Trong bài viết, nữ danh ca nhấn mạnh đa số game show truyền hình, các chương trình ca nhạc về Bolero hiện nay là thừa mứa, thậm chí nhảm nhí.
Những ngày gần đây, Bolero trở thành chủ đề tranh luận, bàn tán sôi nổi từ nghệ sĩ đến công chúng yêu nhạc. Trước những quan điểm không đồng nhất về sự bùng nổ của dòng nhạc này, danh ca Bảo Yến – một trong những ca sĩ tên tuổi của Bolero – gửi đến bài viết chia sẻ góc nhìn riêng của chị.
Ca sĩ Bảo Yến hát nhiều dòng nhạc. Với Bolero, chị được xem là một ca sĩ tên tuổi, gắn liền với ca khúc Bolero nổi tiếng. Ảnh: tư liệu.
Sứ mệnh nghệ sĩ là sáng tạo giá trị mới và song hành giá trị cũ
Về lịch sử của Bolero ở Việt Nam, Bolero là một điệu thức được du nhập từ những năm 1935 với những đĩa nhạc của danh ca người Ý Tyno Rossi. Đến năm 1957 thì hầu hết những gia đình khá giả ở miền Nam Việt Nam nghe đĩa nhạc Bolero của danh ca người Pháp Enrico Marcias qua những bài hát nổi tiếng như Je quite mon pay, La Femme De Mon Ami, Besame mucho, Histoire d’une amour…
Thời đó, chính nhạc sĩ Lam Phương là người dày công sáng tác những nhạc phẩm Bolero để đời. Bên cạnh đó có anh Hoàng Thi Thơ, nhạc sĩ Trúc Phương, Phạm Thế Mỹ… tiếp nối sau đó, cũng có nhiều thế hệ nhạc sĩ và ca sĩ theo đuổi dòng nhạc này.
Bolero gần gũi vì thường được viết bởi văn chương hiện thực và lãng mạn pha trộn. Bolero ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi nó tả thực, miêu tả đời sống chân chất hàng ngày với nhiều đề tài khác nhau, nó được viết chân thật từ những cảm nghĩ của con người, không xa hoa, trừu tượng.
Ở các nước Nam Mỹ như Brazil có điệu Tango, Tây Ban Nha có Flamengo, nước Áo và Châu Âu có điệu Valse, tại sao Việt Nam không thể có Bolero đại diện?
Sự hồi sinh của Bolero trong thời gian gần đây, theo tôi, là vì cuộc sống hiện đại còn nhiều bức bối. Khi đời sống của con người có sự căng thẳng thì người ta càng không có nhu cầu dung nạp những giai điệu đầy khúc thức, khó nhớ, khó hiểu.
Thay vào đó, họ sẽ luôn mong tìm về những giai điệu trữ tình, mềm mại, ướt át, dễ nghe (nhưng vẫn đậm chất văn chương) để tâm hồn lắng dịu, thanh thản hơn.
Nhạc Bolero được nhiều người ưa chuộng vì lẽ đó. Bản thân tôi là người mê rất nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, như nhạc Mỹ, nhạc trẻ nhưng vẫn không thể thiếu Bolero trong cuộc sống.
Tất nhiên, Bolero có điểm yếu, đây cũng là điểm yếu chung của dòng nhạc kinh điển trên thế giới, đó là sẽ bị lỗi thời theo thời gian. Ngày xưa, thưởng thức Bolero, chúng ta thưởng ngoạn giá trị của một thời huy hoàng của nó. Hay như thời vua Tự Đức có ngâm thơ Tao Đàn, có cải lương là những giá trị nghệ thuật cao nhưng cũng phôi pha theo năm tháng.
Vậy nên nếu xét theo góc độ hiện đại, Bolero có thể không phù hợp phần nào nếu đặt ra để so với tính thời điểm. Bởi nó tạo ra lối sống chậm, thanh thản, đời sống tương phản với máy móc hiện đại.
