Nhóm MTV: ‘Nếu sau Sao đại chiến, mọi người chỉ nhớ tới những màn đấu khẩu hơn là chất lượng âm nhạc, thì đó là điều thất bại!’

Các thành viên nhóm MTV đã có những chia sẻ chân thành, trải lòng về những trăn trở khi làm nghề, việc duy trì hình ảnh vững vàng suốt 20 năm và cuộc chơi “Sao đại chiến” đang khá ầm ĩ hiện nay.

Show truyền hình “Sao đại chiến” đang là tâm điểm của sự chú ý khi không chỉ mang lại những phần trình diễn mới mẻ, ấn tượng mà kéo theo là những cuộc tranh luận về quan điểm làm nghề vô cùng sôi nổi. Là một “tiền bối” trong show, nhóm MTV cũng có khá nhiều trăn trở, những góc nhìn riêng, thể hiện được sự dạn dày kinh nghiệm, cũng như tâm huyết với con đường nghệ thuật đã theo đuổi rất nhiều năm.

Chào nhóm MTV, các anh có mất nhiều thời gian để nhận lời tham gia “Sao đại chiến” không? Có lí do nào đặc biệt để nhóm tham gia show lần này?

Chúng tôi mất tận… 30 phút để quyết định (cười). Thật ra nhóm MTV và nhạc sĩ Nguyễn Dân đã có duyên nợ với nhau từ xưa giờ rồi, giống như đợt năm ngoái MTV mời Dân tham gia “Sing My Song”, năm nay ngược lại, Dân mời MTV tham gia “Sao đại chiến”, vì chương trình này là dành cho các producer. Dân nhờ hỗ trợ cho những tiết mục của Dân trong mỗi tập, MTV đồng ý với Dân bởi nhóm cũng muốn Dân có những sự thay đổi trong âm nhạc.

Trước giờ Dân chưa bước ra ngoài, chưa thật sự thể hiện để mọi người biết Nguyễn Dân là ai. Những sản phẩm âm nhạc có rất nhiều, cũng nhiều bài hát thành công như “Yêu đời”, “Chuyện nhỏ”, “Chào buổi sáng”, “Cám ơn ngày mới” của MTV, nhưng để mọi người biết mặt mũi Nguyễn Dân là ai thì chưa, trừ khi là fan MTV. Cho nên MTV cũng rất thoải mái khi hỗ trợ Dân trong chương trình này.

Khi nhận lời, các anh có tham khảo trước format chương trình? Có nghĩ là nó sẽ khốc liệt như thế này không?

Lúc trước nhìn sơ qua, nhóm nghĩ nó sẽ giống như kiểu “The Remix” nhưng là một dạng mở rộng hơn nhiều. Còn mức độ khắc nghiệt thì mình chưa nghĩ nó sẽ kinh khủng như vậy. Không nghĩ là sẽ chặt chém nhau “banh chành” như thế này. Đúng là một cuộc “đại chiến”. Vào đây là không ai nương tay, không hiền được, bởi vì hiền là bị “chém” liền, hiền là “chết chắc”. Cho nên đây là “ván bài lật ngửa”, không có sự nể nang hay kính trên nhường dưới ở đây. Vào đây là chỉ có hay hoặc dở. Nếu anh dở thì khỏi nói rồi, là phải dìm cho tới đáy luôn. Thì đó là cái điều mà không phải ai cũng chịu được. MTV thì thuộc dạng chai lì cảm xúc rồi, trầy vi tróc vẩy bao năm tháng nay rồi, nhưng vẫn cảm thấy đây là một sân chơi rất khốc liệt.

Theo anh những lời chê có phần hơi “công kích” có phải là 1 phần chiến lược của các đội chơi để họ nổi bật hơn không, hoặc để đội của họ thể hiện được những điểm mạnh, nhằm dìm đội khác xuống chẳng hạn?

Anh nghĩ đó cũng là một cái chiêu, vì mỗi game thực tế đều phải có điểm mấu chốt, mục đích để hướng tới. Mục đích của game này là gì? Là tất cả mọi người ngồi với nhau đưa ra sản phẩm của mình, những người còn lại nghe và nhận xét. Bản thân nhóm khi đưa ra 1 bài hát , thì mình chỉ nhìn với khía cạnh là khán giả yêu thích màu sắc âm nhạc, nội dung và thông điệp của chính MTV, nhưng các bạn producer ở đây lại mong muốn hơn như vậy, phải làm sao để MTV thoát khỏi hình ảnh thường ngày họ thấy ở MTV.

