Thành công của Ngô Thanh Vân, Hồng Châu hay Kelly Marie Trần là những tín hiệu tốt về tương lai của người đẹp Việt và gốc Việt tại thương trường Hollywood.
Hình ảnh phụ nữ Việt trên màn bạc Hollywood, dù hiếm hoi nhưng từ lâu đã bị ghép vào khuôn khổ của những nạn nhân chiến tranh, phụ nữ làm nail, làm tóc, nay đang chứng kiến một sự chuyển mình đồng điệu với điện ảnh thế giới cũng đang trên đà thay da đổi thịt.
Phụ nữ Việt và dòng phim chiến tranh những năm 70 – 90
Xuất hiện cùng với những biến chuyển của lịch sử, dòng phim chiến tranh đã thu hút những nhà làm phim xách máy quay đi và khai thác câu chuyện về con người thời chiến, mà một hình tượng quan trọng trong đó chính là người phụ nữ Việt trong tấm áo dài, trắng tinh khôi giữa cánh đồng bị cày nát bởi đạn bom.
Lê Thị Hiệp trong vai Lệ Lý đã làm sống lại dòng phim chiến tranh từng một thời hưng thịnh bằng hình ảnh làn tóc đen đổ dài thẳng lưng đứng trong poster của Trời và Đất (Heaven on Earth). Hình ảnh con gái Việt Nam trong con mắt nửa chua xót nửa tò mò của những nhà làm phim Hollywood thời đó đóng gọn trong tà áo dài, tay cầm chiếc nón, chỉ như con sâu cái kiến trong thời cuộc quay cuồng.
Lê Thị Hiệp trong “Heaven on Earth”
Trong Người Mỹ trầm lặng, Đỗ Hải Yến sau những Mùa hè chiều thẳng đứng (1999) hay Vũ khúc con cò (2000) trở thành một bông sen tên Phượng. Dù The Quiet American được tán dương như một phim nước ngoài đầu tiên quay tại Việt Nam, thì tựu chung người đẹp Việt vẫn chưa thoát khỏi định kiến về phụ nữ Á đông thụ động và khiếp nhược chỉ chực nép mình dưới cái bóng của nam nhi. Phượng của Người Mỹ trầm lặng, xinh đẹp và mong manh, cơ hội và phù hoa. “Cô gái” vô danh của Kiều Chinh trong A Yank in Viet-Nam (1964) thì được chàng trai Mỹ bế trên tay trong tấm poster sặc mùi ngôn tình.
Đỗ Hải Yến đẹp giản dị trong tà áo dài, cảnh phim “The Quite American”
Đối nghịch với những người con gái nhuần nhị là hình ảnh cô gái điếm Đà Nẵng (được đóng bởi nữ diễn viên Anh gốc Trung Quốc Papillon Soo Soo) với cặp giò cao, chiếc áo hở lưng và câu thoại nổi tiếng “…Me love you long time,” trong Full Metal Jacket.
Cảnh phim trong “Full Metal Jacket”
Phim chiến tranh không chỉ khắc họa những người gái tảo tần lam lũ, hiền dịu nhu nhược, mà còn là những linh hồn bị chà đạp cố ngoi lên tìm đường sống để rồi thấy mình vất vưởng trên những khu phố đèn mờ cùng những gã lính tây say khướt. Tuy nhiên, hầu hết trong số này đều đặt máy quay ở một khoảng cách lãnh đạm, khiến những số phận trên hoặc rơi vào quên lãng, hoặc trở thành một thứ định kiến trong văn hóa đại chúng.
Màn bạc hiện đại: Đả nữ, mưu sinh và nỗ lực ghi điểm đối với Hollywood
Những người Việt trên màn ảnh nhỏ thường phải khoác theo một chân dung ngớ ngẩn được mô tả như sau: tên nhân vật nửa Việt nửa Hàn, lên màn ảnh là bắt buộc phải nói một vài câu hoặc hoàn toàn bằng tiếng Việt, tiếng Anh – dù nói tốt thì cũng bắt phải nói dở để ra cái giọng lơ lớ rất khó nghe.
Không khó để nhận ra cộng đồng người Việt (tại Mỹ) trong con mắt của các nhà làm phim hiện đại hiện lên có phần đơn điệu và áp đặt, phần nào thể hiện sự thờ ơ và cả định kiến của những nhà làm phim. Trong Better Call Saul là một tiệm nail mà Jimmy gào lên bằng tiếng Việt (chưa sõi): “Các cô ơi!”. Với Mean Girls là cảnh tranh cãi giữa những cô nàng xấu thói. Trong Happy Death Day là một nữ sinh ngồi nghe nhạc (thứ nhạc mà phần đông người Việt chẳng ai nghe).
Bên cạnh những quan niệm đó , phụ nữ Việt – ngay trong tập hợp phim Hollywood khiêm tốn của mình – cũng đã và đang tìm thấy vài ngoại lệ. Diane Nguyen là nhân vật người hiếm hoi trong tv series Bojack Horseman, có một tuổi thơ khó khăn với ông bố lạnh nhạt nhưng lớn lên cô nàng tóc xanh này lại trở thành một người thông minh, tử tế và ủng hộ nữ quyền mạnh mẽ.
