Nữ ca sĩ dành hẳn một phần trong liveshow sắp tới tại Hà Nội để hát về mẹ – người mang đến nghị lực sống cho cô mỗi khi chùn bước.
– Phần hát về mẹ trong đêm nhạc của chị có gì đặc biệt?
– Trong các chương trình trước đây, tôi chưa bao giờ dành hẳn một phần để hát về mẹ. Nên khi biết liveshow được tổ chức vào đúng ngày 8/3, tôi đã nói ngay với đạo diễn: “Em muốn có một chương về mẹ”. Đây là một phần rất đặc biệt bởi nó là sự kết hợp giữa tâm linh, tình yêu, sự trân trọng và cả lòng biết ơn. Nhà tôi theo đạo Phật nên đầu tiên, tôi muốn dâng hết sự thành kính của mình đến mẹ Quan Âm, sau đó là những người mẹ Việt Nam ở mọi thời đại nói chung và mẹ tôi nói riêng. Qua các bài hát, tôi muốn gửi tới khán giả thông điệp hãy trân trọng và yêu thương phụ nữ thật nhiều. Sự kính yêu với người mẹ không bao giờ là đủ, do đó hãy quan tâm cũng như dành tình cảm cho mẹ nhiều hơn.
Mẹ tôi chắc chắn sẽ có mặt trong chương trình này. Có điều, mẹ sẽ không lên sân khấu. Nhiều người hỏi tôi vì sao lại không công khai người thân trước công chúng. Tôi chỉ nói rằng mình làm nghề đủ lâu để hiểu những mặt trái phía sau ánh hào quang. Chỉ có làm như vậy, tôi mới bảo vệ và giữ được sự bình yên cho những người thân yêu.
Nữ ca sĩ dành riêng một phần trong liveshow đầu năm 2016 để hát tôn vinh mẹ. |
– Mẹ là người thế nào trong mắt chị?
– Mẹ tôi là một phụ nữ bình thường. Suốt cuộc đời, bà chỉ sống vì chồng con, chẳng có phút giây nào nghĩ cho bản thân. Tôi nghe kể hồi xưa, mẹ hát hay lắm, giống hệt các nghệ sĩ lớn. Khả năng ca hát của tôi ngày hôm nay có lẽ chắc cũng được thừa hưởng nhiều từ bà. Nhưng mẹ tôi không theo con đường nghệ thuật bởi lúc đó ông bà không cho phép. Thành ra, mẹ phải hy sinh mọi đam mê để chăm lo cho gia đình.
Đến giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh mẹ gồng mình trên những gánh hàng nặng trĩu. Để nuôi các con ăn học, bà sẵn sàng làm đủ mọi nghề. Có lúc, mẹ thất bại trong kinh doanh, tôi phải cùng bà lên Thái Nguyên kiếm kế sinh nhai trong khi gia đình vẫn ở lại Hà Nội. Suốt thời gian đó, tôi phải thường xuyên ở nhà một mình vì mẹ đi làm xa. Nhiều người sau này cũng nhầm tưởng tôi là người Thái Nguyên là vì thế.
– Những ngày tháng nhọc nhằn bên mẹ đem lại cho chị những gì?
– Tôi học được ở bà sự chịu thương, chịu khó. Cả mẹ và tôi đều sinh ra trong gia đình khó khăn. Hoàn cảnh nghèo khó buộc những phụ nữ như chúng tôi phải cố gắng vươn lên. Mẹ luôn tiếp thêm cho tôi nghị lực sống mỗi khi chùn bước. Bây giờ nếu hỏi Lệ Quyên đang cần gì? Tôi sẽ trả lời rằng mình không ước gì hơn vẫn được là Lệ Quyên của hiện tại. Quá khứ nhọc nhằn đem lại cho tôi nền tảng tinh thần để biết thay đổi cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Hiện tại, mọi thứ với tôi cũng ở mức hài lòng. Đó là nhờ một phần lớn công ơn từ mẹ.
– Lần đầu tiên chị bật khóc vì thương mẹ là khi nào?
