“Sợ vợ ư? Phụ nữ là đáng… sợ rồi, vợ nữa càng đáng để sợ, họ đã sống với mình, vì mình và các con mình, họ đáng để ta phải kiêng dè lắm chứ” – Đỗ Bảo gãi đầu.
“Anh hứa gì em còn nhớ không/ Hãy cứ bình tâm đừng âu lo chuyện đời/ Đừng sợ hãi nếu đêm giông tố/ Đừng sợ hãi khi anh còn nơi đây”. Nghe Tấn Minh hát Bức thư tình thứ 5 tôi chợt nhớ đến gương mặt người nhạc sĩ làm “chao đảo” nhiều đàn bà bởi những Bức thư tình, Thời gian để yêu và những Chuyện của mặt trời.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo, tác giả của series ca khúc Bức thư tình. |
Thành danh ở tuổi thiếu niên
Tôi từng gặp và làm việc với Đỗ Bảo cách đây 20 năm, khi anh đang là nhạc công trong ban nhạc Hoa Sữa. Lúc đó Đỗ Bảo mới hơn 16 tuổi, trông như thiếu niên. Trẻ đến nỗi ban đầu tôi cứ nghĩ cậu theo một đàn anh nhạc công nào đó đến xem tập luyện trước khi diễn.
Ngọc Tân nói với tôi, trẻ nhưng mà “oách” đừng có nhầm. Ngọc Tân cũng là một ca sĩ khó tính, anh đã chọn ai người đó phải “có gì đó” khiến anh nể phục. Làm show liên tục một năm từ 3 đến 5 lần, làm hàng chục năm liền, lần nào ở phía Bắc cũng mời ê-kíp của Đỗ Bảo.
Hôm rồi, gặp lại, trông Đỗ Bảo cũng chỉ hơi khác một chút, cứ như chẳng bao giờ hết cái vẻ thiếu niên. Tôi nói thế. Đỗ Bảo gãi đầu phân bua: “Hai mươi năm cơ mà, cũng già đi đấy chứ, chỉ hơi thiếu tốc độ thôi. Nhiều khi trẻ quá cũng bất tiện lắm cơ. Có đơn vị gọi điện mời đến nhờ làm đạo diễn âm nhạc, khi gặp họ ngỡ ngàng, họ bảo nghe tên lâu rồi, cứ tưởng phải già cơ vì trẻ mà có thể lỡ việc đấy. May mà họ yêu âm nhạc của mình”.
Những bức thư tình nổi tiếng
Series bài hát Bức thư tình của nhạc sĩ Đỗ Bảo gắn với tên tuổi của hai ca sĩ Tấn Minh và Hồ Quỳnh Hương. Đã nhiều năm kể từ khi ca khúc Bức thư tình đầu tiên ra đời đến nay, âm nhạc của Đỗ Bảo được rất nhiều người yêu thích. Các ca khúc khác trong Cánh cung, Thời gian để yêu và Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta của Đỗ Bảo cũng gây ấn tượng mạnh.
Nhưng Đỗ Bảo không chỉ có thế. Ngoài sáng tác ca khúc, anh còn tỏa sáng ở các lĩnh vực khác, nhất là viết hòa âm và giám đốc âm nhạc trong các chương trình âm nhạc lớn.
Nổi tiếng và điển trai nhưng Đỗ Bảo lại là người ngại tiếp xúc với giới truyền thông, sống lặng lẽ hiền hậu, giản dị, nhã nhặn, cẩn trọng. Hầu như anh tránh gặp gỡ, càng không nhậu nhẹt, đàn đúm…
Gặp được Đỗ Bảo lần này, tôi đùa, nghệ sĩ các bạn là những kẻ sống phứa chứa chan, không tôn trọng nguyên tắc nào cả, người đời thường yêu quý các bạn, nhưng luôn giữ khoảng cách từ xa, nghe những sáng tác của các bạn thôi, chứ gần thì rất mệt. Còn Đỗ Bảo, thì khác hẳn, hay yêu vợ quá, sợ vợ quá.
