Theo Ngọc Nam, để sở hữu vóc dáng như ý, anh phải tập 2-3 lần/ngày. Bên cạnh đó, chi phí ăn uống cũng khá đắt đỏ, tiêu tốn 15-20 triệu đồng mỗi tháng.
Dưới đây là bài chia sẻ của vận động viên Từ Ngọc Nam (sinh năm 1995, TP.HCM) về phương pháp tập luyện và chế độ dinh dưỡng sở hữu cơ bụng 6 múi:
Năm 17 tuổi, tôi cao 1,75 m nhưng chỉ nặng 56 kg. Khi đó, tôi tập luyện tại đội tuyển điền kinh thành phố, phải tập thể lực mỗi ngày nên không tăng được cân, thể hình gầy gò. Tôi quyết định tập gym để cải thiện vóc dáng và mặc đồ đẹp hơn. Mục tiêu ban đầu là vậy nhưng càng tập tôi càng yêu thích và đam mê thể hình.
Tăng 30 kg vẫn sở hữu bụng 6 múi
Sau 5 năm khổ luyện, tôi đã có thể hình hoàn toàn khác xưa. Hiện tại, tôi là vận động viên thể hình. Trong thời gian xả cân, tôi nặng 96 kg (tăng 30 kg), trước ngày khi đấu sẽ nặng 80 kg hoặc 85 kg tùy từng hạng cân.
|
Thể hình của Từ Ngọc Nam trước và sau khi tập luyện. |
Chế độ tập luyện của vận động viên khá khắc nghiệt. Trước kỳ thi 12-16 tuần, tôi bắt đầu thay đổi chế độ tập và ăn kiêng. Từ tuần 1-8, tôi chia lịch tập thành 2 lần mỗi ngày (sáng – chiều), tuần 8-12 tăng lịch tập lên 3 lần/ngày. Mỗi lần tập kéo dài 2-3 tiếng.
Trong thời gian xả cân, không thi đấu, tôi duy trì chế độ tập 2 lần/ngày, với thời gian chỉ 90 phút/lần.
Những ngày mới tập, điều khó vượt qua nhất với tôi là sự lười biếng. Nếu không quyết tâm, bạn dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng. Ngoài ra, tôi cũng sợ bị mọi người chê gầy yếu. Sau một lần suy nghĩ nghiêm túc, tôi cho rằng mình không nên vì tự ti mà dừng tập luyện và quyết định tập lại, bỏ ngoài tai những lời xì xào.
Lúc đầu, tôi chỉ được huấn luyện viên dạy cho 7 bài tập cơ bản. Sau đó, tôi phải tự nghiên cứu và tìm ra phương pháp tập phù hợp thể trạng. Theo tôi, trước khi theo đuổi bất cứ môn thể thao nào, bạn cũng nên tìm hiểu trước, phân tích xem chúng có thực sự phù hợp với mình hay không. Điều này cũng giúp ta tránh được những chấn thương ngoài ý muốn trong quá trình tập.
Lịch tập mẫu trong 1 tuần của tôi như sau:
– Thứ 2: Ngực – tay trước; lưng – tay sau
– Thứ 3: Đùi – bắp chuối; vai – bụng
– Thứ 4, 5,6,7: Tập lại lịch trên
Ba ngày đầu trong tuần tôi tập nặng, ba ngày cuối chuyển sang tập nhẹ và chậm hơn.
Với anh, điều khó vượt qua nhất chính là sự lười biếng.
Chi phí ăn uống và thực đơn khi siết cân
Về chế độ dinh dưỡng, khi xả cân, tôi có 1-2 tháng để ăn tất cả những món yêu thích. Sau đó, tôi bắt đầu giảm dầu mỡ trong chế độ ăn.
Khi siết cân, 4 tuần đầu tiên tôi chỉ ăn các món hấp, luộc, có gia vị nhẹ. 4 tuần tiếp theo, tôi chuyển sang ăn chế độ lowcarb, thay cơm bằng yến mạch, khoai lang hoặc gạo lứt. 4 tuần cuối, tôi phải kiêng tất cả các loại gia vị.
Thực đơn cho vận động viên tập 2 lần/ngày:
– 9h: 150 g yến mạch + 4 quả trứng, lấy 2 lòng đỏ
– 11h30: 400 g ức gà luộc + 150 g cơm
– 14h: 2 quả táo + 2 muỗng protein
– 17h: 300 g thịt bò + 1 quả táo + 1 quả chuối + 2 hộp sữa không đường
– 19h30: 200 g cá ngừ + 500 g ổi
– 22h: 1 ly bơ dầm đường ăn kiêng
Ngọc Nam ăn theo thực đơn 6 bữa mỗi ngày. |
Ngoài thực đơn trên, tôi còn sử dụng thêm một số thực phẩm bổ sung như whey protein, BCAA, pre workout, vitamin tổng hợp, dầu cá và thực phẩm chức năng glucosamine cho khớp. Trung bình mỗi ngày, tôi tốn khoảng 450.000 đồng chi phí cho dinh dưỡng (200.000 đồng thức ăn, 250.000 đồng thực phẩm bổ sung). Tổng mỗi mùa siết cân, các vận động viên phải tiêu tốn khoảng 50 triệu đồng.
Không được dùng gia vị trong thực đơn là điều khó khăn nhất khi siết cân. Hơn thế, cơn đói đến liên tục kết hợp chế độ tập vất vả khiến các thói quen xấu xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt đến tuần 9 hoặc 10, cơ thể gần như kiệt sức, đôi lúc tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng khi nhìn thấy những người bên cạnh vẫn đang cố gắng từng ngày, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục chiến đấu.
Sau nhiều năm thi đấu, anh đã dành được một số thành tích về thể hình như HCB giải Tân Bình mở rộng, HCV giải sinh viên mở rộng Hutech,… |
Theo Zing