Krazy Park và Eddy Park – hai nhà sản xuất âm nhạc góp công lớn trong “màn chào sân” của Chi Pu đã chia sẻ quan điểm về những tranh cãi của “Từ hôm nay” và “Cho ta gần hơn”.
Tạo được hiệu ứng mạnh mẽ bên cạnh những tranh cãi trong thời gian qua, single “Từ hôm nay” và “Cho ta gần hơn” của Chi Pu có sự đóng góp rất lớn từ hai nhà sản xuất âm nhạc đến từ Hàn Quốc: Krazy Park và Eddy Park.
Krazy Park là nhà sản xuất nổi tiếng tại Hàn, chủ nhân của các bản hit như “Alone” (Sistar), “Suddenly Spring” (UJU & LOCO), hay loạt ca khúc dành cho nhóm T-ara, DIA… Còn Eddy Park được biết đến với các sản phẩm âm nhạc của SG Wanabe, After School… đồng thời là người lên kế hoạch, hình ảnh cho nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc đã và sắp sửa ra mắt. Cả hai có những chia sẻ thẳng thắn, thú vị về “màn chào sân” gây tranh cãi của Chi Pu, cũng như những khác biệt giữa Kpop – Vpop.
Nhà sản xuất Krazy Park (trái) và Eddy Park (phải) đóng góp lớn cho màn debut của Chi Pu
Thích thú khi một sản phẩm debut có lượng dislike nhiều hơn lượt like
Hai anh có thể cho biết về cơ duyên trở thành nhà sản xuất âm nhạc cho dự án debut của Chi Pu?
Chi Pu rất mê nhạc Kpop nên đã cho chúng tôi nghe những bài cô ấy thích. Qua đó, chúng tôi suy nghĩ để cân bằng giữa dòng nhạc yêu thích của Chi Pu với những gì chúng tôi đang làm, cũng như đang thịnh hành nhất ở Hàn Quốc. Khi nghe demo, Chi Pu đã rất ưng ý và quyết định chọn thực hiện hai ca khúc “Từ hôm nay”, “Cho ta gần hơn”.
Lần đầu tiên hợp tác cùng một nghệ sĩ Việt như Chi Pu có gì khác gì với idol Hàn?
Có nhiều điểm khác nhau, đầu tiên là về vấn đề ngôn ngữ, thứ hai là ở vai trò. Ở Hàn Quốc, một music producer có toàn quyền can thiệp vào sản phẩm từ khi bắt đầu đến kết thúc, từ bản demo, quần áo, concept… của nghệ sĩ. Nhưng ở Việt Nam thì các giai đoạn này được thực hiện rời rạc thông qua các bộ phận khác nhau.
Chúng tôi và ê-kíp của Chi Pu gặp sự khác nhau về cách làm việc, và cũng chưa có nhiều thời gian để làm quen với sự khác biệt này. Tuy nhiên, quãng thời gian hợp tác mang đến cho cả hai bên kinh nghiệm, cũng như một kết quả tốt đẹp.
Bản thân các anh có nghe hay nghiên cứu trước về âm nhạc Việt Nam khi thực hiện hai ca khúc “Từ hôm nay” và “Cho ta gần hơn”?
Chúng tôi rất quan tâm đến văn hoá, âm nhạc của Việt Nam. Hai ca khúc của Chi Pu tuy mang đậm màu sắc đặc trưng của chúng tôi, nhưng bên cạnh đó cũng có sự dung hoà để dễ tiếp cận hơn với khán giả Việt. Đây là sản phẩm kết hợp đầu tiên nên tỉ lệ này chưa thể hiện rõ. Trong tương lai nếu có cơ hội hợp tác với một nghệ sĩ Việt Nam khác thì chúng tôi tin tỉ lệ này sẽ cân bằng hơn, và khán giả Việt có thể dễ dàng đón nhận hơn.
Có nhiều tranh cãi nổ ra với màn debut của Chi Pu lần này. Các anh có từng gặp những trường hợp tương tự khi hợp tác với các nghệ sĩ Hàn Quốc?
