Đăng quang ngôi vị cao nhất tại Miss Global Beauty Queen 2016, Ngọc Duyên bỗng chốc được được chú ý. Và đây cũng là lúc người ta đặt câu hỏi về quy mô cuộc thi này.
Tối 24/10, vượt qua 41 ứng viên đại diện cho nhiều quốc gia, Ngọc Duyên đến từ Việt Nam được xướng tên ở vị trí cao nhất. Cô trở thành Miss Global Beauty Queen 2016 (Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu 2016).
Lật lại hồ sơ, đây không phải lần đầu tiên Việt Nam có thí sinh ghi điểm tại cuộc thi này. Năm 2015, người đẹp thi chui Lâm Thùy Anh nhận danh hiệu Á hậu 4 trong đêm chung kết diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc). Năm 2011, Phan Thị Hương Giang cũng mang về một giải phụ.
Lâm Thùy Anh (trái) nhận giải Á hậu 4 tại cuộc thi này năm 2015. Ảnh: Emkorea. |
Đây là thành tích đáng khích lệ với các người đẹp Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, chỉ bằng cú nhấp chuột tra cứu Google, khá bất ngờ khi thông tin về cuộc thi cũng như giải thưởng không được báo chí nước chủ nhà Hàn Quốc đăng tải. Tin tức gần nhất được đưa tin cách đây 4 ngày gồm vài dòng thông tin về địa điểm tổ chức và giới thiệu giải thưởng.
Các trang bình luận sắc đẹp hàng đầu như Missosology hay Global Beauties cũng chậm chạp trong việc cung cấp thông tin sau đêm chung kết.
Một câu hỏi đặt ra: Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu có quy mô như thế nào cùng sức nặng của vương miện Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu ra sao?
Báo chí Hàn Quốc ít đưa tin về cuộc thi. Họ chỉ cung cấp thông tin về địa điểm tổ chức đêm chung kết. Ảnh: Nate.
Cuộc thi không rõ nguồn gốc?
Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu không thuộc Top 4 cuộc thi nhan sắc uy tín toàn cầu, bao gồm Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Quốc tế. Thông tin về cuộc thi cũng trở thành “hàng hiếm”.
Theo trang TPNWiki, Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu được khởi động từ năm 2005 từ một tổ chức chuyên nghiệp của Singapore. Cuộc thi diễn ra thường niên nhằm tôn vinh vẻ đẹp, tài năng của các cô gái trẻ trên toàn thế giới.
Nhưng trên EmKorea, cuộc thi Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn Cầu có bề dày tổ chức. Danh hiệu này tổ chức lần đầu tiên tại Canada vào năm 1998. Trong đó, có năm, cuộc thi thu hút sự có mặt của 138 thí sinh.
Ngọc Duyên đăng quang ngôi vị cao nhất năm 2016. Ảnh: FBNV. |
Thông tin không trùng khớp, điểm chung của hai trang này là sự sơ sài về hình ảnh các kỳ tổ chức trước đó. Trang EmKorea cung cấp vài hình ảnh tổ chức năm 2011 và 2015. Trong khi TPNWiki còn ít ỏi hơn.
Cuộc thi “sắc đẹp thành phố” 4 lần ngừng tổ chức
Theo tiêu chí ban đầu, Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu dành cho các thí sinh đại diện cho các thành phố.
Mỗi năm, các người đẹp được dịp thi thố tại nhiều thành phố nhỏ tại Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc cũng dè dặt đưa tin về Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu khi nước này bão hòa với các đấu trường nhan sắc từ cấp huyện đến cấp quốc gia.
Năm 2009, cuộc thi này còn bị ghép chung với Miss International Beauty do ban tổ chức cảm thấy phù hợp tiêu chí giữa hai cuộc thi.
Năm 2010, Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu không tổ chức vì lý do kinh phí và địa điểm tổ chức khó thu xếp.
Cuộc thi tổ chức chưa lâu nhưng đã có 4 năm gián đoạn tổ chức. Ảnh: Michael. |
Từ năm 2011, cuộc thi tổ chức tại Hàn Quốc nhưng cũng có 3 năm gián đoạn vì lý do kinh phí (2012 đến 2014). Năm 2015, khi cuộc thi được khởi động lại. Đại diện Thái Lan – cô Vetaka Petsuk đăng quang.
Giới phê bình tại Trung Quốc khi đánh giá nhan sắc các nữ hoàng bước ra từ cuộc thi từng viết: “Không có gì nổi trội”. Trên trang Missosology, một ý kiến nhận định tên cuộc thi là “quá sức” với các thí sinh.
Hình ảnh từ cuộc thi. Ảnh: Emkorea. |
Đây cũng là cuộc thi bị khán giả “ngó lơ” nhất. Ban tổ chức cố gây chú ý bằng việc mở bầu chọn trực tiếp cho các thí sinh trong cuộc thi.
Đáp lại, trang bầu chọn vẫn thưa thớt. Gần nhất, đại diện New Zealand được bầu chọn nhiều nhất có khoảng 9.830 lượt vote, người đẹp Việt Nam xếp thứ 5 với 3.619 người bầu chọn.
Có thể thấy, Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu vẫn còn dừng lại ở quy mô nhỏ, chưa có danh tiếng tầm cỡ như tên gọi.