Diane Nguyen thường xuyên bị trêu chọc vì cái họ Nguyễn của mình
Sự thất bại của phiên bản làm lại Power Rangers năm nay khiến người ta nhớ tới đội hình các chiến binh năm xưa với Thùy Trang – cô siêu nhân Gao Vàng bạc phận ra đi ở tuổi 27 trong một tai nạn ô tô. Vai diễn của Thuỳ Trang là một trong những nhân vật khơi lên ngọn lửa của các diễn viên gốc Á vào một tương lai có chỗ đứng tại Hollywood.
Người đẹp gốc Việt Maggie Q là một trong những ví dụ về nỗ lực khẳng định tên tuổi với việc được Thành Long “chọn mặt gửi vàng” cho hai phim Rush Hour 2 (2001) và Around the World in 80 Days (2004). Trong khi diễn viên Việt Nam vẫn loay hoay tìm cho mình một bản sắc riêng sau khi dòng phim chiến tranh lắng xuống, Maggie Q tung hoành màn bạc bằng hình ảnh đả nữ trong những Mission: Impossible III (2006), Die Hard 4 (2007) hay gần đây là loạt phim giả tưởng Divergent.
Maggie Q từng một thời là đả nữ được săn đón gắt gao của Hollywood
Trong số các ngôi sao Việt, Ngô Thanh Vân đang được kỳ vọng sẽ là cái tên tiếp theo tỏa sáng tại Hollywood. Từ những ngày đầu trong Dòng máu anh hùng (2007), người ta đã thấy tiềm tàng ở người đẹp này một giấc mơ lớn với màn bạc thế giới. Sự xuất hiện của cô trong Ngọa Hổ Tàng Long hay gần đây nhất là phi công quả cảm trong Star Wars: The Last Jedi, dù ngắn ngủi nhưng cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thế hệ người đẹp Việt trong phim Hollywood. Tuy nhiên để có thể ít nhất là, nhận được những vai có thời lượng dài hơn trong tương lai, có lẽ ngôn ngữ là thứ mà những sao Việt nên thực sự đầu tư và quan tâm.
Diễn viên gốc Việt và sân chơi chật chội tại Hollywood đương đại
Bên cạnh Ngô Thanh Vân, Star Wars: The Last Jedi chào đón một nữ diễn viên gốc Việt được kỳ vọng sẽ nối gót những nữ chiến binh của Star Wars là Kelly Marie Trần với vai Rose Tico. Diễn xuất chân thật và đầy cảm xúc của Trần đã ghi điểm tuyệt đối với khán giả, ngay cả khi ngoại hình không phải là thế mạnh của cô. Rose cùng với Finn đã tạo nên lịch sử khi trở thành những anh hùng da màu của thương hiệu kinh điển như Chiến tranh giữa các vì sao. Với riêng Kelly, đây là cơ hội hiếm có của một ngôi sao gốc Á được sánh ngang hàng ngũ của các nữ anh hùng mà Carrie Fisher, Daisy Ridley hay Felicity Jones đang đứng.
Kelly Marie Trần – Ngôi sao gốc Việt đang lên tại Hollywood
Về phía dòng phim nghệ thuật, Hồng Châu – một nữ diễn viên gốc Việt khác cũng đã đem về vinh quang khi trở thành người gốc Việt đầu tiên nhận được đề cử Quả Cầu Vàng cho màn trình diễn thuyết phục của mình với vai Ngọc Lan tảo tần trong Downsizing. Cũng như Kelly Marie Trần, đây mới là dự án phim lớn đầu tiên của Hồng Châu (sau Inherent Vice năm 2014).
Cộng đông người Việt ở Mỹ chỉ chiếm thiểu số nên việc thiếu vắng những ngôi sao Việt, nhất là người đẹp Việt trên màn bạc là điều dễ hiểu bởi tiềm năng thị trường không cao. Trong bối cạnh vận động của thị trường ngày nay, khi Hollywood chịu nhiều áp lực từ việc đa dạng hóa dàn cast về màu da và giới tính thì những diễn viên Việt Nam sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa để có thể tỏa sáng trong một sân chơi chật chội và khốc liệt.
Với Star Wars, Ngô Thanh Vân đang từng bước khẳng định tên tuổi của mình tại Hollywood
Trong khi những Hồng Châu, Ngô Thanh Vân, Kathy Uyên, Lana Condor, Loan Chabanol hay Kelly Marie Trần đang từng bước gặt hái thành công trên màn ảnh, đây có lẽ là lúc để ta nhìn lại về hình ảnh của phụ nữ Việt trong phim Hollywood.
Chúng ta đã bước qua thời thịnh vượng của dòng phim chiến tranh để có thể lặp lại hình ảnh người đẹp với tấm áo dài cùng chiếc nón cầm tay, nhưng lại tìm thấy mình loay hoay đứng giữa ngã ba đường của những lựa chọn. Tuy nhiên khán giả vẫn mong được lắng nghe phụ nữ Việt kể câu chuyện đời của họ trên màn ảnh, cả nội địa lẫn quốc tế, chân thực và đa đoan hơn, chua cay và vinh hiển hơn như chính người bà, người mẹ, người chị của ta.
NGỌC KING – M
THEO TRÍ THỨC TRẺ