Cần nói rõ là những phản ứng như vậy rất bình thường ở Hàn Quốc, và đối với cá nhân chúng tôi thì thấy thích thú khi một sản phẩm debut có lượng dislike nhiều hơn lượt like, vì đấy là cơ hội, động lực để người nghệ sĩ có thể phát triển mình hơn.
Chúng tôi cũng từng trực tiếp trải nghiệm những trường hợp tương tự, đó là những màn debut của SG Wanabe hay T-ara, họ từng nhận rất nhiều “gạch đá” trong giai đoạn đầu tiên.
Ca khúc Hàn thường có những đoạn đặc trưng, lặp đi lặp lại nhưng chuyển qua tiếng Việt có thể sẽ rất khó nghe
“Từ hôm nay” và “Cho ta gần hơn” đều mang đậm hơi thở K-Pop, đặc biệt là phần giai điệu. Các anh có nghĩ khán giả Việt sẽ còn mất thời gian làm quen vì chưa cảm nhận ngay được?
Tôi nghĩ giai điệu như vậy cũng không quá xa lạ với khán giả Việt, vì tôi được biết Kpop rất thịnh hành và được yêu thích ở Việt Nam. Là nhạc sĩ Hàn Quốc, tôi mong muốn mang điều gì đó mới mẻ cho âm nhạc Việt Nam. Vì concept tổng thể của lần debut này cho Chipu mang phong cách Hàn Quốc nên chúng tôi cũng hướng theo những thể loại thịnh hành tại đất nước mình. Chắc chắn đây là lần đầu tiên nên không thể tránh khỏi việc những sản phẩm này vẫn còn đậm chất Kpop.
Nhờ đâu anh quen biết và có sự hợp tác cùng Trang Pháp trong việc đặt lời Việt cho hai ca khúc này?
Ban đầu chúng tôi làm nhạc và viết giai điệu cho 2 ca khúc, sau đó, ê-kíp của Chi Pu ở Việt Nam sẽ phụ trách tìm nhạc sĩ để đặt lời dựa trên giai điệu sẵn có của chúng tôi. Những phiên bản lời đầu tiên chưa đúng với những gì mọi người mong muốn, nên chúng tôi có đề xuất tìm nhạc sĩ khác để chuyển thể lời Việt. Tới lúc đó, ê-kíp của Chi Pu mới tìm tới Trang Pháp.
Mặc dù Trang rất bận rộn với lịch diễn và sáng tác, nhưng cô đã nhận lời. Cô ấy chỉ cần viết một phiên bản duy nhất là ê-kíp của Chi Pu đã đồng ý, và bản thân chúng tôi khi nghe cũng có cảm nhận rất tốt về phần lời Việt này.
Bên cạnh đó, chúng tôi rất thích gu âm nhạc và các sáng tác của Trang Pháp. Cô ấy cũng rất am hiểu cách viết lời cho ca khúc nước ngoài nhờ thông thạo nhiều thứ tiếng, và đã từng đặt lời Việt cho một số ca khúc tiếng Anh, tiếng Pháp trước đây.
Việc đặt lời Việt vào một giai điệu Hàn Quốc không phải dễ, nhất là với nhạc dance. Điều này có gây trở ngại với đội ngũ sản xuất âm nhạc cho Chi Pu lần này?
Chúng tôi đã từng sản xuất, sáng tác dự án cho idol Trung Quốc, Nhật… và việc chuyển thể lời qua ngôn ngữ khác sẽ luôn gặp nhiều khó khăn, làm sao lời vừa khớp với giai điệu tiếng Hàn ban đầu, vừa phải giữ đúng giai điệu, tinh thần và những câu “đinh” của bài hát, đặc biệt là nhạc dance. Ví dụ như trong bài “Từ hôm nay” là câu “oh oh oh oh”, bài “Cho ta gần hơn” là câu “I don’t know, I don’t know”. Đối với chúng tôi, phần lời Việt của Trang Pháp bám sát được giai điệu, tinh thần vui tươi và chuyển tải được câu chuyện mà cô ấy cùng ê-kíp Chi Pu đã thống nhất.
