Nhiều khán giả thắc mắc rằng có phải mỗi nghệ sĩ hay thí sinh khi tham gia truyền hình thực tế đều phải tuân thủ theo kịch bản mà nhà sản xuất đề ra hay không?
Manh nha từ “The Voice Vietnam” mùa đầu tiên với hàng loạt lùm xùm phát sinh, “bong bóng quan ngại” về việc “có hay không kịch bản trong các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam” đã dần phình to theo thời gian, nhất là khi hầu như chương trình nào cũng bị lộ những bằng chứng, tin nhắn nặc danh, tố kết quả chương trình vốn đã được sắp xếp. Đến 2016, vấn đề kịch bản trong truyền hình thực tế (THTT) lại càng dấy lên khi team Lan Khuê trong “The Face Vietnam” liên tục bị Phạm Hương xử ép và loại 3 người liên tục. Tuy nhiên, câu trả lời rõ ràng nhất vẫn chưa có lời giải đáp.
Bộ ba Huấn luyện viên The Face Việt
“Có kịch bản hết rồi”
… Là câu nói tặc lưỡi nhuốm màu thất vọng thường gặp nhất ở phần bình luận của trang fanpage các chương trình THTT. Tập trung chủ yếu ở các nhóm fan phẫn nộ vì thí sinh mình yêu thích thích bị loại. Tuy nhiên, không phải tự dưng khán giả lại trở nên mất niềm tin vào THTT như vậy. Quay trở lại năm 2012 – thời điểm THTT bùng nổ nhất , đỉnh điểm là “The Voice” mùa đầu tiên. Hàng loạt tin nhắn kèm bằng chứng tố cáo nhạc sĩ Phương Uyên đã dàn xếp kết quả bị lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Và hầu như những bằng chứng ấy đều trùng hợp với kết quả thực tế một cách bất ngờ. Sự kiện này như một cú xô mạnh từ đằng sau với khán giả yêu thích các chương trình truyền hình, khiến họ hoàn toàn mất niềm tin vào kết quả chung cuộc của show.
Kể từ tiền lệ trên về sau, hễ chương trình nào “không may” có Quán quân không được lòng công chúng, nghiễm nhiên đều bị “gắn mác” là dàn xếp mua giải. Điển hình một số nghi vấn có thể kể đến như: Quán quân “The Voice Vietnam” mùa 2 Vũ Thảo My là cháu ruột của người mẫu Vũ Thu Phương. Hay trong “Bước nhảy hoàn vũ 2014”, Ngân Khánh và Thu Thủy cùng giành giải Quán quân khiến cư dân mạng bất bình, đa phần khán giả cho rằng Ngân Khánh đã được dàn xếp kết quả từ trước nhưng vì Thu Thủy quá xuất sắc và quá mạnh về lượng fan nên BTC đành phải trao giải đúp.
Vũ Thảo My là Quán quân “The Voice 2013”
Ngân Khánh và Thu Thủy đồng Quán quân “Bước nhảy hoàn vũ 2014”
Mới đây nhất là Quán quân “Gương mặt thân quen 2016” Bạch Công Khanh. Không sở hữu một chặng đường nổi trội như Hòa Minzy hay Võ Hạ Trâm nên việc Bạch Công Khanh bất ngờ lên ngôi đã dẫn đến nhiều tin đồn chi tiền để mua giải. Và câu chuyện kịch bản lại một lần nữa nóng lên tại “The Face Vietnam 2016” khi những yếu tố kịch tính, giật gân trong chương trình đều bị khán giả bóc mẽ là… diễn sâu theo kịch bản. Điển hình là scandal “búi tóc bí ẩn” lúc có lúc không của HLV Lan Khuê. Ngay sau đó, việc HLV Phạm Hương loại được 3 thí sinh liên tiếp của team Lan Khuê cũng bị nghi ngờ là đã được nhà sản xuất dàn xếp sẵn để dọn đường cho Phạm Hương đấu tay đôi với Hà Hồ.