Trong cuộc chơi này, bên cạnh sự phân tích điểm hay, điểm chưa hay của các producer cho sản phẩm của mình, thì cái điểm để giữ mình ở lại hay rời khỏi chương trình lại là của khán giả. Khán giả là những người không phải ai cũng am hiểu nhiều như producer, họ nghe nhạc bằng cảm xúc nhiều hơn. Có thể bài đó không đáp ứng được yêu cầu của phần thi, nhưng khi khán giả nghe mà đáp ứng được cảm xúc của họ thì họ sẽ chấm điểm cao. Trong cuộc chơi này, người sản xuất phải là người hiểu rõ và truyền tải tác phẩm của mình đến công chúng, biết được thế mạnh của mình, vậy thì sự thành công sẽ cao hơn.

Nhóm MTV: Nếu sau Sao đại chiến, mọi người chỉ nhớ tới những màn đấu khẩu hơn là chất lượng âm nhạc, thì đó là điều thất bại! - Ảnh 2.

Các anh có tin tưởng hệ thống chấm điểm của các khán giả ở trường quay không? Vì thật ra đó là cái mù mờ và khó đoán nhất?

(Cười) Nhóm chơi vô tư lắm. Chúng tôi từng chơi rất nhiều game thực tế rồi, vui là chính, và cọ xát, học hỏi để tiếp nhận những cái mới, nên kết quả với MTV không phải là vấn đề được đặt nặng. Cũng hiểu gameshow thì phải có những mặt tích cực và những điều chưa được tích cực, nhưng nhóm không quan tâm nhiều đến vấn đề đó đâu. Dĩ nhiên sự đánh giá của khán giả cũng là điều gì đó tương đối để mình cảm thấy ok, sản phẩm của mình đã làm được tới mức như vầy rồi đó, và miễn làm sao nó giúp mình vượt qua những vòng thi để có thể lại mang đến những sản phẩm khác, tiếp cận nhiều hơn với các bạn khán giả nữa, thì đó cũng là niềm vui rồi. Một điều quan trọng nữa anh nghĩ là sau cuộc thi này MTV cũng đã tiếp cận được những producer rất có năng lực và có tầm nhìn rất rộng, và có thể cũng có cơ hội cộng tác với họ trong tương lai chẳng hạn.

Khi làm nhạc các anh chú trọng điều gì, hướng đến khán giả hay tập trung chuyên môn, sẽ nghiêng về cái nào hơn?

Đây cũng là bài toán khá lâu rồi, lúc trước nhóm cũng từng gặp vấn đề này. MTV không thật sự đi theo dòng nhạc bác học. Khi một sản phẩm ra vẫn mang chất của MTV và giữ cho nó không ở mức quá “chợ”. Sẽ đầu tư hòa âm, bè các thứ. Bên cạnh đó phải cân được khán giả muốn nghe gì. Không phải mình tham lam nhưng ai cũng muốn sản phẩm của mình được khán giả đón nhận nhiều, đó là thành công. Giờ mình làm ca khúc đó thật hay nhưng khán giả không đón nhận thì làm sao thành công được. Mình làm nhạc là để khán giả nghe chứ không phải một mình mình nghe, nên vấn đề đó chúng tôi nghĩ không phải riêng bản thân nhóm mà của tất cả mọi người. Chúng tôi nghĩ phần làm cho khán giả tiếp cận thì đơn giản hơn, vì nó dễ. Còn lại từ từ mình sẽ nâng cấp những gì cần để một bài hát có đẳng cấp nhất định, không hề dễ dãi.

Tập vừa rồi, khi đội mình bị chê, anh Thiên Vương có phản bác lại, nhóm nghĩ sao về điều này?

