MV nhạc Việt: Đã hết thời trưng trổ?

Nhìn vào những sản phẩm MV nhạc Việt ra lò từ đầu năm tới nay và hiệu ứng của chúng, có thể nhận ra một xu hướng mới trong cách làm của các nghệ sĩ trong nước.

Trung tuần tháng 7/2017, Mỹ Tâm tung ra MV Đâu chỉ riêng em theo một cách rất kỳ lạ, “không kèn không trống” xuất hiện đột ngột không hề báo trước trên YouTube. Cách đó khoảng 9 tháng, vào một ngày đầu tháng 10/2016, Hà Anh Tuấn cũng mở màn chuỗi chương trình See Sing Share (3S) trên YouTube bằng tập đầu tiên với MV Liên khúc Buổi sáng ở Ciao Café & EsPresso

Sự kỳ lạ của những MV không PR

Có một triết lý rất thú vị trong các tiểu thuyết võ hiệp của tác giả nổi tiếng Kim Dung: Người mới tập võ thì thân là thân và kiếm là kiếm; Người giỏi võ thì thân và kiếm nhập một; Người đạt đến cảnh giới tối cao thì quay lại thân vẫn là thân còn kiếm vẫn là kiếm. Diễn giải đơn giản hơn, người càng giác ngộ thì càng quay về sự tối giản nhất của con đường mình đã chọn.

Hiểu được như vậy thì mới không cảm thấy bất ngờ về việc Mỹ Tâm chẳng hề có bất cứ động thái PR nào cho MV mới. Tâm xuất hiện một cách “trần trụi” nhất có thể trước máy quay, không hề có bất kỳ sự tác động nào từ ngoại cảnh. Một mình đối diện với ống kính và để cho giọng hát cất lời.

Một cú máy duy nhất, không cắt cúp, không chỉnh sửa. Một thử thách thật sự độc đáo với chính Mỹ Tâm, “bắt” khán giả chú tâm duy nhất vào giọng hát đang hòa quyện với cảm xúc trên gương mặt.

Trong khi đó, câu chuyện những MV của Hà Anh Tuấn lại thú vị ở một góc nhìn khác. Tuấn ngồi đó, trong một căn phòng nhỏ, sau lưng là ban nhạc chơi live. Rồi cứ thế tự sự một vài điều về âm nhạc và sau đó thì cất lời hát.

Ở mùa đầu tiên với 10 tập, Hà Anh Tuấn đôi khi hơi “lôi thôi” một chút trong trang phục, đầu tóc… Nhưng sang mùa thứ 2 của 3S, Tuấn đã chải chuốt hơn với mái tóc, chỉn chu hơn trong trang phục. Tập mới nhất của mùa 2 với ca khúc Phố mùa đông: Hà Anh Tuấn ngồi đó trên sofa với áo sơmi dài tay cài nút ở cổ, bên cạnh là guitarist Dũng Đà Lạt… và giai điệu cùng giọng hát cất lên.

Những MV mới nhất của Tuấn được quay trên một trảng cỏ xanh của vùng đồi, lúc lại trước sân một ngôi nhà cổ, khi thì trong một căn phòng nhỏ ấm áp với đèn vàng mờ sương lạnh… Không có quá nhiều góc máy để làm khán giả phân tâm về cảm xúc, giảm thiểu tối đa phần nhìn và tập trung tối đa cho phần nghe.

Cả Mỹ Tâm và Hà Anh Tuấn thật sự quá đủ điều kiện để trưng trổ sự xa hoa trong những MV của họ, như họ cũng đã từng làm trước đó. Nhưng sự sáng tạo trong nghệ thuật hơn nhau là ở tầm nhìn. Và may mắn là tầm nhìn của những nghệ sĩ này đã đúng.

Hà Anh Tuấn gây ấn tượng với dự án 3S trên YouTube.

Những MV 3S mùa 2 của Hà Anh Tuấn liên tục đạt hiệu ứng về lượt view lẫn cảm xúc từ khán giả. Và dự đoán series 3S của Hà Anh Tuấn sẽ không chỉ dừng lại ở mùa thứ 2. Cùng lúc đó, MV Đâu chỉ riêng em cũng mang về hơn 7 triệu view cho Mỹ Tâm sau 10 ngày ra mắt.

Nhưng điều quan trọng là trong một MV “triệt tiêu” tối đa về thị giác và kỹ xảo, khán giả đã chấp nhận nó một cách trên cả tuyệt vời sau một thời gian dài “no mắt” với những MV bày ra với siêu xe, hiệu ứng kỹ xảo, bối cảnh xa hoa, phục sức đắt tiền…

Trong dòng chảy của xã hội có những người tạo ra xu hướng và những người chỉ chạy theo xu hướng. Cùng là nghệ sĩ, nhưng chỉ cần nhìn vào lựa chọn cũng có thể đánh giá được tài năng cao hay thấp hoặc nhiều hay ít.

