‘Thần tượng Bolero đang hiểu sai và làm sai về bolero’

“Chương trình như một nồi lẩu thập cẩm, họ cho tất cả tân nhạc, tiền chiến, trữ tình vào chung thành bolero, như vậy là sai hoàn toàn” – ca sĩ Tuấn Hiệp nêu quan điểm. .

Tuấn Hiệp là một trong những ca sĩ bolero nổi tiếng ở Hà Nội đồng thời cũng là giọng ca hiếm hoi của miền Bắc được khán giả và các nhà sản xuất nhạc xưa tại Sài Gòn ghi nhận và chào đón trên các sân khấu lớn. Sở hữu giọng hát trung trầm, kết hợp với cách hát da diết, tự sự, đượm tình, có kỹ thuật thanh nhạc và vẻ ngoài nam tính, Tuấn Hiệp là cái tên có sức hút âm nhạc khá lớn đối với những người yêu nhạc bolero, đặc biệt là khán giả nữ.

Liên quan đến sự bùng nổ của các chương trình âm nhạc bolero cũng như tranh cãi giữa ca sĩ Tùng Dương và Long Nhật. Trong đó Tùng Dương cho rằng việc ca sĩ trẻ quá đắm với bolero dù không phải sở trường sẽ làm âm nhạc Việt Nam kém phát triển, còn Long Nhật phản biện rằng “nói bolero khiến âm nhạc thụt lùi là ấu trĩ”. Tuấn Hiệp đã dành cho phóng viên một cuộc trò chuyện với những chia sẻ thẳng thắn xoay quanh câu chuyện về bolero đang được nhiều quan tâm này.

'Thần tượng Bolero đang hiểu sai và làm sai về bolero'
Ca sĩ Tuấn Hiệp – người đã ra mắt 8 album từ khi bắt đầu sự nghiệp âm nhạc. Ảnh:NVCC

Long Nhật hồ đồ khi chỉ trích Tùng Dương

– Mới đây, Long Nhật phản ứng gay gắt trên báo chí trước ý kiến “ca sĩ trẻ quá đắm đuối với bolero sẽ làm âm nhạc Việt Nam kém phát triển” của Tùng Dương, quan điểm của anh thế nào?

– Quan điểm của Tùng Dương rất văn minh trong bối cảnh hiện nay và tôi nghĩ các nghệ sĩ trẻ nên cảm ơn vì điều đó. Ca sĩ cần phải biết thế mạnh giọng hát của mình nằm ở đâu để chọn lựa dòng nhạc cho phù hợp chứ không phải cứ thấy bolero đang bùng nổ là đua nhau chạy theo như một trào lưu. Việc một ca sĩ trẻ đang hát nhạc nhẹ mà chuyển sang hát bolero không phải là chuyện đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó để thành công. Lệ Quyên, người ghi dấu ấn ở cả nhạc nhẹ và bolero là một trường hợp hãn hữu và không phải ai cũng làm được.

Cuộc tranh luận giữa Tùng Dương và Long Nhật xuất phát từ quan điểm riêng của hai người. Cả hai đều là nghệ sĩ nổi tiếng được nhiều người yêu thích, nhiều ca khúc bolero Tùng Dương hát rất hay, còn Long Nhật là một ca sĩ đã định hình được phong cách và có chỗ đứng vững chắc trong dòng nhạc này. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận này, tôi thấy Long Nhật hơi vội vàng và hồ đồ khi chỉ trích Tùng Dương. Tôi nghĩ, trước khi đưa ra ý kiến phản biện quan điểm của ai đó cũng nên đọc và hiểu kỹ đóng góp của họ. Tùng Dương là một ca sĩ tâm huyết và có khả năng cảm thụ nhiều dòng nhạc, phân tích kỹ sẽ thấy đóng góp của anh là rất chân thành.

– Ngoài cuộc tranh luận giữa Tùng Dương và Long Nhật, vấn đề làm mới nhạc bolero cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua. Anh nghĩ sao?

