10 mốc phát triển của áo dài truyền thống Việt qua các thời kỳ chịu ảnh hưởng của văn hóa từng giai đoạn và thiết kế được cách tân cũng dựa trên nền tảng đó.
Bảo tàng Áo dài tại TP.HCM là nơi giữ gìn một trang phục truyền thống. Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, bảo tàng còn đóng vai trò đưa trang phục dân tộc gần với đời sống thực tế, hướng tới thế hệ trẻ Việt Nam. Tại Bảo tàng, các mẫu áo dài qua các thời kỳ được phục chế để trưng bày, phần nào giúp mọi người hiểu được sự thay đổi của áo dài qua các thời kỳ.
Áo tứ thân ra đời khoảng năm 1645. Khung cửi không dệt được khổ vải lớn vì thế các mảnh vải mới được ghép với nhau tạo thành áo tứ thân. Áo tứ thân màu vải nâu, không có khuy cài, thả dài xuống hoặc được cột gọn khi làm việc đồng áng, buôn bán. Bên trong mặc chiếc yếm có màu đậm dành cho phụ nữ đứng tuổi hay màu trắng, màu thắm đỏ hoa đào dành cho các cô gái trẻ. Ngoài yếm là chiếc áo cánh ngắn màu trắng. Dải lụa dài màu xanh thắt giữa áo cánh với cạp váy đen.
Áo dài Năm thân ra đời khoảng năm 1884. Áo Dài Năm thân gồm hai khổ vải được may nối lại với nhau thành thân trước kín đáo, có một thân phụ nằm dưới về phía bên phải. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu là cha mẹ mình và cha mẹ người thương, còn thân áo thứ năm tượng trưng cho người mặc. Áo luôn có 5 cúc cài thể hiện đạo lý làm người của người Việt Nam là Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín. Lúc này đã có sự giao động về độ ngắn dài của tà áo.
Áo dài Tân thời (từ năm 1934). Áo dài thời kỳ này được khởi xướng bởi họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912-1946). Cát Tường được cho là nhà cách tân táo bạo nhất. Ông đưa yếu tố phương Tây vào áo dài khoảng 30%. Ông đã tạo kiểu như: không cổ, tay ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xòe, có khuy, vạt áo ngắn,…
Áo dài cổ cao (từ năm 1950). Thập kỷ 1950 – 1960 áo nịt ngực ngày càng phổ biến nên áo dài cũng ảnh hưởng xu hướng này và được may chít eo, ôm sát vào người. Thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần hông. Cổ áo cao, trong khi gấu áo cắt thẳng ngang và dài gần đến mắt cá chân.
Yếu tố cải cách ở áo dài Lê Phổ là phần tay áo, kỹ thuật dệt may cho ra đời vải có khổ rộng. Tỷ lệ cách tân dừng lại 20%. Mẫu này được coi là “vật tổ” của các áo dài sau này.
Áo dài cổ thuyền (từ năm 1958), còn được gọi là áo dài Trần Lệ Xuân, nhưng thực tế, người sáng tạo đầu tiên là Thái Thúc Nha. Ở thập niên 1960, ông nhận được chỉ thị làm một buổi diễn thời trang ở đường Đồng Khởi. Người mặc đầu tiên này nữ tài tử Kiều Trinh. Dáng dấp áo dài khoe được phần cổ áo của phụ nữ. Phần eo được chít thon gọn.
Áo dài tay raglan (từ năm 1958). Từ 1957 thời trang áo dài bắt đầu thịnh hành, đó cũng là thời điểm ông Đỗ Thành (một thợ may) áp dụng lối ráp tay raglan xéo vai trong âu phục vào áo dài, để vai áo dài bớt nhăn. Ý tưởng sáng tạo này đã cho ra đời chiếc áo dài tay raglan đầu tiên.
Áo dài hippy (từ 1968 – 1989). Với ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, quần hippy được đưa vào thiết kế áo dài. Lúc đó phụ nữ Việt khá táo bạo khi kết hợp quần ống loe với áo dài. Phần eo được nới rộng hơn so với áo dài Trần Lệ Xuân. Vạt áo may hẹp và ngắn đến đầu gối, thân áo rộng lượn theo dáng người và không chiết eo, cổ áo thấp, quần được may rất dài với ống rộng đến 60 cm, hoặc mặc với quần tây. Kiểu áo dài này thịnh hành mãi đến thập niên 1980.
Áo dài Midi (từ năm 1971). Áo dài 3 tà lấy cảm hứng từ áo dài tứ thân, nhưng phom dáng áo dài tiếp tục ảnh hưởng văn hóa phương Tây với cách cài cúc áo. Áo dài có sự cách tân hiện đại, nhưng vẫn tuân thủ giữ được cổ áo và phần tà, mặc dù đã hòa hợp và dựa vào các kiểu áo Tunique của Pháp thịnh hành từ mùa hè 1971 tại Sài Gòn. Kiểu áo dài này thường được mặc chung với quần tây màu trắng hay đen.
Áo dài vẽ (từ năm 1989) Từ năm 1990 nữ sinh Sài Gòn bắt đầu được mặc áo dài đến trường. Và cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam đầu tiên được diễn ra, đánh dấu cho sự hồi sinh của áo dài. Người ta không kỳ thị áo dài là trang phục của tiểu tư sản nữa, ai ai cũng có thể mặc.
Là họa sĩ và giảng viên Mỹ thuật, khi làm công việc thiết kế thời trang Sĩ Hoàng đã đưa ngôn ngữ hội họa vào trang phục áo dài truyền thống. Mở đầu cho một trào lưu áo dài được vẽ bằng tay trên vải với những trang trí hình hoa lá, lập thể, hoa văn cổ, phong cảnh…
Áo dài thổ cẩm (1990). Nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh (1961) là người sử dụng thổ cẩm Việt Nam trở nên nổi tiếng thế giới trong các sưu tập thiết kế áo dài – là loại hàng vải dệt thủ công có họa tiết nổi lên mặt vải giống như được thêu theo phương pháp truyền thống của các dân tộc ít người.
Các hiện vật áo dài cách tân được sáng tạo với mục đích giao lưu văn hóa các quốc gia cũng được trưng bày tại Viện bảo tàng. Những thiết kế cách tân nhằm phục vụ cho các hoạt động văn hóa được kêu gọi với mục đích cần hướng áo dài truyền thống thành quốc tế hóa, dung hòa nền văn hoá bản địa từng quốc gia cộng hưởng được với bản sắc văn hóa Việt.
Nhà báo Trác Thúy Miêu cho biết những thiết kế cách tân này phục vụ cho các sự kiện giao lưu văn hóa chứ không ứng dụng ở đời thường, vì thế chỉ dừng lại ở tính trình diễn, mang thông điệp tạo sự gắn kết giữa các quốc gia. Trác Thúy Miêu cũng nêu rõ quan điểm không ủng hộ áo dài cách tân kết hợp váy hiện nay. Theo chị cách kết hợp này không đúng với giá trị trang phục truyền thống.