Đỗ Bảo gãi đầu: “Sợ vợ ư? Phụ nữ là đáng… sợ rồi, vợ nữa càng đáng để sợ, họ đã sống với mình, vì mình và các con mình, họ đáng để ta phải kiêng dè lắm chứ”.
“Tôi ôm mộng trở thành người viết nhạc từ khi vừa mới theo học nhạc và luôn cảm thấy đó là một ký ức đẹp” – Đỗ Bảo giãi bày. |
Nhà ở phố cổ Hà Nội bán thuốc bắc
Tôi lại hỏi: “Là con một gia đình Hà Nội khá giả, có nghề y truyền thống, một nghề hái ra tiền ở bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào, nhưng Đỗ Bảo lại chọn âm nhạc, vừa không có lợi thế con nhà nòi, vừa khó làm giàu?”.
Nghe vậy, Đỗ Bảo cười: “Nói là không phải con nhà nòi thì cũng không hẳn. Gia đình tôi từ thời ông bà, các chú bác trong nhà hầu như ai cũng được theo học nhạc chủ yếu là đàn piano, anh em tôi sau này cũng vậy. Chỉ có điều mọi người không hoạt động chuyên nghiệp mà đa số thích làm kinh doanh, chỉ có chú tôi là hiện nay vẫn còn chơi đàn”.
“Tôi được gia đình cho đi học nhạc và chợt thấy đó là một nơi đáng sống của mình. Đi mãi giờ đã được một chặng đường không quá ngắn, vẫn thấy đó là thế giới đáng mến yêu, cho tôi đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống. Thế nên tôi theo đuổi âm nhạc chỉ như mách bảo của số phận và hoàn toàn tự nhiên. Tôi ôm mộng trở thành người viết nhạc từ khi vừa mới theo học nhạc và luôn cảm thấy đó là một ký ức đẹp” – Đỗ Bảo giãi bày.
Thích đứng đằng sau những thành công
Không ít người như Phó Đức Phương, Ngọc Đại, Trần Thu Hà, Tấn Minh, Tùng Dương, Nguyên Thảo chọn Đỗ Bảo để “nhờ” viết những bản hòa âm phối khí, dàn dựng chương trình.
Toàn những việc khó, đòi hỏi phải rất tài năng nhưng những tràng vỗ tay của khán giả hầu như chỉ dành cho ca sĩ hoặc nhạc sĩ/tác giả chứ hầu hết không biết đến người ở vị trí âm thầm, đứng sau tác giả, sau ca sĩ biểu diễn.
Song Đỗ Bảo không coi những chuyện như thế là điều bận tâm. Với anh, những dịp làm hòa âm sản xuất với ai đó là khi anh có thể học hỏi thêm những tinh hoa của những người đồng hành với mình.
Được giới chuyên môn tin cậy nên Đỗ Bảo bận “tối tăm mặt mũi”, không ở phòng thu thì ở sân khấu, không mơ màng tìm giai điệu thì cũng tập cho ban nhạc, muốn gặp được anh là rất khó.
Nhiều khi vợ con cũng phải nhường sự bận bịu ấy. Những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc cũng than rằng: Đôi khi phải nhắn tin trước, chờ khi nào “hắn ta” rảnh ra mươi giây thì “hắn” gọi lại, chứ thất vọng thì thất vọng cả đời.
Bận một cách sung sướng, Đỗ Bảo vẫn nói thế: “Tôi thường kêu than về công việc khi tôi mệt mỏi, đôi khi đó là cách tôi la lên vui sướng khi tôi đang mệt mỏi vì một công việc mà mình yêu thích”.
Anh có một quan niệm rằng việc sáng tác nhạc giống như tạo mẫu, cái gì đó phải có để thuyết phục rõ ràng hoặc dẫu mơ hồ đối với người nghe. Anh nói: “Thỉnh thoảng tôi thích tìm xem cái gì chưa ai làm để tôi làm. Điệu junky lần đầu xuất hiện ở Việt Nam có lẽ là bản hòa âm Thành phố trẻ của nhạc sĩ Trần Tiến mà tôi soạn cho tam ca 3A vào những năm 1996-1997, bài hát alternative rock đầu tiên có lẽ là Bài hát cho em của tôi.