Tôi cho rằng với âm nhạc, chúng ta không nên nhấc lên đặt xuống bằng sự định kiến. Bolero thực sự đã có chỗ đứng vững vàng, thịnh suy của một dòng nhạc phụ thuộc quy luật phát triển tất yếu của thời đại. Hãy để âm nhạc được tự do, và nâng niu, làm đẹp âm nhạc một cách chọn lọc và văn minh.
Sứ mệnh của người nghệ sĩ là sáng tạo những giá trị mới và song hành cả giá trị cũ. Đó chính là văn hóa truyền thống và văn hóa dân gian được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Bổn phận của người nghệ sĩ là giới thiệu tất cả các dòng nhạc và công chúng chính là người chọn lựa sẽ yêu thích dòng nhạc nào. Người nghệ sĩ đẳng cấp là dù hát dòng nhạc nào cũng phải chuyển tải được hồn vía, giữ đúng nhịp phách.
Thiển ý của tôi thì chúng ta nên mừng khi đời sống âm nhạc như vườn hoa đa sắc, công chúng có nhiều lựa chọn. Nguy hiểm nhất theo tôi là văn hóa bị “lai căng” hoặc bị biến tướng theo lối lập dị, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu.
Tất nhiên quan điểm trái chiều cũng cần có nhưng phải đủ tài, trí, đức.
Nhiều chương trình Bolero ‘mọc lên như nấm’ vì mục đích kinh doanh
Về thực trạng Bolero hiện nay, tôi cho rằng các game show truyền hình, các chương trình ca nhạc về Bolero hiện nay đang quá thừa mứa, chất lượng trồi sụt khiến khán giả ngán ngẩm.
Cái gì cũng vậy, chẳng riêng âm nhạc, có chọn lọc, có đầu tư, có mục đích thì mới có giá trị. Không nên ép khán giả “ăn” nhiều quá họ sẽ bị bội thực, giá trị nghệ thuật vì thế thụt lùi, thậm chí phản tác dụng.
Các chương trình Bolero “mọc lên như nấm” hiện nay vì mục đích kinh doanh âm nhạc chứ không phải hướng đến giá trị nghệ thuật. Đa số là nhảm nhí, làm hoen ố Bolero… dần dà khiến công chúng ngán ngẩm và thờ ơ.
Thời gian đầu, vì muốn tạo dựng tiếng tăm, các game show truyền hình mời các nghệ sĩ nổi tiếng, có uy tín. Nhưng khi đã có thương hiệu, thì họ sẽ đặt lợi nhuận lên hàng đầu và tìm cách chọn những nghệ sĩ đòi mức thù lao thấp, thậm chí là các ca sĩ trẻ hát không cần thù lao.
Thế nên mới có hiện tượng người mẫu ngồi chấm thi ca, người hát cải lương ngồi chấm nhạc trẻ, người hát nhạc trẻ chấm trữ tình sâu lắng, danh hài chấm Bolero…
Nhiều ca sĩ hiện nay hát không chuẩn nhưng vẫn được đón nhận vì khán giả có tâm lý thích giọng lạ. Hát Bolero phải có “chất mùi” nhưng cần chắc về nhịp thì hát mới chuẩn, chứ không chỉ cứ rên rỉ ỉ ôi là hay.
Nhiều người đua nhau chuyển sang dòng nhạc này nhưng không phải ai cũng thành công. Công chúng có thể lúc đầu thấy lạ nghe thử, nhưng do bản chất Bolero là hoài niệm nên người ta sẽ trở về với cách thể hiện từng quen thuộc.
Nghệ thuật phải lâu dài, mới khẳng định ca sĩ đó có lên hàng top hay không, và người nghệ sĩ có tự trọng, đẳng cấp thì phải biết chọn lọc từng chương trình để gửi đến khán giả giá trị nghệ thuật. Có vậy, thì mới tăng giá trị của dòng nhạc này. Tràn lan và đại trà cũng như sự dễ dãi với nghệ thuật chính là đang đi con đường làm “rẻ rúng” Bolero.
Ca sĩ Bảo Yến
Theo Zing