– Quan điểm của tôi là mới, cũ không quan trọng. Quan trọnglà phải hát hay. Làm mới mà hát dở thì cũng không ai nghe và nếu chưa đủ hay thì cũng đừng tham vọng làm mới. Trong xã hội hiện nay, bolero được xem là dòng nhạc xưa cũ, do vậy đừng đặt nặng vấn đề làm mới, cứ hát đúng hồn, đúng chất của bolero đã, sau đó mới nghĩ đến những chuyện khác.

– Trải qua nhiều sóng gió, bolero vẫn có chỗ đứng trong cuộc sống, thậm chí còn đang phát triển bùng nổ và thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, từ nghệ sĩ, đơn vị tổ chức tới công chúng. Anh lý giải thế nào về sức hấp dẫn mạnh mẽ của dòng nhạc này?

– Bolero là hồn Việt và rất gần gũi với người Việt. Bolero không hề khó nghe, khó hiểu như một số dòng nhạc khác. Đối tượng công chúng của bolero là tất cả, đặc biệt tầng lớp bình dân, lao động. Bolero là tiếng nói tình cảm, yêu thương cũng như góc nhìn về cuộc sống và con người, do vậy ai cũng có thể nghe được bolero mà không có cảm giác xa lạ hay trừu tượng.

Trong bối cảnh âm nhạc hỗn độn như hiện nay, người ta lại càng có xu hướng tìm đến bolero như tìm về những giá trị xưa cũ, đậm chất kỷ niệm. Bolero vừa giống người kể chuyện cho khán giả, vừa giống người lắng nghe những tâm sự, hoài niệm, ký ức. Do vậy, khán giả vẫn yêu thích, say mê và tìm đến bolero mặc dù hoàn cảnh lịch sử và thời đại đã thay đổi rất nhiều.

'Thần tượng Bolero đang hiểu sai và làm sai về bolero'
“Tất cả thành viên trong ban giám khảo của Thần tượng Bolero đều là những người có tên tuổi và hiểu biết sâu sắc về dòng nhạc này nên tôi không biết chương trình vô tình hay cố ý hiểu sai, làm sai” – Tuấn Hiệp đặt câu hỏi. Ảnh: LVPH

“Thần tượng Bolero” hiểu sai về bolero

– Nhiều chương trình thực tế ra đời gắn mác bolero, trong đó “Thần tượng bolero” gặp phải nhiều ý phản đối vì nội dung không thực sự đúng với nhan đề. Anh nghĩ gì trước vấn đề này?

– Với hiểu biết của bản thân về bolero, tôi thấy chương trình Thần tượng Bolero đang hiểu sai và làm sai về dòng nhạc này. Chương trình như một nồi lẩu thập cẩm, họ cho tất cả tân nhạc, tiền chiến, trữ tình vào chung thành bolero, như vậy là sai hoàn toàn. Những bài hát như Anh còn nợ em, Diễm xưa hay nhiều sáng tác khác của Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn không phải là bolero. Bolero là thể loại tiết tấu âm nhạc du nhập từ Tây Ban Nha, ở Việt Nam thời kỳ đó hay lấy rumba bolero để cho các nhạc sĩ sáng tác những ca khúc với nội dung diễm tình, uỷ mị, buồn sầu.

Mặc dù định nghĩa về bolero vẫn chưa rõ ràng nhưng việc quy tất cả dòng nhạc khác vào bolero lại càng khiến nó trở nên mơ hồ, khó hiểu. Việc đặt tên chương trình như vậy sẽ khiến khán giả hiểu sai về bolero, theo tôi, tên chương trình nên đổi thành “Thần tượng Bolero và các bản tình ca cùng thời”. Nếu vẫn tiếp tục giữ tên là Thần tượng Bolero với nội dung âm nhạc như vậy thì rất nhiều người sẽ nghĩ rằng nhạc Ngô Thụy Miên, Phú Quang, Nguyễn Ánh 9 cũng là bolero không chừng.

– Có ý kiến cho rằng “Thần tượng Bolero” hiểu sai vì chưa có định nghĩa chính xác về dòng nhạc bolero ở Việt Nam, quan điểm của anh thế nào?

