Ca sĩ kể về lần được trả công hậu hĩ khi hát trong nước và không nề hà chuyện đi show ở đám cưới.
– Anh từng tự hào việc con gái nuôi Phương Mỹ Chi được trả cát-xê cao hơn anh khi diễn ở Mỹ. Sau nhiều năm đi hát, thù lao hiện tại của anh ra sao?
– Ở Việt Nam, thù lao trung bình của tôi khoảng 80 triệu đồng mỗi show, hôm nào “ế” thì 50 triệu đồng. Tùy quy mô chương trình, tôi có thể được trả cát-xê hơn thế gấp hai, ba lần nếu hát cho sự kiện thương hiệu, đám cưới.
Tôi không nề hà chuyện hát ở đám cưới. Tôi sống ở Mỹ từ nhỏ nên tư duy khá thoáng, không đặt nặng chuyện địa điểm khi hát, miễn có người ủng hộ. Thậm chí, cát-xê cao nhất tôi từng nhận được khi hát ở đám cưới là 500 triệu đồng. Một lần khác, tôi và ca sĩ Lệ Quyên đi hát ở đám cưới bạn của cô ấy, gia đình người đó đã tặng tôi một chiếc đồng hồ trị giá hơn 200 triệu đồng.
Quang Lê bên con gái nuôi – ca sĩ Phương Mỹ Chi. |
Ở Mỹ, thù lao đi hát mỗi show của tôi là khoảng 6.000 USD (khoảng 136 triệu đồng), bằng với con gái nuôi Phương Mỹ Chi, thuộc hàng cao trong giới nghệ sĩ hải ngoại. Nhiều người nhìn vào xuýt xoa, nhưng thực ra con số ấy phản ánh quá trình làm nghề lâu năm của tôi. Lúc mới vào nghề, tiền thù lao của tôi khoảng 3.000 – 4.500 USD (68 triệu đến hơn 100 triệu đồng) mỗi show. Sau này, tôi hoạt động chủ yếu trong nước, mỗi lần về Mỹ để hát dễ bị ảnh hưởng sức khỏe vì đường xá xa xôi. Bầu show ở Mỹ hiểu ý nên nâng giá cát-xê cho tôi.
Tôi không ngại công khai cát-xê của bản thân hay sợ người khác nghĩ mình “hét giá” vì luôn biết mình đứng ở vị trí nào.
– Hát dòng quê hương, Bolero đã lâu, anh nghĩ mình đang đứng ở đâu trong làng giải trí khi ngày càng có nhiều ca sĩ theo con đường này?
– Tôi tự tin đã tạo được dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Với tôi, càng nhiều người hát Bolero, tôi càng thích. Tôi không sợ bị khán giả lãng quên nếu có nhiều tên tuổi cạnh tranh và mừng vì Bolero thịnh hành trở lại. Có thời điểm, dòng nhạc này bị nhiều ca sĩ trẻ chê “sến”, “quê”.
Hiện rất nhiều bạn trẻ hát hay, nhưng để nổi tiếng, tỏa sáng thì rất khó vì dòng nhạc này luôn có những tiêu chuẩn riêng. Khi nhiều ca sĩ đi hát sau những danh ca gạo cội, mà lại còn hát giống quá, chưa thể hiện được những nhấn nhá riêng, khán giả sẽ chỉ thấy họ là bản sao của những tên tuổi đi trước như Hương Lan, Như Quỳnh, Quang Lê, Đan Nguyên… Tôi hiểu nỗi khó khăn của họ vì giai đoạn đầu đi hát, tôi cũng dễ bị ảnh hưởng mới các đàn anh, đàn chị, phải nghe họ để hát lại. Nhưng người thông minh là người không nên đứng sau cái bóng của ai.
Tại sao Hương Lan, Thanh Tuyền đã trở thành những thương hiệu sau 55-60 năm ca hát? Tại sao họ không hề phai nhạt về tên tuổi, đi show thậm chí còn nhiều hơn lớp trẻ? Vì lối hát của họ đã trở thành chuẩn mực.