– Đó là lúc sinh con. Tôi thấy một người may mắn như mình được sống trong điều kiện quá đầy đủ, lại có nhiều người thân bên cạnh giúp đỡ mà còn thấy đau đớn, khó nhọc khi sinh nở thì ngày trước, mẹ đã khổ cực ra sao. Với một đứa con, tôi đã thấy chẳng dễ dàng khi chăm sóc. Thế mà hồi ấy, một tay mẹ vừa lo tôi ốm, vừa để mắt được hết đàn con đang nheo nhóc ở một góc khác.
Điều tôi thấy day dứt nhất bây giờ là chưa đón được mẹ vào sống cùng mình trong TP HCM. Bà không chịu ở cùng con cháu trong đó. Tôi biết mẹ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, những gì thân thuộc nhất của bà đều ở đây. Nhưng khí hậu miền Nam ôn hòa hơn, sẽ bớt được những cơn đau tuổi già mà mẹ thường phải chịu đựng mỗi khi chuyển mùa. Sống gần mẹ, tôi cũng tiện chăm sóc bà kỹ hơn. Bố tôi mất sớm nên mọi tình yêu thương giờ dồn hết cho mẹ. Bà cũng đã lớn tuổi lắm rồi.
Mẹ của Lệ Quyên (phải) hy sinh đam mê ca hát để nuôi dạy cô và các con nên người. |
– Bao lâu mẹ con chị gặp nhau một lần?
– Một năm, mẹ vào thăm vợ chồng tôi không dưới 10 lần. Có khi giờ, bà đi máy bay còn giỏi hơn tôi (cười). Mỗi lần tôi phải đi diễn xa, mẹ đều từ Hà Nội vào để chăm nom nhà cửa và trông cháu giúp con gái. Mọi việc trong gia đình đều được bà coi sóc chu toàn. Mỗi tháng, tôi cũng cố gắng ra Hà Nội ít nhất một lần để thăm mẹ. Về cơ bản, giữa mẹ con tôi gần như không có khoảng cách.
– Mẹ tư vấn cho chị ra sao trong cách nuôi dạy con cái?
– Cách nuôi dạy con của mỗi thế hệ đều có sự khác biệt. Hồi xưa, mẹ tôi rất khắt khe với các con, dù chẳng bao giờ bà dùng đòn roi. Sự nghiêm khắc ấy không vàng, bạc hay kim cương nào mua được bởi nó rèn luyện đức tính kỹ càng, chỉn chu ở tôi. Còn bây giờ, tôi vẫn giữ nguyên những giá trị đạo đức, lễ nghĩa… mà mẹ dạy để áp dụng cho con trai nhưng theo cách mềm mỏng hơn.
Những đứa trẻ là con của nghệ sĩ hầu hết đều bị thiệt thòi hơn so với bạn đồng trang lứa bởi bố mẹ phải đi diễn nhiều, không có thời gian làm việc cố định. Vì vậy, mỗi khi có thời gian rảnh, tôi cố gắng dành dụm để bù đắp Bo, có thể là ở nhà hoặc đưa con tới những điểm mình diễn hay vui chơi. Những lúc nóng giận, tôi cũng sẽ kìm nén lại, dù sao việc phải ở xa mẹ cũng đã là thiệt thòi quá lớn với bé rồi.
Gia đình hạnh phúc của Lệ Quyên. |
– Con trai chị nũng nịu ra sao khi được mẹ cưng chiều?
– Tôi thường đùa với mọi người rằng trong một ngày, Bo phải gọi từ “Mẹ ơi…” tới 8.000 lần. Ngay cả lúc đang ngồi trong lòng chơi với bố, bé cũng liên tục gọi mẹ. Con trai lúc nhỏ có thể muốn quấn quýt mẹ hơn. Tôi thấy tính cách của con trai hiện tại có 80% là của mình. Bo giống hệt tôi hồi còn bé, ngoan nhưng bướng. Cả Bo và tôi khi bé đều rất ưa sự nhẹ nhàng, mềm mỏng. Chỉ cần nói “ngọt”, bé sẽ làm ngay. Chỉ cần thay đổi tông giọng một chút, con trai tôi sẽ làm ngược lại, kể cả “ăn đòn” cũng được.
Bé cũng là người cứng cỏi và tự lập. Từ lúc nhỏ đến giờ, con trai tôi chưa bao giờ khóc nhè vì nhớ mẹ, có buồn lắm cũng chỉ nói với các cô giáo rằng: “Bo nhớ mẹ quá”.
Đức Trí
Theo VnExpress