Bộ Văn hóa. Còn với các đơn vị tổ chức/ca sỹ muốn được biểu diễn thì phải làm tròn trách nhiệm của mình, biểu diễn tác phẩm nào, ngoài việc xin phép các cơ quan chức năng để được biểu diễn thì phải có trách nhiệm thông báo cho nhạc sỹ hoặc người được ủy quyền về việc sử dụng tác phẩm của họ. Nếu ca sỹ/ đơn vị tổ chức không xin phép thì người nhạc sỹ hoặc người được ủy quyền hoàn toàn có thể kiện họ ra tòa. Nhưng lâu nay, thì hầu như ca sỹ không biết tới chuyện đó, nhà tổ chức cũng vậy để cho nhạc sỹ, người nhà lăn lộn tìm đến, đến nơi rồi có khi lại nhận phải số liệu không chính xác. Chi phí đi lại có khi lại còn nhiều gấp mấy lần tiền tác quyền. Chính vì thế, các nhạc sỹ rất cần có sự hỗ trợ của một đơn vị trong việc bảo vệ tác quyền âm nhạc đối với những sáng tác của họ. Trong bối cảnh đó, VMCPC ra đời là điều rất cần thiết. Hơn thế, căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ Luật dân sự, sự ra đời của VCMPC để hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhận ủy quyền được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, việc ra đời trung tâm này chưa đúng pháp luật.

 - 2

Nhạc sỹ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCMPC)

Luật sư Trần Đình Triển chỉ ra những điều chưa đúng pháp luật đó gồm : Thứ nhất, VCMPC đang ẩn náu dưới vỏ áo hội nghề nghiệp là Hội nhạc sỹ Việt Nam mà chưa được đăng ký hay thành lập theo Luật Doanh nghiệp. Thứ 2: Căn cứ vào pháp luật, nghị định Chính phủ về tổ chức và hoạt động Hội nghề nghiệp thì khi Hội nhạc sỹ muốn ra đời một tổ chức có tư cách pháp nhân thì phải sự đồng ý của Bộ văn hóa (cơ quan chủ quản của Hội nhạc sỹ). Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ ra quyết định đồng ý thành lập trung tâm bản quyền có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, trong hồ sơ thành lập của VCMPC thì Bộ Văn hóa không có văn bản đồng ý. Trong quyết định của Bộ Nội vụ thì chỉ cho phép Hội nhạc sỹ thành lập trung tâm bản quyền tác giả trực thuộc Hội Nhạc sỹ không nói tới tư cách pháp nhân. Người đứng ra phê chuẩn sự thành lập và điều lệ của VMCPC khi đó là Tổng thơ ký Hội nhạc sỹ Việt Nam là sai bởi đúng luật phải là Chủ tịch Hội Nhạc sỹ. Sự ra đời của VCMPC chưa đúng pháp luật thế nhưng, họ lại có tư cách pháp nhân, hoạch toán độc lập, có tài khoản và con dấu riêng. Chính vì thế, việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn. Việc thu – chi của VCMPC vẫn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi. Chính những “lỗ hổng trong sự ra đời và hoạt động của VCMPC đã khiến một số nhạc sỹ không có được sự tin tưởng hoàn toàn và họ sẽ lên tiếng khi cảm thấy quyền lợi của mình chưa được đảm bảo.

Tiểu Long
Theo Khampha.vn