Vietnam’s Next Top Model hay Cuộc đua kỳ thú đều tạo ra những tình huống ‘khó nhằn’ cho thí sinh.
Vietnam’s Next Top Model
Bước sang mùa thi thứ 7 với chủ đề Break The Rule – Phá bỏ mọi giới hạn, chương trình truyền hình thực tế Vietnam’s Next Top Model không chỉ gây chú ý với việc tuyển mộ thí sinh không có chiều cao đạt chuẩn người mẫu mà còn đưa ra nhiều yêu cầu khắc nghiệt. Càng về cuối chương trình, thí sinh càng phải đối mặt với những thử thách khó khăn, nguy hiểm.
Ngay tập đầu tiên, top 24 đã phải làm quen với sàn diễn lơ lửng trên không ở độ cao 15m. Phần thi này càng trở nên khó khăn đối với các cô gái khi phải mặc váy dài thướt tha, một tay bê khay nước, đi catwalk trên đôi giày cao 15cm và sàn kính trơn trượt. Trong tập 4 phát sóng tối 7/8, yêu cầu đặt ra cho top 16 là nhảy từ giàn giáo cao 3m để cho ra những bức ảnh theo chủ đề Chuyến phiêu lưu của những nhà thám hiểm.
Ở tập 8, phát sóng tối 4/9, top 11 bước vào thử thách chụp ảnh theo chủ đề Khu rừng nhiệt đới với các loại động vật hoang dã như rồng Nam Phi, rắn, nhện, thằn lằn… Thử thách này khiến nhiều thí sinh như Thùy Trang, Nguyễn Phương, Thùy Trâm… đều sợ hãi đến mức mếu máo, bật khóc.
Thí sinh Vietnam’s Next Top Model 2016 catwalk trên sàn diễn lơ lửng trên không ở độ cao 15m. |
Ở mùa thi trước, chương trình cũng đưa ra nhiều thử thách nguy hiểm dành cho các thí sinh. Năm 2011, các cô gái của Vietnam’s Next Top Model phải móc vào sợi dây cáp và được cần cẩu kéo lên độ cao 15m để tạo dáng với bộ sưu tập Mây của NTK Đỗ Mạnh Cường. Năm 2012, các thí sinh phải chụp ảnh trên giàn giáo được đặt ở nóc tòa nhà cao 27 tầng bằng đôi giày gót cao 20 cm. Sang năm 2013, thí sinh được yêu cầu tạo dáng trên dây cách mặt đất 4m. Năm 2015, thí sinh được thắt bảo hộ và thả từ nóc một tòa nhà xuống, đến khi cách mặt đất khoảng 20m thì dừng lại để tạo dáng.
Thí sinh mùa thi 2012 sợ hãi khi chụp ảnh trên giàn giáo được đặt ở nóc tòa nhà cao 27 tầng. |
Trước thắc mắc cho rằng chương trình đang đặt người thi vào nguy hiểm khi yêu cầu tạo dáng, bà Quỳnh Trang – giám đốc sản xuất của Vietnam’s Next Top Model khẳng định, các thí sinh đều được mua bảo hiểm thân thể và khám sức khỏe thường xuyên. Với những thử thách mạo hiểm như đi catwalk trên cao, ê kíp luôn sắp xếp bác sĩ, nhân viên chuyên môn túc trực và một đội cascadeur chuyên nghiệp để hỗ trợ thí sinh. Những động vật được dùng để hỗ trợ tạo dáng cũng được tiệt hết nọc độc và có chủ ở bên cạnh để đảm bảo an toàn.
Mặc dù chưa thí sinh nào bị nguy hiểm đến tính mạng nhưng một số tai nạn xảy ra cũng khiến khán giả nghi ngờ về tính an toàn của chương trình. Thử thách ở tập 4 phát sóng tối 7/8 vừa qua đã khiến Minh Phong và Ngọc Châu bị thương trong quá trình thực hiện. Hai thí sinh này sau đó được các bác sĩ chữa trị và khuyến cáo cần nghỉ ngơi mới có thể phục hồi hoàn toàn. Trước đó, giám khảo Thanh Hằng gặp phải tai nạn dẫn đến xây xát chân tay vì bị quét lê 3m khi tiếp đất từ độ cao 15m lúc ghi hình tập đầu tiên. Việc thí sinh Vũ Tuấn Việt bị đứt dây cáp, ngã nhào khi đang tạo dáng trên dây cao 4m ở mùa 2013 cũng là lý do khán giả nghi ngờ về các biện pháp bảo hộ của Vietnam’s Next Top Model.
Cuộc đua kỳ thú
Năm 2012, Cuộc đua kỳ thú chính thức ra mắt khán giả Việt Nam dựa trên phiên bản gốc của chương trình The Amazing Race sản xuất tại Mỹ từ năm 2001. Cho đến nay, Cuộc đua kỳ thú đã trải qua 5 mùa thi, thu hút đông đảo khán giả theo dõi. Trong chương trình này, mỗi đội thi có hai thành viên và đội về đích cuối cùng sẽ bị loại sau mỗi chặng đua. Góp phần lớn trong việc tạo nên sức hấp dẫn của Cuộc đua kỳ thú chính là những thử thách đòi hỏi các đội thi phải sử dụng nhiều kỹ năng khác nhau và đua tranh gay gắt.
