Khi được bậc thầy nhiếp ảnh này chụp hình, “biểu tượng sex” Marilyn Monroe từng phải thốt lên trước những bức hình rằng: “Đây chính là cô gái mà bất cứ người đàn ông nào cũng muốn yêu”.
Từ Marilyn Monroe cho tới Leonardo DiCaprio, nhiếp ảnh gia Douglas Kirkland đã chụp hình chân dung cho các ngôi sao hàng đầu ở Hollywood. Hiện tại, đã ở tuổi 83, ông được xem là tay máy huyền thoại đối với những nhiếp ảnh gia chuyên về đề tài ảnh giới sao.
Trong sự nghiệp kéo dài 6 thập kỷ của mình, nhiếp ảnh gia Douglas Kirkland đã chụp được những bức hình nghệ thuật không chỉ ghi lại diện mạo còn còn khai thác cả chiều sâu nội tâm và tính cách của các ngôi sao nổi tiếng nhất tại Hollywood qua các thời kỳ.
Chính ông đã góp phần nâng cao tầm vóc của những bức ảnh showbiz, cho thấy nghệ thuật trong việc chụp ảnh chân dung nghệ sĩ. Douglas Kirkland bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh gia showbiz tại tờ tạp chí Look, sau này, ông còn làm cho tờ tạp chí nhiếp ảnh danh tiếng Life.
Gần đây, ông Douglas tập hợp những bức ảnh trứ danh trong sự nghiệp của mình để tổ chức một triển lãm ảnh có tên “Douglas Kirkland: Beyond the Lens” (Douglas Kirkland: Vượt trên ống kính); ngoài ra, ông cũng cho ra mắt một cuốn sách ảnh có tên “Freeze Frame: Second Cut” (Đóng băng khuôn hình: Cắt cúp lần hai).
Nhiếp ảnh gia huyền thoại của Hollywood đã vừa chia sẻ những hồi ức đằng sau một số khuôn hình trứ danh…
Marilyn Monroe (1961): “Tôi là một nhiếp ảnh gia còn non trẻ tại thời điểm chụp hình Marilyn. Tôi gặp cô ấy, sau khoảng nửa tiếng trò chuyện, Marilyn nói: Bây giờ, chúng ta cần một cái giường, ga trải giường màu trắng, đĩa nhạc Frank Sinatra, rượu vang Dom Pérignon.
“Nếu chúng ta có được tất cả những thứ đó, tôi sẽ cảm thấy thân thuộc với anh và tôi sẽ có thể giúp anh thực hiện được những bức ảnh đẹp… Khi đó, tôi chỉ là một cậu trai ngờ nghệch đến từ một thị trấn nhỏ, may mắn được Marilyn chỉ dẫn tận tình cách giúp tôi có được ảnh đẹp về cô. Và quả thực, đó là những điều Marilyn đã giúp tôi thực hiện.
“Điều thú vị là Marilyn rất quan tâm tới những bức ảnh người ta chụp mình, cô ấy đề nghị tôi xử lý phim thật sớm để chiều ngày hôm sau cô ấy có thể xem ảnh. Cô ấy rất tập trung khi xem ảnh và ngay lập tức yêu mến những khuôn hình.
“Cô ấy quay sang tôi rồi nói: Đây chính là cô gái mà bất cứ người đàn ông nào cũng muốn yêu. Và đối với Marilyn, đó chính là tiêu chí thành công cho một bộ ảnh chụp chân dung cô”.
Elizabeth Taylor (1961): “Elizabeth là một trong những ngôi sao giúp tôi khởi nghiệp nhiếp ảnh. Tại thời điểm này, cô ấy là ngôi sao điện ảnh hàng đầu, nhưng do sức khỏe yếu, Elizabeth đã biến mất trong gần một năm, bức ảnh này là khoảnh khắc hiếm hoi mà công chúng được nhìn thấy lại cô ấy, vận may đã mỉm cười khi Elizabeth để tôi được chụp.
“Chắc bạn đã thấy vết sẹo ở cổ Elizabeth, cô vừa trải qua một cuộc tiểu phẫu. Đối với Elizabeth, đó giống như một lời tuyên ngôn về bản thân cô ở thời điểm đó. Cô ấy không hề tìm cách che giấu vết sẹo, bởi như Elizabeth nói, vết sẹo này đã cứu sống cô”.
Audrey Hepburn (1965): “Audrey luôn luôn ấn tượng và giúp các nhiếp ảnh gia tạo nên những bức ảnh đẹp. Cô ấy là tuýp ngôi sao rất hiểu về nhiếp ảnh, thắp sáng khuôn hình và biết cách làm thế nào để đạt được kết quả cao nhất trong một buổi chụp hình. Cô ấy không thuộc tuýp ‘diva’ mà chỉ đơn giản muốn làm tốt nhất những gì có thể”.
