Câu chuyện hậu trường ‘dở khóc dở cười’ đằng sau những phút giây toả sáng trên sân khấu của thí sinh Giọng hát Việt nhí khiến nhiều người bất ngờ. Sau khi những chương trình truyền hình thực tế đã “tìm không ra” những tài năng để thu hút khán giả, đến nỗi có thí sinh đi thi như ‘chạy show’ từ hết cuộc này đến cuộc thi khác, thì ‘lãnh địa’ thí sinh nhí được các nhà tổ chức và đặc biệt là nhà tài trợ quan tâm đến. Kể từ sau Giọng hát Việt nhí, liên tiếp những chương trình dành cho trẻ em như Bước nhảy hoàn vũ nhí, Vũ điệu tuổi xanh, và chuẩn bị Vua đầu bếp nhí được đưa vào sản xuất. Lãnh địa này, ban đầu có vẻ là “ngon ăn” với ban tổ chức bởi ở độ tuổi còn nhỏ, các em chưa có sự “sân si”, tính toán, mà nếu có, cũng chỉ là từ bố mẹ mà thôi. Chính vì vậy, có vẻ như đã đến lúc sự ngây thơ của trẻ em được đặt vào bài toán kinh doanh. Rõ ràng, khi sản xuất một chương trình, bất kể là về lĩnh vực nào và dành cho độ tuổi nào, thì yếu tố kinh tế phải đặt lên hàng đầu. Chính vì khán giả đang ‘thừa’ những “chiêu trò”, “thủ đoạn” của các tài năng lớn mà thiếu đi những thứ trong sáng, ngây ngô, thì ban tổ chức lại rất nhanh nhạy hiểu ra vấn đề để đem đến hàng loạt chương trình dành cho trẻ em. Đây là một bước tính khôn ngoan của những người cầm quyền bởi phân khúc thiếu nhi là một lợi thế quá lớn của họ. Thứ nhất, không thể phủ nhận là khán giả có nhu cầu nghe các em thi thố với nhau hơn là các độ tuổi khác đang quá bão hoà. Thứ hai, chương trình diễn ra, dù có vấn đề gì, thì cũng ít ai động đến họ được. Bởi để giải thích cho bất cứ sự ‘bất phân minh’ nào cũng sẽ là: “Thôi, đi đến đây là được rồi, thi cho vui thôi, chỉ như là một kỳ nghỉ hè bổ ích”. Bổ đâu chưa thấy, nhưng lượng tiền chảy vào túi ban tổ chức chắn chắn là không hề nhỏ. Chỉ tính một phép tính nhỏ, 280 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo trong đêm chung kết Giọng hát Việt nhí 2013, thì với 20 phút quảng cáo, ban tổ chức đã đút túi sơ sơ gần 11 tỷ đồng. Chưa kể đến trong suốt thời lượng phát sóng, không biết bao nhiêu lần logo của nhà tài trợ ‘đập’ thẳng vào mặt khán giả một cách không liên quan, khiến cho dù không muốn thì ai nấy cũng đều phải nhớ ra là nhãn hàng này đang tài trợ cho chương trình này. Nếu muốn con cái cũng được toả sáng như các thí sinh thì hãy mau mau mua về dùng ngay(!) Chính vì cái nhìn cho trẻ em bao giờ cũng được khán giả bao dung, nên hình như ban tổ chức “được đà” để đẩy mạnh quy trình ‘kiếm tiền’ hơn, khiến cho nhiều câu chuyện dở khóc dở cười diễn ra.
Quy trình khai thác “mỏ vàng” Sau mùa đầu tiên của Giọng hát Việt nhí, nhật ký Tôi đưa con đi thi The Voice Kids của anh Lương Quốc Thái, bố bé Lương Thuỳ Mai đã gây sốt trong dư luận.