Sáng tạo dưới cái bóng của nhãn hàng…

Trong top 10 MV nhạc Việt hot nhất năm 2016 trên YouTube đều là những cái tên nghệ sĩ trẻ: Sơn Tùng M-TP, nhóm 365, Soobin Hoàng Sơn, Noo Phước Thịnh, Only C-Lou Hoàng, Phan Mạnh Quỳnh, Lou Hoàng-Miu Lê, Bảo Anh, Hương Tràm…

Nửa đầu năm 2017, các MV gây chú ý nhất thuộc về Sơn Tùng M-TP, Bích Phương, Soobin Hoàng Sơn, Erik-Min và cả Mỹ Tâm… Điểm chung rất dễ nhận thấy trong phần lớn các MV này là việc xuất hiện các nhãn hàng tài trợ – điều không phải là mới mẻ gì.

Một MV làm theo kiểu có câu chuyện và nhân vật, đi kèm một số bối cảnh… thì chi phí cũng phải vào tầm 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi có nhãn hàng tài trợ góp mặt trong MV thì việc sản xuất sẽ đơn giản hơn nhiều. Thậm chí có những MV của sao hạng A thì chi phí tài trợ còn nhiều hơn cả kinh phí sản xuất.

Ca sĩ vừa có tiền vừa có MV để tặng cho khán giả. Nhãn hàng thì có cơ hội tiếp cận với đúng phân khúc khách hàng mà mình muốn hướng tới. Ngoài ra, trong bài toán này ca sĩ còn thêm một khoản lợi nhuận dài hạn rất lớn thông qua việc bật chức năng cho phép quảng cáo trên YouTube được tính theo lượt view.

Dĩ nhiên để nhãn hàng xuất hiện một cách hợp lý trong MV thì phải cần những câu chuyện, bối cảnh hợp với xu thế “ăn chơi nhảy múa” hiện đại. Vậy nên việc đạo nhái những cảnh MV nổi tiếng thế giới xuất hiện trong các MV Việt là chuyện không còn quá lạ. Hoặc chủ đích tạo dư luận tranh cãi để câu view hai là sức sáng tạo của ekip có hạn nên tốt nhất “copy” là phương án nhanh nhất…

Gần đây nhất, khi ca sĩ Phương Thanh trình làng phim ngắn ca nhạc Buông tay đi với lời tuyên bố: “Sắp tới Phương Thanh sẽ không làm MV nữa mà chỉ tập trung làm phim ngắn ca nhạc vì đó là xu hướng tất yếu của thị trường!”.

Thật ra không phải đợi đến khi Phương Thanh khẳng định thì đồng nghiệp hay khán giả mới nhận ra điều đó. Những phim ngắn ca nhạc của Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh, Sơn Tùng- MTP, Minh Hằng, Khởi My… từ lâu đã khuấy đảo cộng đồng các fan yêu nhạc Vpop.

MV nhac Viet: Da het thoi trung tro? hinh anh 2
Hồ Ngọc Hà là một trong những ca sĩ vẫn trung thành với lối làm phim ngắn cho các sản phẩm âm nhạc.

Phim ngắn ca nhạc là bước tiến sau MV. Đòi hỏi ca sĩ có kỹ năng diễn xuất nhiều hơn cả về biểu cảm gương mặt lẫn câu thoại chứ không chỉ đơn giản xuất hiện đẹp đẽ trong khuôn hình của MV là đủ.

Với một thị trường còn rất bề bộn, rõ ràng mảng MV hay phim ngắn ca nhạc trong Vpop đang tồn tại song song khuynh hướng: một đáp ứng đúng với nhu cầu của khán giả và hai nỗ lực khai thác lối ra mới để tạo điểm nhấn riêng trong tương lai.

Xu hướng nào cũng có cái hay riêng của nó. Tuy nhiên, vế sau của nhận định này đang chứng tỏ một điều nghệ sĩ Việt đã chịu “động não” nhiều hơn thay vì chỉ rập khuôn bằng cảm giác an toàn- ai sao mình vậy.

Cuộc chiến trưng trổ sự xa hoa trong các MV nhạc Việt chắc sẽ không có điểm dừng, vì suy cho cùng đó vẫn là một nhu cầu rất lớn từ phía những nghệ sĩ – thích sự lộng lẫy và từ phía những khán giả – thích được đắm chìm thị giác trong vẻ hào nhoáng.

Chỉ là trong nghệ thuật, thứ bền bỉ với thời gian chưa bao giờ là những thứ khoác bên ngoài con người nghệ sĩ!

Có 2 lý do quan trọng để ca sĩ đầu tư phim ngắn: Một là dễ dàng kêu gọi tài trợ hơn sau khi MV đã bắt đầu nhàm chán. Hai là khẳng định đẳng cấp trong nghề để bước lên một vị trí cao hơn.

Ngoài ra, một yếu tố bên lề cũng cần nhắc đến là cơ hội giới thiệu bản thân với các đạo diễn điện ảnh thông qua các phim ngắn ca nhạc. Điện ảnh vẫn sẽ là ngành giải trí số 1 ở Việt Nam ít nhất trong 5-10 năm nữa và đây chính xác là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sĩ “đa-zi-năng” canh tác.

Nguyễn Phong Việt

Theo Zing