Bạch Công Khanh là Quán quân “Gương mặt thân quen 2016”
Ở những show thi thố nước ngoài, vẫn chưa có một scandal nào hoành tráng như “The Voice Vietnam 2012” để “bóc tách” ra hết chiêu trò của nhà sản xuất. Tuy nhiên, để nói là “thực tế” 100% thì cũng khó có thể mà tin được. Ví dụ như show người mẫu nổi tiếng “America’s Next Top Model”, khán giả luôn thích thú chờ xem những thử thách, shoot chụp hình độc đáo tuần này là gì. Ở mùa thứ 4, không ít các fan của chương trình bị shock khi thí sinh được yêu mến Kahlen nhận được một cuộc điện thoại tại nhà chung, báo tin rằng bạn thân của mình đã bị tai nạn qua đời thì ngay sau đó vài ngày, shoot chụp hình của tuần lại diễn ra tại…nghĩa trang. Các thí sinh phải nằm vào trong quan tài và được hạ xuống dưới huyệt sâu đã được đào sẵn. Tất nhiên, cô nàng Kahlen này khóc ngất lên nhưng vẫn cố gắng kiềm nén để hoàn thành xuất sắc shoot hình. Và tuần đó, nhờ sự chuyên nghiệp này mà Kahlen đã được gọi tên đầu tiên.
Tương tự, ở mùa 8, kịch bản này lại diễn ra khi một thí sinh khác nhận được tin dữ thì trùng hợp thay, shoot chụp hình ngay tuần sau đó yêu cầu thí sinh phải đóng vai xác chết trong các hiện trường án mạng. Những sự trùng hợp này xảy ra xuyên suốt trong 22 mùa thi của “America’s Next Top Model”. Ví dụ, khi một thí sinh tăng cân, cô nàng bị bắt hóa trang thành một chú voi để chụp và rồi bị chê “Sao trông cô mập quá vậy?”. Hoặc một thí sinh hay bị chê trông già trước tuổi thì lại bị trang điểm thành một bà lão trong gánh xiếc dị nhân để chụp hình.
Thí sinh “America’s Next Top Model” trong vai dị nhân già trước tuổi ở rạp xiếc
Tất nhiên, những việc này liên tục bị các fan phản ánh, cho rằng nhà sản xuất lợi dụng những chuyện không vui của thí sinh để tạo ra thêm thử thách kịch tính cho chương trình. Thí sinh nào vượt qua được sẽ được khen tới tấp, ai chẳng may để cảm xúc đánh bại thì sẽ được dạy ngay một bài: “Là người mẫu, chúng ta phải chuyên nghiệp và hoàn thành mọi yêu cầu khách hàng đề ra.” Nhưng biết sao được giờ, khi những tình huống như vậy là cái cần câu rating cho chương trình? Theo những chuyên gia truyền hình khảo sát, hầu hết mọi người khi xem TV đều có xu hướng chuộng sự trái chiều và dễ bị hấp dẫn bởi các yếu tố drama.
Vậy kịch bản – Có hay không?
Chắc chắn là có! Vì nếu không có một đường dây cơ bản từ trước thì làm sao nhà sản xuất có thể chuẩn bị các thử thách, nội dung huấn luyện, xây dựng kịch tính được? Và kịch bản trong THTT (còn gọi là Bible) hoàn toàn do nhà sáng tạo format ở nước ngoài quyết định và bên mua hoàn toàn phải xây dựng theo kịch bản đó. Chính vì lẽ đó, đôi khi khán giả thấy phiên bản Việt giống phiên bản nước ngoài ở một số chỗ thì đó là lẽ dĩ nhiên, vì tất cả “format con” đều từ một “format mẹ” mà ra.
Nếu hỏi kịch bản THTT và kịch bản phim ảnh có giống nhau hay không thì có thể nói giống đến gần 70% vì nếu xét theo 3 yếu tố chính của 1 kịch bản gồm: nội dung, diễn viên và dàn dựng thì giữa kịch bản THTT và kịch bản phim đã cố đến 2 yếu tố nội dung và dàn dựng là tương đồng nhau. Cụ thể kịch bản THTT và cả phim ảnh sẽ được chia thành từng tập, mỗi tập sẽ có nội dung cơ bản là cần tập trung vào vấn đề gì của các vai diễn/thí sinh. Riêng đối với các cuộc thi tài năng trực tiếp thì kịch bản từng tập sẽ có chủ đề thi chính cũng như các màu sắc bài thi cần có để làm bật lên chủ đề. Sau khi quay hình xong, nhà sản xuất THTT/phim sẽ quyết định cắt gọt như thế nào để đảm bảo vừa làm bật lên nội dung chính của tập, vừa đúng thời lượng phát sóng và vừa phải hấp dẫn người xem.
