Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị ngã rách da đầu khi tập đi

Tác giả ca khúc “Dư âm” phải khâu vài mũi trên đầu, chân trái bị sưng khi tự chống gậy ra cửa để thăm thú hàng xóm.

Ở tuổi xế chiều, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống trong cảnh ốm đau, bệnh tật. Sau lần bị tai biến mạch máu não phải nằm liệt giường cách đây hia năm, sức khỏe của nhạc sĩ dần tốt lên nhờ uống thuốc và tập luyện. Ông có thể tự chống gậy, dò dẫm đi được vài bước từ giường ra cửa nhà. Ông cũng có thể tự thực hiện việc vệ sinh cá nhân tại giường. Nhạc sĩ ăn hai bữa cơm mỗi ngày, một bữa vào lúc 10h sáng và một bữa lúc 15h chiều.

“Buổi tối hôm nào đói thì ông ăn nhẹ vài chiếc bánh hoặc uống sữa rồi đi ngủ”, chị Thương – người giúp việc trong nhà – cho biết.

Mới đây trong lúc chống gậy ra ngoài, Nguyễn Văn Tý bị vấp vào bậu cửa té ngã khiến da đầu phía sau tai bị rách chảy máu, chân trái sưng đau. Ông nhờ hàng xóm gọi bác sĩ tới nhà băng bó và khâu cố định vết thương. Hiện phần da đầu bị rách đã tạm ổn nhưng chân nhạc sĩ còn sưng. Muốn ra khỏi giường ông phải cần đến hai người đỡ, rồi mới chống gậy di chuyển khó khăn.

nhac-si-nguyen-van-ty-bi-nga-rach-da-dau-khi-tap-di

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chỉ tay lên vết khâu da đầu ở phía sau tai.

Tác giả “Dư âm” cho biết ông tủi thân vì bị ngã khi ở nhà một mình, không có người để ý, chăm sóc. Chị Thương giúp việc kể hôm nhạc sĩ bị ngã, chị về Lâm Đồng đi lễ chỉ có con gái chị ở nhà cùng nhạc sĩ. “Chắc lúc ông tự chống gậy ra cửa rồi bị ngã, con bé đang làm gì phía trong nhà nên không hay biết”, chị Thương nói.

Ở tuổi 91, chỗ ở không còn xập xệ như trước nhưng Nguyễn Văn Tý luôn thấy mình cô đơn vì không thường xuyên được gặp người thân, bạn bè.

Vì cô đơn, muốn được giao tiếp nên thi thoảng ông vẫn tự chống gậy ra cửa để được nhìn người qua lại và giao lưu với hàng xóm. Tuổi già cùng cuộc sống bí bách trong căn phòng chưa đầy 10 m2 khiến người nhạc sĩ đôi khi lẩn thẩn. Người thợ mộc hay đóng đồ cho Nguyễn Văn Tý cho biết dăm bữa nửa tháng ông lại gọi anh đến sửa cánh cửa tủ, thay mặt bàn hay đóng mới đồ vật nào đó.

“Tôi hiểu ông cụ cô đơn muốn có người trò chuyện nên hay vẽ việc cho tôi làm”, anh nói vui.

Tác giả những ca khúc vang bóng một thời nghẹn ngào cho biết ông rất nhớ con gái nhưng cả năm nay chưa được chị đến thăm. Nhạc sĩ từng được con gái đón về nhà riêng chăm sóc nhưng ông cho rằng ở đó không được thường xuyên gặp bạn bè cũ nên đòi về nhà, sống cùng người giúp việc.

Hàng xóm sống cạnh nhà nhạc sĩ cũng khẳng định cả năm nay bà chưa thấy con gái út nhạc sĩ qua thăm. “Ông cụ già rồi nên trái tính trái nết, hai bố con có chút hiểu lầm nên cô con gái cũng ít qua. Cụ buồn nên luôn mong có người đến chơi, trò chuyện”, người hàng xóm cho biết.

Chị Linh – con gái của nhạc sĩ – nói chị đang đi xa chữa bệnh nên chưa biết chuyện bố bị ngã. Ngày thường chị cũng ít ghé thăm ông vì giữa hai bố con có nhiều hiểu lầm khó giải quyết. Tuy vậy, chị cho biết hàng tháng vẫn đều đặn cho người qua nhà gửi tiền và thuốc cho bố.

nhac-si-nguyen-van-ty-bi-nga-rach-da-dau-khi-tap-di-1

Nhạc sĩ bên bữa ăn chiều.

“Tôi sang thăm thì lại làm ông khó xử với người giúp việc nên mọi người khuyên tôi để ông yên. Ông khổ sở như thế là do cách ông chọn, tôi cũng đau lòng lắm khi muốn đến thăm bố mà không được”, chị Linh chia sẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn người con gái đầu đang sống ở Hà Nội. Do tuổi cao (gần 70 tuổi) nên thi thoảng bà mới cùng con cháu vào thăm bố. Mới đây nhạc sĩ vui nhiều vì có con gái lớn vào thăm. Tuy nhiên ông ngậm ngùi vì nhà chật chội, hai cha con không ở gần nhau thường xuyên trong những ngày con gái vào thăm.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925, nổi tiếng với những sáng tác như Dư âm, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre… Ông là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam.

Châu Mỹ

Theo VnExpress