Công thức cho một phim Việt bom tấn luôn là điều mà những nhà làm phim trăn trở.
Như một sự rất bình thường của không chỉ ngành phim ảnh, khi nhìn thấy một bộ phim ăn khách, doanh thu khủng, được người ta thán tụng thì các nhà sản xuất buộc phải phân tích xem điều gì đã đưa đến sự thành công đó.
Điện ảnh Việt không ngoại lệ. Sau một năm 2016 bết bát với lượng phim tốt lèo tèo thì quả bom trị giá 175 tỉ mang tên Em chưa 18 giờ đây giống như một chuẩn mực để người ta định mức, cân đo đong đếm cho phim Việt. Không chỉ nhà sản xuất mà cả các đạo diễn cũng đau đầu trong việc tìm ra một “công thức thành công”.
Em chưa 18, một chuẩn mực so sánh mới của phim Việt
Câu trả lời chính xác là không có một công thức nào cả! Nhưng cũng không thể nói một cách mông lung, không có căn cứ kiểu “chỉ cần phim hay thì người ta sẽ xem” được! Cái công thức hay điều kiện cần đó sẽ thay đổi theo từng thời kì, từng giai đoạn của ngành điện ảnh. Bạn sẽ không thể áp những điều đã khiến một bộ phim thành công ở thập niên 90 vào năm 2017. Cũng không thể cứ dùng những thứ quá an toàn mang tính đại khái vào việc sản xuất một bộ phim rồi kì vọng nó bùng nổ trong khi ngay từ đầu quyết định đó đã ra đời kèm hai chữ “cũng được”.
Vậy, những điều kiện cần mà một bộ phim Việt hiện nay nên có là gì?
Biết mình muốn gì!
Đây là điều kiện tiên quyết cho một kế hoạch dài hạn của việc sản xuất một bộ phim, thậm chí là đến khi sản xuất bộ phim tiếp theo. 4 chữ “biết mình muốn gì” không đơn giản như bản thân sự hiển thị của nó, nhất là với những đạo diễn. Tất nhiên khi bắt đầu, đạo diễn phải biết mình muốn gì thì mới xắn tay lên làm. Nhưng giữ được sự tập trung đúng vào thứ mình muốn ngay từ đầu là cả một vấn đề.
Đơn cử là thể loại phim. Phim Việt Nam đang mắc phải một khuyết điểm hầu hết chính là sự loạn nhịp trong thể loại. Chúng ta ít khi nào thấy người ta quảng cáo đây là một phim hành động, phim hài, phim kinh dị thuần túy mà thường là phim hành động – hài, phim kinh dị – hài… Thật ra phim Mỹ cũng hay kết hợp nhiều thể loại như thế, nhưng vấn đề là sự kết hợp của họ nhuần nhuyễn, hài hòa và ra được chất riêng lẫn chất chung. Trong khi ở Việt Nam, làm một phim thuần hành động hay thuần kinh dị còn chưa xong thì tại sao cứ phải kết hợp chúng lại!?
Tấm Cám: Chuyện chưa kể với thể loại kết hợp thần thoại, giả tưởng, dã sử, tình yêu, hài… Quá nhiều thể loại khiến phim bị nhạt và nông
Đó là một cách tư duy “chữa cháy” rất manh mún và dễn nhìn thấy thất bại ngay từ đầu. Thay vì nâng cao tay nghề, rèn luyện kĩ thuật bằng thực tiễn để làm tốt một thể loại thì phim Việt lại hay đi kết hợp thêm nhiều thể loại khác để che bớt khuyết điểm (!?). Còn đối với nhà sản xuất, việc kết hợp một đống thể loại sẽ khiến cho nhiều đối tượng khán giả đến xem hơn (!?).
Thiết nghĩ, nếu một phim có cả loạt thể loại từ hài đến tâm lý, kinh dị, hành động mà chẳng cái nào ra hồn thì đạo diễn nên chia phim làm mấy phần. Nhà sản xuất thay vì bán một vé 100 nghìn thì chia thành nhiều phần rẻ hơn rồi bán cho khán giả muốn xem thể loại họ cần. Ví dụ, ai thích xem phim hài thì mua vé 25 nghìn rồi vô xem hết 15 phút, đi ra. Ai muốn xem kinh dị thì lại mua vé cho phần kinh dị rồi canh thời gian vào xem. Vừa đảm bảo được doanh thu cho nhà sản xuất, vừa che được khuyết điểm về tay nghề của đạo diễn, khán giả cũng đỡ bực mình vì không phải xem một phim hỗn tạp và hổ lốn. Ối! Hy vọng đừng ai sử dụng phương pháp này về sau nhé!