Tỷ lệ 30% khác còn lại giữa kịch bản THTT và kịch bản phim là một bên thí sinh lẫn giám khảo hoàn toàn không diễn, 100% là cảm xúc thật và bên còn lại là hoàn toàn hóa thân vào một nhân vật khác. Thế nhưng, đúng là vẫn có hẳn một bản phân vai ác – thiện cho các thí sinh/ giám khảo. Tuy nhiên, các thí sinh và giám khảo cũng không hề biết “vai” của mình là gì, và chính nhà sản xuất cũng không biết! Chỉ đến khi quay hình, dựa vào cảm xúc và cá tính thật sự của thí sinh/ giám khảo trong quá trình quay thì nhà sản xuất mới quyết định giao vai, đồng thời cắt ghép sao cho sự tốt/xấu đó được lên đỉnh điểm nhất. Điển hình trong “The Face Vietnam 2016”, khán giả chỉ thấy được mặt ác, đanh đá và tính toán của Phạm Hương, còn những lúc cô hiền hậu, yêu thương thí sinh thì hầu như rất ít.
Khán giả hiếm khi thấy một Phạm Hương hiền hậu, quan tâm đến thí sinh trên TV
Tyra Banks đã từng nói: “Không ai có thể biến bạn thành một b**ch (kẻ lắm lời), nếu như bạn không phải như vậy”. Người quay phim về cơ bản chỉ ghi hình lại tất cả những gì bạn hành xử. Nếu như bạn không hành động như một nhân vật xấu, thì làm gì có được “bằng chứng” để tố cáo bạn khi chương trình lên sóng. Nhưng tất nhiên, các nhà sản xuất luôn có đủ chiêu trò để biến bạn thành nhân vật phản diện, chỉ có bạn là không biết mà thôi. Thử xem nhé, phân hai cô nàng ghét nhau ra mặt vào một team cho thực hiện thử thách. Thế là sớm muộn gì chiến tranh cũng sẽ xảy ra thôi. Hay như trong các phòng trả key (phỏng vấn) cuối ngày các nhà sản xuất sẽ đặt câu hỏi để các thí sinh trả lời và các thử thách, mâu thuẫn, mối quan hệ trong nhà chung. Cô nàng nào kiểu tính tình thẳng thắn, hay nhận xét thì sớm muộn gì cũng được dán nhãn b**ch mà thôi.
Tyra Banks là mẹ đẻ của “America’s Next Top Model”
Chưa kể, kịch bạn còn có thể can thiệp sâu và “phân vai” sẵn từ vòng casting. Bạn có để ý lúc nào trong show truyền hình, thường thì lúc nào cũng có những tuyến nhân vật sau đây: Gái quê chẳng biết gì, hễ cứ đụng chuyện là thu mình lại khóc, Đê-khi “biết tuốt”, Người hòa giải các mới quan hệ, “Chị đại” của nhà chung, Những nhân vật có câu chuyện cảm động về quá khứ/gia đình/nghị lực bản thân mà mỗi tập lại được khai thác thêm một tí xíu và quan trọng nhất, một vai phản diện mà nhà nhà đều ghét nhưng vẫn chăm chú theo dõi mỗi tập.
Thử hỏi, nếu không có kịch bản phân vai sẵn thì phép màu nào đã giúp các nhà sản xuất luôn có được một dàn cast “vừa thóc vừa tẻ” như thế mỗi mùa.
Sự vi diệu của kịch bản?
Kịch bản có quyền lực không? Câu trả lời là có. Chính kịch bản sẽ khiến bạn yêu/ghét một thí sinh nào đó theo ý đồ của nhà sản xuất. Điển hình là trường hợp của Diệp Linh Châu trong “The Face Vietnam 2016”. Theo như bật mí của chính 1 thí sinh trong chương trình thì Diệp Linh Châu không hoàn toàn xấu xa và “khó ở” như những gì được phát trên TV mà trái lại, cô nàng còn khá tốt và thậm chí còn giúp các thí sinh khác học cách phối đồ. Thế nhưng một khi đã bị “giao vai” và “biên tập” thì chỉ còn biết… than trời.