– Tôi thấy thành viên ban giám khảo của chương trình đều là những nghệ sĩ tên tuổi và có hiểu biết sâu sắc về dòng nhạc bolero. Do vậy, tôi không biết chương trình vô tình hay cố ý hiểu sai. Trước đây, đã có cuộc tranh luận về thuật ngữ “nhạc sến”, một cách gọi khác của bolero. Nhưng đó là tranh cãi về thuật ngữ, còn ở đây, chương trình đã hiểu sai hoàn toàn về bolero khi đưa những ca khúc không hề đánh bằng tiết tấu bolero vào cuộc thi.

Để không xảy ra những trường hợp đánh đồng tương tự, tôi nghĩ chúng ta cần phải đưa ra một định nghĩa chính xác về bolero của Việt Nam, sau đó là một công trình nghiên cứu về dòng nhạc này. Có như vậy thì nghệ sĩ và công chúng mới không tiếp tục nhận thức sai về bolero.

'Thần tượng Bolero đang hiểu sai và làm sai về bolero'
Giọng ca “Linh hồn tượng đá” cho biết muốn hát hay bolero cần phải có sự chiêm nghiệm, đắng cay, thậm chí cả bầm dập và thất bại. Ảnh: NVCC

Muốn hát hay bolero cần phải có sự chiêm nghiệm

– Nhiều ca sĩ theo đuổi bolero nhưng không phải ai cũng gây được ấn tượng. Vậy, theo anh, để hát được bolero, các giọng ca trẻ cần phải hoàn thiện những yêu cầu nào?

– Nhiều ca sĩ trẻ sau khi loay hoay với những dòng nhạc khác không thành mới quyết định chọn bolero vì nghĩ rằng bolero dễ thành danh, dễ kiếm tiến, dễ có đất sống. Nhưng thực tế không phải vậy, theo đuổi bolero không hề đơn giản, ngoài năng khiếu còn cần phải có sự may mắn mới được công chúng nhớ đến.

Ca sĩ muốn hát hay bolero cần phải có sự chiêm nghiêm, đắng cay, thậm chí bầm dập, thất bại, chia ly trong cuộc sống. Đặc trưng của bolero là buồn thương, do vậy hát bolero phải ra được chất đó. Ngoài ra, hát bolero cũng cần phải hiểu biết về văn hóa, lịch sử. Không hiểu hoàn cảnh ra đời của bài hát, chất tự sự trong tác phẩm thì khó có thể hát đúng thông điệp của tác giả. Say mê là một chuyện nhưng phải đọc, phải học không ngừng thì mới hát ra chất bolero được.

– Anh là một trong những ca sĩ được đào tạo bài bản về thanh nhạc, tại sao trong những yêu cầu đối với một giọng ca trẻ hát nhạc bolero lại không có yếu tố kỹ thuật?

– Nhạc bolero không quá đặt nặng vấn đề kỹ thuật thanh nhạc. Nhiều giọng ca nổi tiếng của bolero không hề được đào tạo bài bản về âm nhạc tại trường lớp nhưng họ vẫn nổi tiếng, ghi dấu ấn và sống trong lòng công chúng. Hát dòng nhạc này, trước hết phải có tình, tình cảm là yếu tố quan trọng nhất, sau đó mới đến các yếu tố khác. Biết áp dụng thanh nhạc vào bolero cũng rất tốt nhưng cần áp dụng một cách tự nhiên, không có chủ đích.

Tất nhiên, ca sĩ muốn hát hay bolero cũng cần phải có tem giọng dành cho dòng nhạc này. Bolero của Việt Nam xuất phát từ miền Nam, sau đó mới được khán giả cả nước yêu quý. Cách luyến láy của bolero ảnh hưởng rất nhiều của dân ca, đờn ca tài tử Nam Bộ, do vậy hát bolero cần phải có luyến láy, nhả chữ của giọng miền Nam. Ngay cả những giọng ca miền Bắc như tôi, khi hát bolero cũng phải học hỏi điều này mới được đông đảo khán giả đón nhận.

Lê Quang Đức

Theo Zing