Bên cạnh đó, nhạc dance ở Hàn Quốc hầu như chỉ chú trọng vào hình ảnh, giai điệu và “câu đinh”, chứ không phải về nội dung. Ca khúc Hàn thường có những đoạn đặc trưng, lặp đi lặp lại như “ê-ê-ê-ê”, “sẽ-sẽ-sẽ”, hoặc hát “nẩy”, như bài “Sorry Sorry” của Super Junior. Điều này nếu chuyển qua tiếng Việt có thể sẽ rất khó nghe. Bạn hãy thử hát điệp khúc bài Sorry Sorry bằng tiếng Việt sẽ thấy không xuôi tai. Nói như vậy không có nghĩa là không thể, mà đơn giản nó phải tùy ca khúc và tùy người nghe.
Một bản hit ở Hàn Quốc phụ thuộc đến 60% vào người producer, 40% cho các khâu còn lại, còn nghệ sĩ có thể chỉ là một quân cờ.
Các anh nghĩ sao về việc nhà sản xuất nước ngoài hợp tác với nghệ sĩ Việt thì chỉ ở mức chuyên môn, còn văn hóa, cảm xúc, đôi khi ko phù hợp với người Việt Nam?
Cách đây vài thập kỉ, lúc đó các producer ở Mỹ hay Châu Âu cũng qua Hàn Quốc và làm những việc như chúng tôi hiện đang làm với Chi Pu. Thời điểm đó cũng có sự phản ứng dữ dội từ khán giả Hàn, họ bảo một ca khúc như vậy có là lời Hàn đi nữa thì nghe vẫn là nhạc nước ngoài. Nhưng qua thời gian, càng có nhiều trải nghiệm, cùng sự nỗ lực của nghệ sĩ trong nước thì các nhà sản xuất nước ngoài sẽ rút dần được khoảng cách, mang đến những sản phẩm vừa chất lượng vừa tiếp cận được người nghe.
Khán giả Hàn mất bao lâu để làm quen với điều đó?
Ở Hàn Quốc thì mất khoảng 10 năm. Hiện tại nhiều nghệ sĩ Hàn cũng hợp tác cùng các producer nước ngoài, nhưng là ở thế trên, nghĩa là producer ngoại vẫn phải thực hiện những sản phẩm âm nhạc theo đúng phong cách của Kpop.
Nhiều khán giả Việt Nam tự tin sản phẩm âm nhạc trong nước không hề thua kém Kpop. Là những người có chuyên môn, hai anh có cảm nhận thế nào?
Chúng tôi có nghe nhiều ca khúc Vpop hiện tại và có cảm giác rất thân quen dù không hiểu gì, nó khá giống với những ca khúc Hàn cách đây 5-10 năm.
Tuy nhiên đối với chúng tôi, ngôn ngữ của các bạn nghe và viết lại gần với tiếng Anh hơn, cộng thêm sự yêu thích EDM của khán giả Việt, mà thị trường EDM còn lớn hơn thị trường Kpop nữa, nên rất có thể nhạc Việt sẽ đi được đến những nơi xa hơn cả Kpop.
Ở Hàn Quốc, một producer chỉ cần có 2-3 bài hit là sống được cả đời, điều này có đúng không?
Điều này còn phụ thuộc vào tiêu chuẩn sống của nhà sản xuất đó thế nào, nhưng đúng là ở Hàn Quốc rất xem trọng công việc của producer và chi trả cho họ rất xứng đáng. Một bản hit ở Hàn Quốc phụ thuộc đến 60% vào người producer, 40% cho các khâu còn lại, còn nghệ sĩ có thể chỉ là một quân cờ.
Bao lâu nữa thì khán giả sẽ thấy hai anh trở lại với một dự án hợp tác cùng một nghệ sĩ Việt Nam khác?
Chúng tôi chưa biết chắc vì hiện tại cả hai đang còn rất bận rộn với những công việc riêng. Chúng tôi chỉ kết hợp cùng nhau trong một vài dự án, còn lại vẫn hoạt động độc lập và có đội ngũ nhà sản xuất của riêng mình. Hi vọng có thể sớm gặp lại các khán giả Việt Nam với một dự án âm nhạc mới.
Cảm ơn hai anh về buổi trò chuyện!
ÂU, Theo Trí Thức Trẻ