Nói vui một chút thôi. Việc bám theo một hướng đi tiên quyết ngay từ đầu là điều rất quan trọng. Nó không chỉ giúp cho đạo diễn tập trung được vào thứ mình muốn làm, phát triển nó thành một sản phẩm hoàn thiện mà còn giúp cho nhà sản xuất hay truyền thông có được những đường hướng liên quan hợp lý.
Fan Cuồng – một phim mà đến nay người ta vẫn không biết thuộc thể loại gì!
Lấy ví dụ trường hợp Fan Cuồng, một bộ phim trộn quá nhiều thứ từ tình cảm, xuyên không đến nhạc rock nhưng không thứ nào thuyết phục, khiến cho phim nhạt nhẽo và thất bại chỏng vó trong sự ngỡ ngàng. Rồi phương cách PR, truyền thông cũng lúng túng khiến khán giả hiểu nhầm tinh thần phim mà chính xác là chẳng ai rõ tinh thần phim là gì cả.
Trong khi đó, Em chưa 18 cũng của hãng phim Chánh Phương nhưng lại có cách triển khai rõ ràng, chắc chắn ngay từ đầu. Là một phim học đường tuổi teen thời đại mới, mọi thứ diễn ra trong đó đều mang đúng tinh thần này và nó chiến thắng, một cách thuyết phục. Thế đấy, biết mình muốn gì quan trọng lắm!
Đừng đoán khán giả, vì thực ra họ rất đơn giản!
Lại quay về câu chuyện “công thức” và nỗi băn khoăn “khán giả đang muốn xem gì” luôn ám ảnh các nhà sản xuất. Cũng đúng thôi, vì sản xuất là một công việc kinh doanh, phải có chứng minh cụ thể, số liệu các kiểu thì mới có thể mạnh tay triển khai hoặc đi xin tài trợ. Một nhà sản xuất sẽ không thể để mặc đạo diễn làm đại một phim nào đó, thể loại nào đó rồi ngồi chờ sinh lời. Nhưng, phim ảnh đôi khi lại đơn giản như thế đó!
Nhìn vào dòng chảy của phim Hollywood, phim Hàn, phim Trung chúng ta sẽ thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các thể loại. Thậm chí là sự gia tăng đột biến của một thể loại nào đó trong khoảng thời gian nào đó. Ví dụ như dòng phim thanh xuân của Trung Quốc rộ lên ào ạt những năm gần đây trên cả điện ảnh lẫn truyền hình, có phim thành công có phim thất bại nhưng nó chứng minh cho cái gọi là xu hướng hay “công thức” mà ta đang nói nãy giờ.
Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi – bộ phim đại diện cho loạt phim thanh xuân đình đám của Trung Quốc
Nhưng ở Việt Nam, chẳng có dòng phim nào đủ mạnh để tạo ra một “công thức” cho mọi người bám theo cả. Kể cả Em chưa 18 thành công như vậy nhưng cũng chỉ như một kẻ chiến thắng đơn độc không bạn đồng hành, không người kế nhiệm thì làm sao có thể tạo thành một xu hướng!? Đừng bảo phim Việt Nam bây giờ nhiều quá, rõ ràng chúng ta vẫn thiếu một lượng lớn biên kịch, đạo diễn và diễn viên đủ để chạy theo một thành công nhất thời và tạo thành một trào lưu mới. Cứ như thế, lại chơi vơi, may rủi và hỗn loạn.
Mà đã hỗn loạn thì tốt nhất đừng cố đoán khán giả muốn gì nữa. Bởi khi họ phải liên tục ra rạp nhưng xem phim hay, phim dở loạn cào cào thì họ cũng chẳng biết bản thân muốn xem gì đâu! Truy Sát, Fan Cuồng, Vệ sĩ Sài Gòn hay thậm chí là Tấm Cám: Chuyện chưa kể có kinh phí sản xuất cao, dàn diễn viên hùng hậu, quá trình truyền thông dữ dằn nhưng về mặt bằng chất lượng đều không khiến khán giả ồ lên. Trong khi đó Em chưa 18, một phim có xuất phát điểm mờ nhạt không ai quan tâm, nhiều nhà đầu tư từ chối vì quá thiếu những điều kiện để bán vé lại trở thành một quả bom không tưởng.
Phim Em là bà nội của anh
Mới đây, trong một cuộc nói chuyện vui, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã công nhận rằng: “Rốt cuộc những phim thành công nhất lại là những phim mà người ta không chờ đợi nhất”. Đây là minh chứng chính xác cho tâm thế của khán giả đối với phim Việt, họ chẳng (dám) trông đợi xem một thể loại phim nào khi mà liên tục những sự kì vọng cứ bị xô đổ. Và Em chưa 18 hay Em là bà nội của anh đều là những kẻ chiến thắng với xuất phát điểm không có lợi thế.