Theo yêu cầu của Dương Cầm thì âm nhạc lúc nào cũng phải có cái gì đó thật đặc biệt, thuộc đẳng cấp cao. Nhưng vấn đề là nhóm đã đưa những thế mạnh của mình ra, bên cạnh đó kết hợp được những điều mới mà Nguyễn Dân mang tới, làm sao cho nó tròn trịa và nghe chấp nhận được đã. Còn làm mới như thế nào và mới tới mức độ nào thì Nguyễn Dân là người chịu trách nhiệm nặng nhất. Dương Cầm đòi hỏi như vậy nhưng tư duy của chúng tôi thì cảm thấy âm nhạc nhóm mang đến nên dễ chịu và vừa đủ nghe để khán giả cảm nhận được, và để các producer cảm thấy nhóm vẫn giữ được một mức phong độ nào đó. Muốn lột xác, bùng nổ, không phải là không làm được nhưng sẽ cần một quá trình và sự đầu tư. Một khoảng thời gian ngắn 10 ngày làm 2 bài vậy thì không làm được đâu.

Nhóm MTV: Nếu sau Sao đại chiến, mọi người chỉ nhớ tới những màn đấu khẩu hơn là chất lượng âm nhạc, thì đó là điều thất bại! - Ảnh 3.

Lê Minh

Dương Cầm từng có một phát biểu đại loại như tới chương trình thì mới biết là phải ngồi cùng với “những người này”, nó không như anh ấy tưởng tượng. Cảm giác của anh như thế nào khi nghe phát biểu này?

Cái này chúng tôi không có ý kiến.

Vậy còn đối với nhận xét của anh Dương Cầm về một nghệ sĩ khác là “không xứng đáng làm ca sĩ”, các anh có thấy quá nặng nề và có hơi bất công cho các bạn?

Khi biểu diễn live với band tại 1 không gian như vậy, âm thanh hiện trường, chưa chắc đáp ứng được hiệu quả tốt nhất cho người đứng trên trình bày. Riêng đối với nhóm khi hát tụi anh cũng cảm thấy mệt, khó nghe. Vì ở chỗ ngồi của producer, nhóm cảm giác là không thể nghe được tốt. Khi ngồi phòng trong và nghe loa từ phòng trong thì vẫn thấy ok, bạn này hát rõ, nghe hết lời, nhưng những producer ngồi ở ngoài thì lại nhận xét không nghe được, không nghe bạn này hát cái gì hết.

2 vị trí khác nhau mình đã thấy nó khác nhau rồi. Nên vấn đề đánh giá chất lượng ca sĩ tại hiện trường thì không chính xác lắm đâu. Bởi vì trừ những người quá điêu luyện, giọng quá tốt, đảm bảo được về mặt chất lượng giọng hát thì dù âm thanh bị trục trặc chút xíu vẫn kéo lại được, không cảm giác bị trôi đi. Nhưng khi âm thanh không hiệu quả đối với 1 bạn khó điều khiển được giọng, không nghe được band đang đánh cái gì thì bắt buộc sẽ có những trục trặc xảy ra. Trên 1 sân khấu band chơi live thì phải thật cứng mới có thể không xảy ra “phốt”. Nên việc 1 bạn ca sĩ trình bày có những sai sót cũng là chuyện bình thường.

Có thể ở không gian này, cuộc thi này, bạn ấy làm không tốt nhưng khi hát trên nền nhạc có sẵn, chất lượng lại khác. Không thể chỉ nhìn vào 1, 2 bài hát và không gian nhất định để đánh giá cả quá trình của người ta. Quá trình của người ta và việc có thể làm ca sĩ hay không thì phải để khán giả đánh giá. Sự ủng hộ, yêu thích của khán giả sẽ là câu trả lời chính xác nhất. Chứ bây giờ thí dụ như mình nói là người đó hát hay lắm, hát tốt lắm, nhưng ra thị trường khán giả không chấp nhận, thì đó là thất bại.

Nhóm MTV: Nếu sau Sao đại chiến, mọi người chỉ nhớ tới những màn đấu khẩu hơn là chất lượng âm nhạc, thì đó là điều thất bại! - Ảnh 4.

Anh Tuấn

Anh nghĩ thế nào khi team anh và các team khác bị Dương Cầm chê, nhưng sự tiếp cận của các anh, cũng như một số team khác đến với khán giả lại tốt hơn Dương Hoàng Yến, anh nghĩ đó có phải là điểm yếu của anh Cầm không?