Hương Giang Idol và Criss Lai trong thử thách xếp ván vượt sông Sài Gòn trên không ở chặng cuối cùng “Cuộc đua kỳ thú” 2014. |
Trong mùa thi 2016, Criss Lai – thành viên của đội Hồng đã suýt bỏ mạng ở chặng đua thứ tám. Để hoàn thành mục tiêu trở thành đội dẫn đầu, đội Hồng lựa chọn nhiệm vụ “nhảy cóc”. Theo đó, Hương Giang Idol ở lại trên bờ để thực hiện phép tính nhẩm 1234 x 4321 còn Criss phải bơi trên biển tới điểm có dấu hiệu của chương trình rồi lặn tìm vali. Trong khi nữ ca sĩ Mùa ta đã yêu dễ dàng hoàn thành phép tính nhẩm trong 10 phút thì đồng đội của cô phải trải qua một hành trình gian nan. Anh mất hơn 5 tiếng liên tục để bơi, lặn tìm vali trên biển và nhiều lần bị kiệt sức hoặc chuột rút. Hương Giang Idol không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến Criss Lai trở về trong tình trạng kiệt sức.
Trước đó, Cuộc đua kỳ thú cũng nhiều lần đưa các đội thi vào những thử thách mạo hiểm. Ở mùa thi 2013, khán giả từng choáng váng trước mức độ khó khăn của chương trình khi yêu cầu thí sinh vượt qua thác nước Dray Nur dưới cơn mưa giông xối xả. Đây là một trong những thác nước đẹp và hùng vĩ nhất của Tây Nguyên với chiều dài 250m, trải rộng 150m và cao hơn 30m, tương đương với một tòa nhà 10 tầng. Để vượt qua thử thách này, thí sinh phải vật lộn với dòng nước chảy xiết để trèo thang dây dẫn lên đỉnh thác dưới dòng nước dữ dội.
Nhan Phúc Vinh vượt thác Dray Nur. |
Ở chặng thứ ba của mùa 2015, 8 đội chơi phải trải qua nhiều nhiệm vụ khó khăn trong địa hình đồi núi hiểm trở của tỉnh Hà Giang. Một trong hai thành viên của mỗi đội thi phải đi trên dây cheo leo giữa hai mỏm núi với quãng đường hơn 200m. Khoảng cách 60m từ dây cáp nhìn xuống mỏm đá tai mèo sắc nhọn, dựng đứng khiến các tay đua hoảng loạn. Đứng đợi đồng đội ở đích, thành viên còn lại của các đội tỏ rõ vẻ hoang mang, thậm chí rơi nước mắt vì lo lắng cho người kia. Ngoài ra, chương trình còn đưa nhiều môn thể thao mạo hiểm khác vào chương trình như leo núi, leo nhà tầng bằng dây thừng, nhảy dù, xếp ván trên không để vượt sông… Dù đã có biện pháp bảo hộ và một dàn cascadeur túc trực ở hiện trường, những màn thử thách này vẫn khiến khán giả nhiều lần thót tim khi theo dõi từng hành động của các tay đua.
Chinh phục đỉnh Everest
Chinh phục đỉnh Everest do Đài truyền hình TP HCM phát sóng từ năm 2007. Đây là chương trình đầu tiên tại Việt Nam đưa thí sinh thực hiện hành trình thám hiểm nóc nhà của thế giới. Các thí sinh tham gia phải vượt qua cuộc tuyển chọn gắt gao và trải qua nhiều giai đoạn huấn luyện trước khi lên đường. Chinh phục đỉnh Everest được sản xuất với format của một chương trình truyền hình thực tế, theo sát diễn biến của hành trình và những chuyến phiêu lưu mạo hiểm của các thí sinh.
3 người Việt Nam đầu tiên chinh phục nóc nhà thế giới trong chương trình “Chinh phục đỉnh Everest”. |
Trải qua 5 giai đoạn huấn luyện, năm 2008, 4 vận động viên bao gồm Lê Bá Công, Bùi Văn Ngợi, Nguyễn Mậu Linh và Phan Thanh Liên đã xuất phát từ TP HCM. Do sức khỏe không đảm bảo trước thử thách nguy hiểm của chương trình và không chịu nổi áp lực khi thường xuyên chứng kiến những xác chết dọc đường đi, Lê Bá Công đã bỏ cuộc sau hai chặng tập huấn ở thác băng Khumbu và dừng lại ở độ cao 6.500 mét.
Ba người còn lại phải leo núi hiểm trở, vượt qua gió tuyết, hít thở trong không khí với lượng oxy hạ thấp chỉ khoảng 30% để chinh phục đỉnh Everest vào ngày 21/5/2008. Đây cũng là 3 người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên nóc nhà thế giới. Những người tham gia cho biết họ nhiều lần đứng giữa ranh giới sinh tử trên đường đi và may mắn mới có thể bảo toàn lực lượng khi trở về. Dù tạo được tiếng vang lớn nhưng chương trình không được tiếp tục sản xuất sau mùa đầu tiên.
Nguyên Anh
Theo Ngôi Sao