Thế cho nên, nếu các đạo diễn có thể “ăn theo” một hiện tượng thật nhanh (nhưng tất nhiên phải thật chuẩn) thì mới có thể vừa làm phim vừa đoán khán giả. Bằng không thì cứ nghiêm túc thực hiện sản phẩm của mình theo cách mình muốn (lại quay về câu chuyện “biết mình muốn gì”) thì khán giả sẽ ủng hộ mà thôi. Phim hay đã ít thì chẳng ai đòi hỏi thể loại cả, có phim hay để xem là mừng rồi!
Những sự dấn thân dũng cảm
Lại mang Em chưa 18 ra làm ví dụ. Thành công của bộ phim ngoại trừ cách kể chuyện hợp lý, nhân vật rõ ràng, hình ảnh và chi tiết chỉn chu, không cố gắng giáo điều hay làm loạn thể loại thì yếu tố diễn viên cũng là một điều tiên quyết. Đặc biệt, ở Em chưa 18 là những sự “mới lạ”.
Tin chắc với đa số những nhà sản xuất bình thường, họ sẽ chọn những gương mặt “an toàn” vào vai Linh Đan để đảm bảo được truyền thông cũng như khả năng bán vé. Nhưng đó chính là cái lồng sẽ kéo điện ảnh Việt khó có được sự bứt phá. Nếu Miu Lê, Minh Hằng hay bất cứ một ngôi sao nữ nào đó là người đóng vai Linh Đan thì chắc chắn hiệu ứng phim sẽ không mãnh liệt như vậy.
Nhất định Linh Đan phải là Kaity Nguyễn, phải là một gương mặt thật mới, thật “fresh” và phải thật thuyết phục thì bộ phim mới bật ra được những cái mạnh của nó. Bởi đơn giản, đó là một nhân vật trẻ. Đừng cố ép một ai đó phải làm một ai đó khi bản thân họ không phải một thiên tài diễn xuất. Những yếu tố đơn giản về phần nhìn, độ tuổi, thần thái đôi lúc sẽ mang tính quyết định mà quan trọng là bạn dám liều hay không.
Hay như trường hợp của Miu Lê trong Em là bà nội của anh cũng vậy. Cô ấy đâu phải một diễn viên vô danh trước đó. Sự xuất hiện của cô ấy trong vai chính Em là bà nội của anhcũng tương tự như Kaity Nguyễn trong Em chưa 18 vậy: bị khán giả thờ ơ. Nhưng kết quả đã chứng minh họ làm được điều gì rồi đấy thôi! Sự hợp vai đến bất ngờ đó nếu không dám thử, không chịu khó tìm kiếm, không kiên quyết phá bỏ chiếc lồng an toàn thì làm sao mà có!?
Nhìn lại một loạt những cái tên nữ chính, nam chính hay xuất hiện trên phim Việt mới thấy chúng ta đang quá thiếu sự tìm tòi. Nếu ngày đó Trương Nghệ Mưu không lật tung Trung Quốc để tìm ra Châu Đông Vũ trong số cả nghìn gương mặt suốt hàng tháng trời thì làm sao có một Tĩnh Thu hợp vai như vậy!? Không thể nào bắt Củng Lợi, Chương Tử Di hay Châu Tấn đóng vai một cô học sinh được!
Tăng Thanh Hà cũng là dẫn chứng của việc hợp vai. Tuy nhiên, sau vai Trúc hợp với Hà đến bất ngờ thì những vai sau này của cô đều khiến khán giả ngao ngán
Đạo diễn, nhà sản xuất hay đôi khi khán giả chúng ta đều đang mắc kẹt trong mớ định kiến về ngôi sao và vai diễn. Khán giả có thể nghĩ rằng “cô này làm sao biết đóng phim” nhưng thành quả của bộ phim đó sẽ sẵn sàng khiến họ công nhận. Trong khi đó, nhiệm vụ khiến khán giả công nhận lại nằm trong tay đạo diễn và nhà sản xuất. Đạo diễn phải hiểu được nhân vật của mình cần gì và chịu khó tìm kiếm. Còn nhà sản xuất phải ở trên cả tầm của đạo diễn, biết được cái gì mới là tốt nhất cho cả bộ phim, cân bằng được cái lợi an toàn về kinh tế và sự liều lĩnh để chinh phục. Bởi sản xuất một bộ phim không giống một dự án bỏ tiền rồi thu lợi mà còn phải có sự dung hợp của tính nghệ thuật và tầm nhìn trong việc kinh doanh nghệ thuật.
Khán giả tất nhiên chẳng ai muốn xem một phim dở, cũng chẳng bao giờ kỳ vọng quá mức vào một bộ phim sẽ oanh tạc phòng vé hay vang danh thiên hạ. Với một thị trường còn mang tính bùng phát và sẽ thay đổi nhiều như điện ảnh Việt Nam, chỉ cần xem được một phim dễ chịu, đúng tinh thần, ra vai ra trò là đủ rồi.
Phúc Du
Theo Tri Thức Trẻ