Đó chính là vấn đề, quan trọng nhất làm sao âm nhạc của mình phải đến được tai và trái tim khán giả. Còn chuyện giỏi hay dở hay như thế nào đó, hậu xét. Mình làm sản phẩm ra phải có người nghe, thưởng thức, hát theo, học theo kiểu của mình. Còn chuyện học thuật hay chuyên môn thì giới chuyên môn sẽ đánh giá. MTV trước giờ đứng trên sân khấu bao nhiêu năm, đã biết khán giả ở đâu như thế nào. Khi đi hát miền Tây sẽ biết phải hát nhạc gì, hát ở Sài Gòn, ngoài Bắc, thậm chí là lên núi phải hát những gì. Những trải nghiệm đó những người ngồi trong phòng thu chưa chắc biết được. Đó là lí do tại sao khi MTV vô tình được xếp chung với Miu Lê, mấy anh em chơi rất thân và gắn kết, điên khùng giống nhau, rất vui, và cảm nhận được là âm nhạc và hướng đi cũng giống nhau.

Mình tự nhận âm nhạc của mình là giải trí, mà giải trí thì mức độ lớn nhất của nghề này là làm sao để khán giả phải sướng, mình sướng không nói, phải để khán giả sướng đã rồi họ sẽ mua vé mua đĩa nghe nhạc của mình, để mình lại kiếm tiền làm sản phẩm mới cho họ thưởng thức. Nó là 1 cái guồng máy như vậy. Còn bạn cố tình lái để đi chệch khỏi guồng đó thì bạn sẽ là 1 kiểu khác. Bạn có thể làm cho bản thân bạn hay làm cái gì đó lớn lao hơn, còn nhóm MTV vẫn tự nhận là 1 nhóm nhạc học thuật – giải trí. Học thuật nhưng dành để giải trí chứ không phải học thuật để làm cái gì đó cao cả, to tát.

Có bao giờ các anh nhận lấy những lời chê và cảm giác hơi bị thiếu tôn trọng không, vì dù sao mình cũng là đàn anh và có nhiều kinh nghiệm hơn mọi người?

Tất nhiên, vị trí của MTV như vậy thì khi muốn chê họ cũng phải lựa lời để nói. MTV có gì để chê? Chẳng lẽ lại chê MTV hát dở hay bè không hay, đây là những sân chơi chúng tôi không thể hiện những điều đó, vì đó là điều mọi người đã biết về MTV trước giờ rồi. Cái sự khen chê ở đây cũng không phải do mình hoạt động lâu mà người ta phải khen mình đâu, đó là do quan điểm về âm nhạc, người đó cảm thấy âm nhạc như vậy chưa đã tai, người ta cần cái gì đó ghê gớm hơn nữa nên người ta chê, đó là chuyện của người ta. Nhưng bản thân nhóm làm thì cảm thấy ok, khán giả dễ chấp nhận, và mình cũng đáp ứng nhu cầu của cuộc chơi, vậy là được. Vả lại sản phẩm làm ra cũng vừa đáp ứng trong khoảng thời gian có được, chứ không thể trong thời gian ngắn mà làm ra được những thứ to lớn, cái đó thì vượt ngoài tầm tay rồi.

Nhóm MTV: Nếu sau Sao đại chiến, mọi người chỉ nhớ tới những màn đấu khẩu hơn là chất lượng âm nhạc, thì đó là điều thất bại! - Ảnh 5.

Thiên Vương

Anh Đức Trí có nói 1 câu, đã ở một cuộc thi có những người nổi tiếng ngồi với nhau rồi, nếu muốn chê thì anh em nhắn riêng với nhau còn hơn lên truyền hình lại chặt chém nhau 1 cách gay gắt như thế. Các anh có đồng tình với quan điểm này?

Chúng tôi đồng tình, nên tiết chế lại điều đó. Nhóm biết chiến lược truyền thông của chương trình thì phải làm ra những cái cực kỳ gay cấn, kịch tính, drama đấu đá nhau để tạo hiệu ứng mọi người quan tâm. Nhưng vô hình chung điều đó làm chương trình trở nên căng thẳng vô cùng. Có thể do chương trình này format là như vậy, nhưng bản thân MTV nghĩ có rất nhiều chương trình như “The Voice”, giám khảo cũng đấu đá nhau nhưng họ rất khéo léo trong cách đưa câu khen câu chê của mình. Nó không chỉ là sự văn minh mà phải thật sự hiểu biết và tinh tế mới làm được vậy.