– Anh làm thế nào để hình ảnh luôn tươi mới?
– Tôi quan niệm sau khi hát một dòng nhạc mãi cũng nên tìm hướng phát triển mới. Tôi thường nghe nhiều thể loại để lấy cảm hứng hát nhạc quê hương, trữ tình ngọt ngào hơn. Sắp tới, tôi sẽ thử thách bằng việc hát và quay MV một ca khúc nhạc trẻ do Lương Bằng Quang sáng tác, xem như làm mới bản thân trong mắt khán giả.
Hát Bolero, tôi vẫn theo dõi các giọng ca như Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Tiên Cookie và Phan Mạnh Quỳnh. Tôi nhận ra Sơn Tùng hay Phan Mạnh Quỳnh hát nhạc trẻ nhưng vẫn được nhiều khán giả lớn tuổi yêu thích.Âm nhạc của họ có nhiều luyến láy ngũ cung, tạo âm hưởng gần gũi với fan của thể loại nhạc trữ tình, quê hương. Tôi chưa có dịp tiếp cận thường xuyên với những nghệ sĩ trẻ đó, nên vẫn rất mong được hợp tác cùng họ khi có dịp.
– Nửa năm sau khi chia tay bạn gái, chuyện tình cảm của anh hiện thế nào?
– Thời gian này, tôi chưa nghĩ đến việc phải kiếm tìm một mối quan hệ mới mà thường dành nhiều thời gian để tự ngẫm về mình và lao đầu vào công việc. Với bạn gái cũ, tôi vẫn thường xuyên liên lạc, hỏi thăm sức khỏe cô ấy. Tôi được nhiều khán giả hơn tuổi – có người đã lập gia đình – thể hiện sự yêu thương.Nhưng là người chín chắn, tôi muốn giữ khoảng cảnh vừa phải để tôn trọng nghĩa lễ, sống sao cho đẹp trong lòng công chúng.
– Anh chuẩn bị ra sao cho đêm nhạc “Hát trên quê hương 5 ” vào đầu 2018?
– Nỗi lo lớn nhất của tôi là khán giả sẽ nhàm chán, buồn ngủ vì thiếu sự liên kết giữa các tiết mục. Như chương trình Hát trên quê hương 3, tôi thực hiện 33 tiết mục, đến gần 1h sáng mới kết thúc. Vì vậy, trong đêm nhạc tới, tôi cắt xuống còn 22 bài, mỗi tiết mục không quá năm phút để khán giả còn lưu luyến khi ra về.
Tôi đang dồn toàn lực cho chương trình này. Trong liveshow, tôi hát cùng nhiều danh ca như Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Dung, Họa My, Hương Lan, hay các đồng nghiệp như Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Linh…
Giờ tôi hoạt động trong nước nhiều hơn ở Mỹ. Trong thời gian qua, tôi cũng có thêm những học trò, con nuôi nhờ ngồi ghế giám khảo, huấn luyện một số chương trình truyền hình thực tế. Tôi muốn làm show để tạo một sân khấu thường niên, giúp các ca sĩ có thêm nơi trình diễn cũng như đến gần hơn với công chúng.
Quang Lê sinh năm 1979, ở Huế, sang Mỹ định cư từ nhỏ. Anh nổi tiếng khi hát cho một trung tâm ca nhạc ở hải ngoại và ghi dấu ấn với các ca khúc Sương trắng miền quê ngoại, Cô hàng xóm, Đập vỡ cây đàn, Đôi mắt người xưa… Từ năm 2010, anh thường xuyên về Việt Nam biểu diễn. Năm 2013, anh nhận Phương Mỹ Chi – Á quân Giọng hát Việt nhí mùa một làm con nuôi và giúp cô bé thực hiện nhiều sản phẩm âm nhạc. Năm 2017, anh trở thành một trong bốn huấn luyện viên của chương trình Thần tượng Bolero mùa hai. |
Tam Kỳ
Theo VnExpress