Anh Lương Quốc Thái “gây bão” trong dư luận về nhật ký Tôi đưa con đi thi The Voice Kids
Ngoài tiền vé máy bay và khách sạn, thì toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống của các em đều do các gia đình tự chi trả. Con em mình muốn đi thi cho bằng bạn bằng bè, chẳng bố mẹ nào ngăn cấm được, nhưng khi nhìn những đồng tiền chắt chịu dành dụm được cứ lần lượt ra đi, anh cũng như những phụ huynh khác không khỏi nao lòng. Toàn bộ di chuyển đều bằng taxi, hết chạy từ khách sạn qua công ty, đến sân khấu tập duyệt, đến địa điểm luyện thanh trong khắp thành phố hết ngày này qua ngày khác khiến cho tiền nong tiết kiệm được không cánh mà bay. Đến nỗi cuối cùng, anh kết hợp cùng một vài ông bố bà mẹ phải tính kế tự nấu nướng, giặt giũ trong toilet của khách sạn để tiết kiệm chi phí, và để nối dài ‘kỳ nghỉ hè bổ ích’ cho con em mình.
Những ông bố, bà mẹ phải nấu cơm ‘chui’ trong toilet để cho con có được những giây phút toả sáng Đến khi không thể chịu đựng được những chi phí cứ ngày càng tăng dần lên, các ông bố bà mẹ phải tính đến kế khuyên răn con em mình rằng đã đến lúc đi về, các bạn bè đã vào học được một tháng rồi thì cũng là lúc chương trình sắp kết thúc và ‘thành công vang dội’. Những chuyện nội bộ này nếu không do phụ huynh kể ra, chắc ít ai biết được hoàn cành ‘dở khóc dở cười’ đằng sau những phút giây toả sáng trên sân khấu. Cũng nhân cơ hội này, các nhãn hàng không tiếc tiền đổ vào để cho các thí sinh nhí đi ‘làm từ thiện’, mà chắc chắn rằng ít ai trong số các em hiểu được từ thiện là như thế nào.
Bữa cơm “chui” trong khách sạn bởi không phải ai cũng có điều kiện ăn hàng quán cả tháng khi đưa con đi thi
Cũng theo lời anh Thái, 5 giờ sáng, các em đã phải lục đục dậy để chuẩn bị “đi từ thiện”. Khi ngồi lên xe, các tài năng nhí được nghe và học theo bài hát của… nhà tài trợ để tên của nhãn hàng được nhắc tới càng nhiều càng tốt trong suốt hành trình làm việc thiện. Sau khi biểu diễn và tặng quà, đầu giờ chiều, các thí sinh lại được “dồn” lên xe để đi về mà không có lấy một giọt nước để uống, bởi đơn giản là ‘không có trong dự toán’. Thế mới thấy, “miếng bánh” quá lớn khiến cho những người có tiếng nói quên đi hết lợi ích của các em mà đặt lợi nhuận của nhãn hàng lên cao nhất. Sau khi những dòng nhật ký này gây bão trong dư luận, ban tổ chức cũng chỉ lên tiếng rằng sẽ tổ chức họp thí sinh và phụ huynh về những vấn đề vướng mắc. Nếu những dòng viết đó là sự thật, thì ban tổ chức sẽ… rút kinh nghiệm cho những mùa sau. Thế mới biết, tiền đã nằm trong túi, thí sinh và phụ huynh cũng đã chịu khổ rồi, thôi thì hoà cả làng, tất cả ra về trong êm đẹp!!!
Toàn bộ trang phục biểu diễn của thí sinh cũng do phụ huynh chạy vạy khắp nơi để mua theo ý đồ của… stylish
Nhạc sỹ Hồ Hoài Anh trong buổi họp báo mùa thứ hai của Giọng hát Việt nhí cũng phải thừa nhận rằng chương trình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em khi đến tháng 10 mới kết thúc, trong khi năm học bắt đầu từ tháng 8. Tuy nhiên, khi năm học mới bắt đầu, chương trình chỉ còn ít thí sinh nên việc học nếu có, cũng chỉ ảnh hưởng đến số ít các thí sinh mà thôi(!) Thực ra huấn luyện viên không có lỗi, các em nhỏ lại càng không. Vấn đề là “miếng ăn” quá lớn khiến cho chương trình cần được kéo dài để đảm bảo được nguồn thu là cao nhất. Nếu có thể, chắc những chương trình này cũng kéo dài cả năm để ban tổ chức hưởng được những lợi lộc từ “sân chơi thú vị” này.
Hân Lê
Theo VTC