Những producer trong chương trình này chưa chắc làm được những điều đó vì dù sao họ vẫn chỉ là những người làm nhạc trong phòng thu, trong ekip sản xuất của họ. Và trong ekip của họ thì họ muốn nói gì cũng được, nhưng trong 1 sân chơi lớn hơn như thế này, chúng tôi cảm giác bản thân vẫn phải học hỏi nhiều cách truyền tải những gì mình muốn nói. Chúng tôi cảm giác các producer trẻ hiện nay cái tôi của họ vẫn rất lớn, họ tài năng đó nhưng phải làm sao để sau chương trình họ sẽ được khán giả quý mến hơn. Ai cũng mong sẽ bước ra ánh sáng, được khán giả nhớ tới và thấy là công việc của producer quan trọng như thế nào đối với nghệ sĩ. Nhưng cách ứng xử của họ trên truyền hình, trên công chúng cũng vô cùng quan trọng. Nó là con đường dài chứ không chỉ dừng lại ở cuộc chơi này.

Các anh nghĩ gì nếu sau chương trình mọi người sẽ chỉ nhớ tới “Sao đại chiến” với những màn đấu khẩu hơn là chất lượng âm nhạc?

Nếu như vậy thì đúng là thất bại, vì tiêu chí quan trọng nhất vẫn phải là xây dựng lên 1 hình ảnh để mọi người thấy tầm quan trọng của người sản xuất âm nhạc, chứ không phải việc họ tranh cãi với nhau, “đè bẹp” nhau để dìm nhau. Đó là điều không nên. Nếu góp ý mình nên dùng những lời lẽ nhẹ nhàng chứ đừng kiểu như xúc phạm. Cái hệ lụy đó không chỉ trong show mà còn mang ra ngoài, trên phương tiện truyền thông các thứ, đâm ra những người đồng nghiệp với nhau có khi lại không nhìn được mặt nhau luôn. Chúng tôi thấy cái đó không đáng, và đó không phải điều tích cực mà chương trình mang lại.

Nhóm MTV: Nếu sau Sao đại chiến, mọi người chỉ nhớ tới những màn đấu khẩu hơn là chất lượng âm nhạc, thì đó là điều thất bại! - Ảnh 6.
Nhóm MTV: Nếu sau Sao đại chiến, mọi người chỉ nhớ tới những màn đấu khẩu hơn là chất lượng âm nhạc, thì đó là điều thất bại! - Ảnh 7.
Nhóm MTV: Nếu sau Sao đại chiến, mọi người chỉ nhớ tới những màn đấu khẩu hơn là chất lượng âm nhạc, thì đó là điều thất bại! - Ảnh 8.

Các anh sẽ không chạy theo guồng chặt chém nhau trên truyền hình chứ?

Đúng rồi, vì khi quyết định tham gia chương trình này thì nhóm chỉ nghĩ về khía cạnh và mục tiêu của chương trình, mà mình sẽ đi theo cái mình nghĩ. Còn những chuyện bên ngoài tác động như thế nào thì chúng tôi vẫn phải kiểm soát. Vì dù có hay không có chương trình này thì MTV vẫn tiếp tục con đường của mình, không khác gì cả, ngoài việc học hỏi thêm những cái phù hợp cho con đường của mình.

Có bao giờ các anh cảm thấy buồn hay bất mãn khi truyền thông của chương trình cũng chỉ xoáy vào các bạn ca sĩ trẻ, những chuyện ồn ào, còn những người làm nghiêm túc như mình thì lại bị quên đi?

Đó là chuyện bình thường (cười), chúng tôi cũng hiểu điều đó, bản thân MTV không vịn vào chương trình này để đánh bóng tên tuổi của mình. Ở đây là những bạn trẻ nhiệt huyết, chúng tôi quý mến họ và họ cũng quý mến chúng tôi, có những người ngày xưa còn là fan MTV và giờ có cơ hội cộng tác, họ rất vui vẻ hợp tác. Đó là điều chúng tôi cảm thấy rất quý trọng chương trình này. Không buồn đâu vì sau chương trình này được thêm 1 số bài hát mới, có thể sử dụng được để kiếm tiền nên không buồn đâu (cười), vì cũng chơi với tâm thế là chơi cho đã, giới thiệu sản phẩm mới đến công chúng, và học hỏi những cái hay. MTV cũng đã học được rất nhiều rồi, vả lại mình hiểu rõ quy tắc của truyền thông như thế nào nên không buồn đâu.