Chúng không mới với âm nhạc quốc tế nhưng có lẽ là mới mẻ ở Việt Nam, có rất nhiều ví dụ như thế trong giai điệu và hòa âm của tôi và những điều đó thường là lý do để bắt đầu việc chúng hình thành, ngoài những cảm xúc riêng tư.
Hay như về ca từ, tôi thường tìm kiếm để đưa vào ca khúc của mình những từ ngữ hay câu hát ít hoặc chưa được dùng, ví dụ như ‘thời gian để yêu’ hay từ ‘thế giới’, sau đó chúng được sử dụng đâu đó một cách phổ biến hơn trong ca khúc hay kể cả sách, phim ảnh.
Tôi cho rằng những gì mới mẻ dù nhỏ hay lớn là những chiếc chìa khóa mở ra các cánh cửa bất ngờ nơi cảm xúc người nghe. Cái mới cũng không nên là điều gì đó có vẻ cao siêu ồn ào. Những ý tưởng mới có vẻ đơn giản và bình tĩnh sau khi đã chọn lựa kỹ thường là điểm cốt lõi bắt đầu cho những tác phẩm của tôi”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương trao giải Cống hiến cho Đỗ Bảo. |
Tới đây, Đỗ Bảo sẽ làm đạo diễn và giám đốc âm nhạc trong live show Trên đỉnh Phù Vân của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Tôi hỏi Đỗ Bảo có bị áp lực không, liệu có thể chịu nổi sự khó tính của ông Phương không, Đỗ Bảo nói: “Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người kỹ tính, đôi lúc là khắt khe, đến nỗi nhiều nghệ sĩ cảm thấy e ngại. Tôi cũng bị áp lực, nhưng sẽ vượt qua thôi”.
“Tôi làm theo cách nào đó để đảm bảo được sự hấp dẫn, hiện đại tươi mới. Đây cũng là một đêm nhạc quy tụ rất nhiều ca sĩ hàng đầu và được nhạc sĩ đầu tư kỹ lưỡng nên tôi tin là khán giả sẽ hài lòng, và là một đêm nhạc rất sinh động và đáng nhớ” – anh chia sẻ thêm.
Ai là người nhận Bức thư tình thứ nhất?
Sau khi trò chuyện với Đỗ Bảo, tôi lần theo địa chỉ, gặp vợ Đỗ Bảo ở một cửa hàng thời trang nho nhỏ gần đài truyền hình. Niềm nở, xinh đẹp, dễ gần và nhân hậu đó là cảm giác đầu tiên của tôi về cô, một biên tập viên của VTV1.
“Khi bọn em gặp nhau thì Bức thư tình đầu tiên đã có rồi chị ơi, còn các bức khác, có thể có thấp thoáng em ở đó, những lần anh ấy đi về một hướng nào đó, có em. Nhưng điều đó không quan trọng. Viết cho một người nhưng tác phẩm phải là của nhiều người, được nhiều người coi là viết cho mình, thế mới hay chứ chị. Âm nhạc của anh ấy, mọi tác phẩm đều là những bức thư tình cả đấy” – Vân nói.
Chỉ cần nghe thế thôi là thấy vì sao Đỗ Bảo tôn trọng vợ, chưa kể Vân rất chịu khó lao động, không ra vẻ sang chảnh. Bên cạnh việc chính ở đài, cô mở cửa hàng để có thêm tu nhập cho gia đình.
Trong giới showbiz không ít những chuyện thị phi, nhưng cặp đôi này không dính chút nào, cũng không ít những cặp cá tính mạnh, sớm mặn nồng, chiều lạnh lẽo, nhưng Đỗ Bảo và vợ là một cặp đôi tài năng và hạnh phúc…
Trương Huyền
Theo Zing