Diệp Linh Châu được xây dựng là thí sinh bị ghét nhất nhì “The Face Vietnam”
Còn ở các chương trình ca hát, những thí sinh nào không thuộc top “hạt giống” của chương trình thường sẽ bị trình diễn trong khoảng từ thứ 2 đến giữa chương trình – thời điểm “chết” mà khán giả ít ấn tượng với các thí sinh nhất. Kiểm chứng nhé, bạn có bao giờ thấy hai quán quân Nhật Thủy và Trọng Hiếu hát ở vị trí “chết” như thứ 2-3-4 trong 3 liveshow đầu tiên của “Vietnam Idol 2014, 2015” không ?
Và nếu các thí sinh không may kia sở hữu màn trình diễn quá tệ, chuyện đã rõ như ban ngày là bạn cầm chắc vé nguy hiểm và tỉ lệ cao bị loại. Nếu tốt ở mức trung bình, giám khảo sẽ nhận xét theo kiểu… nhàn nhạt như “Em cũng tốt, em cần sửa chỗ này chỗ kia một chút thôi…”, khán giả cũng sẽ ỷ lại, cho rằng bạn an toàn để… vote người khác. Chỉ khi thật sự xuất thần, các thí sinh mới mong mình sẽ ở lại thêm được 1-2 vòng nữa.
Hay thậm chí như trong “American Idol” mùa thứ 12 vào năm 2013, sau suốt 5 mùa liên tiếp bị tố toàn để cho mấy chàng đẹp trai, da trắng, đánh đàn guitar thắng, chương trình đành phải cố gắng “đẩy” một Quán quân nữ lên cho đẹp lòng dư luận. Thế là mùa đó, tại vòng Audition và nhà hát, ban giám khảo đã cố gắng loại gần hết những chàng trai xuất sắc để đến vòng Top 10 hát Live và Fan Vote, đội hình nam năm ấy lép hẳn so với cánh nữ. Cuối cùng, cả 5 chàng trai trong Top 10 lần lượt bị loại đầu tiên, chừa lại 5 cô nàng vào thẳng Top 5. Một kết quả quá mỹ mãn mà có lẽ nhà sản xuất cũng không thể tin được.
Candice Glover đăng quang “American Idol 2013”
Những quyền lực bị bỏ quên
Tuy nhiên, nếu hỏi rằng kịch bản có quyết định được ai thắng hay thua giữ lại hay không thì câu trả lời là không. Kịch bản có thể điều hướng được dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý của khán giả. Nhưng vấn đề loại ai hoàn toàn phụ thuộc vào khán giả (các chương trình vote trực tiếp) và giám khảo. Thậm chí nếu các chương trình THTT gian lận trong phần tin nhắn sẽ bị pháp luật xử lý rất nghiêm ngặt. Chưa kể, giữa chốn showbiz thị phi, bạn có bao giờ thử tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra khi việc người này/ người kia “mua giải” mà lộ ra ngoài thì các phe đối thủ sẽ như thế nào. Câu trả lời là chắc chắn 100% họ sẽ sẵn dịp mà “dìm” nhau cho tới lúc không ai có thể ngóc đầu lên được.
Vậy giữa giờ một rừng “kịch bản” và “thực tế”, chúng ta phải làm sao? Thực ra, bạn chẳng cần phải làm gì cả. Vì với vai trò của một người xem, bạn hầu như đã quên mất quyền lực của chính mình – quyền không xem nếu như không thích chương trình đó. Rating sẽ giảm, nhà đài sẽ tự cắt sóng và dẹp luôn chương trình đó thôi. Còn nếu như vẫn lên tiếng chê bai “kịch bản hết cả đấy”, nhưng bạn vẫn lén lút mở TV lên xem mỗi tối, thì phải chăng bạn đã góp phần hoàn thành dụng ý của nhà đài rồi sao?