Như các anh chia sẻ, tới chương trình này cũng là để học xu hướng mới, vậy có khi nào các anh cảm giác mình hơi bị lạc lõng so với nền âm nhạc hiện tại không?

Cái đó là dĩ nhiên. MTV đã cảm thấy tụt hậu so với các bạn nên mới tham gia chương trình, chứ không phải tham gia xong mới thấy mình bị thụt lùi. Mình cũng tự thấy đang đi vào lối mòn âm nhạc, đó là điều thúc đẩy MTV đi theo Nguyễn Dân tham gia chương trình này.

Mình vẫn cố gắng thay đổi màu sắc, tư duy âm nhạc nhưng vẫn phải có những yếu tố bổ trợ cho mình. Nên MTV cũng hy vọng là sau chương trình, thay vì ngày xưa chỉ ngồi chờ việc đến, thì giờ mình sẽ chủ động hơn, tự thúc đẩy bản thân mình, ví dụ thấy SlimV hay nè, Rhymastic, Only C hay nè, mình sẽ liên hệ bạn đó chẳng hạn. Sẽ có 1 con đường dài hơn nữa cho nhóm.

Nhóm MTV: Nếu sau Sao đại chiến, mọi người chỉ nhớ tới những màn đấu khẩu hơn là chất lượng âm nhạc, thì đó là điều thất bại! - Ảnh 9.

Nếu muốn thay đổi nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với 1 người cộng sự cũ, các anh có nghĩ sẽ khó thay đổi và tốc độ thay đổi vẫn còn chậm không?

Vấn đề này thì MTV mở lắm. Mình sẽ khai thác thế mạnh của từng người, biết người đó mạnh về cái gì. Xưa giờ MTV làm việc theo tình cảm nhiều, người nào cộng tác lâu năm, có mối quan hệ nhiều thì những sản phẩm của mình mình sẽ tìm người đó. Với thị trường âm nhạc như hiện tại, với xu hướng mới, để thỏa mãn những điều kiện mình muốn đưa ra, dĩ nhiên MTV sẽ phải có sự tính toán hợp lý hơn. Những người cộng tác với mình, người nào mạnh về sở trường nào, cộng tác thích hợp với bài nào mình đưa ra thì mình sẽ nhờ người đó.

Nhóm MTV cũng là 1 nhóm lâu năm nhất trên thị trường hiện nay, điều gì giúp các anh duy trì và hoạt động được mạnh mẽ như thế? Và các anh có nghĩ ai sẽ là “hậu duệ” xứng đáng của mình không?

Tại vì nhóm toàn những nhân tố lạ đó (cười), lì nhất, lầy nhất. Mỗi người trong nhóm đều cảm nhận được 1 điều, cái tên MTV là máu thịt, là mục đích sau cùng, là những gì mỗi người có thể làm tốt nhất. Mọi người biết đến những thành viên MTV là vì nhóm MTV. Đó là những gì mình đã gầy dựng được trong 1 khoảng thời gian dài. 20 năm rồi, đó là điều không phải ai cũng làm được. Nhiều khi người ta chỉ cần muốn tỏa sáng 1 lần rồi tắt trong cuộc đời, riêng tụi anh lại thấy cái tên MTV là cái khiến mọi người thấy mình cần phấn đấu hơn nữa, vì nó là lẽ sống.

Chúng tôi đang nghĩ không biết Việt Nam có trao kỷ lục Guinness cho nhóm nhạc già nhất không, nhóm tính lấy cái giải đó đó (cười). Thế hệ sau cho tới thời điểm này thì O-Plus là 1 ứng cử viên. Có 1 số nhóm cũng cá tính nhưng phong độ không ổn định. Riêng O-Plus thì có 1 nền tảng vững chắc, mỗi thành viên đều hát khá tốt, bè vững chắc, tư duy âm nhạc cũng đi được được dài.

Cảm ơn nhóm MTV về buổi trò chuyện chân thành!

QuangMT

Theo Tri Thức Trẻ