Coco Chanel (1962): “Coco Chanel có phần chìm lắng sau Thế chiến II, nhưng bà ấy nổi bật trở lại hồi đầu thập niên 1960, những mẫu thiết kế thời trang của bà lại trở nên thịnh hành. Trước đó, người ta không thấy bà xuất hiện nhiều và những bức ảnh này bắt đầu đưa bà trở lại với công chúng.
“Tôi đã phải dành ra gần một tháng để chụp hình bà tại salon ở Paris trong khi bà đang hối hả chuẩn bị cho show diễn thời trang. Được làm việc với bà là một trải nghiệm rất đặc biệt. Coco Chanel là một người tài giỏi khác thường”.
Andy Warhol (1970): “Dù rằng Andy là một họa sĩ, tôi đã không hề gặp khó khăn nào trong việc chụp hình chân dung anh ấy. Tôi có một cảm giác thật đẹp đẽ khi được làm việc với Andy Warhol. Anh ấy là một người rất lịch sự và dễ chịu, thực hiện mọi điều mà tôi đề nghị”.
Judy Garland (1961): “Tôi đã đồng hành cùng với Judy trong hơn một tháng, và vào cuối tháng đó, tôi được chụp hình chị ấy trong studio, chúng tôi nói chuyện về những khó khăn trong cuộc sống của chị ấy, đó là những điều tôi đã được chứng kiến từ trước đó.
“Khi chúng tôi nói chuyện càng lúc càng sâu sắc, chị ấy hiểu rằng tôi đã biết khá nhiều về cuộc sống của chị và chị bắt đầu khóc. Trong tất cả những bức ảnh tôi chụp buổi hôm đó, đây là bức tôi thích nhất, không phải bởi chị đang khóc mà bởi có sự chân thực trong bức ảnh”.
John Lennon (1966): “Lúc này John đã chia tay The Beatles, cậu ấy đang làm một bộ phim ở miền nam Tây Ban Nha. John rất đáng mến, không hề màu mè tí nào. Nếu cậu ấy đã nói chuyện với bạn, cậu ấy sẽ nói như thể đang trò chuyện với một người bạn đích thực. Đó chính là John Lennon. Cậu ấy là một trong những ngôi sao yêu thích nhất của tôi”.
Ann-Margret (1971): “Hôm đó chúng tôi chụp ảnh vào sáng sớm. Ann-Margret lái xe phân khối lớn trong khi tôi ngồi ở đuôi xe tải để chụp hình. Khi tôi chụp được bức hình như ý rồi, tôi nói với nữ diễn viên trẻ rằng: Chúng ta xong rồi! Cô ấy liền giơ chân lên và reo lên phấn khích, khoảnh khắc đó lại trở thành bức ảnh đẹp hơn tất cả những bức hình đã chụp trước đó”.
Peter O’Toole (1964): “Chúng tôi chụp bức hình này tại nhà của nam diễn viên ở London. Ý tưởng của tôi là chụp một bức ảnh thật sáng. Chúng tôi vừa nói chuyện với nhau, vừa ra chỗ sáng nhất của căn phòng, anh ấy hoàn toàn không nghĩ rằng tôi sẽ chụp ngay tại thời điểm đó”.
Jack Nicholson (1975): “Buổi chụp hình hôm đó, tôi đến nhà Jack từ sáng sớm, anh ấy đã ngủ dậy từ lâu, đang rất tỉnh táo, vui vẻ. Ngay trước đó, Jack nói rằng anh ấy muốn có một bức ảnh với một tia lóe sáng, rồi anh ấy quẹt một que diêm và ngậm vào miệng. Tôi chớp ngay khoảnh khắc đó, cách bức ảnh này ra đời là như thế”.
Titanic (1996): “Tại thời điểm chụp bức hình, bộ phim vẫn đang quay và đương nhiên là tôi không biết rằng, rồi đây, nó sẽ là phim kinh điển, khi có mặt trên phim trường, tôi có nhiều cảm xúc hỗn độn.
“Kỳ thực, tôi chỉ cảm thấy rằng phim trường quá tốn kém, quá trình quay phim thì mất thời gian cho từng phân cảnh, nhưng đạo diễn James Cameron có cảm nhận rất mạnh mẽ. Ai có thể mất kiên nhẫn, nhưng James thì rất kiên nhẫn”.
Bích Ngọc
Theo Buzzfeed/Dân Trí