Mạnh Trường: ‘Con gái tôi rất già đời’

Diễn viên Mạnh Trường trong chương trình ‘Bố ơi mình đi đâu thế’ cho biết ngoài đời, Chíp điệu (tên thật là Phương Linh) tinh ý và già dặn hơn so với tuổi.

manh-truong-con-gai-toi-rat-gia-doi

Mạnh Trường và con gái Phương Linh. Ảnh: Facebook

– Bố ơi mình đi đâu thế đang là một trong những chương trình nhận được sự đón nhận từ người xem. Kết thúc những chuyến hành trình trong mùa thứ hai, cuộc sống của bố con anh có gì thay đổi? 

– Thực ra cũng không có gì khác. Tôi vẫn đi đóng phim và có chăng là được mọi người chú ý hơn. Với bé Chíp, có lẽ trải nghiệm ấy mang tới cho con những ấn tượng khác biệt. Con được các bạn nhận ra khi tới trường. Các chị lớp trên hay xuống chơi với con, hỏi han rồi chụp ảnh cùng.

Ban đầu, tôi cũng sợ nổi tiếng ngay từ khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng tới Chíp. Tuy nhiên, hiện tại, tôi thấy việc đó không tác động nhiều tới tâm lý của cháu. Trẻ con ngây thơ, dễ quên và chỉ một thoáng lại hòa đồng với các bạn. Tôi cũng luôn nhắc nhở Chíp rằng mọi người quý mến con chứ không phải chuyện gì ghê gớm cả.

Xem xong mùa một của Bố ơi mình đi đâu thế, Chíp rất thích và muốn đi. Đến khi được mời, tôi hỏi con đi không, Chíp gật đầu ngay. Mặc dù gặp thử thách khó trong mỗi chặng, Chíp không nản hay đòi về giữa chừng. Con chỉ nhớ mẹ và em thôi. Trẻ nhỏ cứ được đi chơi là hào hứng. Đôi khi các bố oải, mệt nhưng con thì hừng hực khí thế.

– Tham gia chương trình, các cặp bố con phải vượt qua các thử thách. Từ thử thách đó, các bé trở nên trưởng thành và bạo dạn hơn. Anh cảm thấy thế nào trước sự thay đổi tích cực của con?

– Cháu thay đổi rất nhiều, từ nhút nhát, đôi khi hơi nhõng nhẽo, đến một bé Chíp dạn dĩ. Đặc biệt, tôi phát hiện con là một cô bé dũng cảm. Điều này thể hiện trong từng thử thách. Đây có lẽ là điều phát hiện lý thú ở Chíp. Bình thường lúc con ở nhà, rất khó có tình huống như trong chương trình để biết cháu có phải là người dũng cảm hay không. Đi thế này, tuy đôi lúc Chíp đỏng đảnh, nhưng cũng phải thừa nhận con dũng cảm vô cùng.

Ở tập bốn bé đi tìm các bố đi lạc trong đêm tối trên núi ở Ninh Bình hay lần dám xuống biển lấy đồ ăn cho mọi người thể hiện rất rõ tính cách của con. Lần ấy, các bố phải cử ra một người bơi ra biển lấy đồ ăn, Chíp đã xung phong, dù chưa biết bơi. Trời tối như vậy đến người lớn còn ngại huống gì trẻ con. Tôi thực sự bất ngờ vì từ trước tới nay Chíp rất nhút nhát, sợ bẩn và việc bơi ra xa, trong đêm tối như vậy mà con lại dám nhận. Đến tối về tôi mới hỏi tại sao con lại liều thế. Chíp trả lời “con không để bố xuống vì sợ bố sẽ bị ướt quần áo”.

Chíp nói như vậy khiến tôi rất xúc động. Cũng có thể do con lo cho bố nhưng cũng một phần nào đó Chíp nghĩ bố không dám. Thực sự tôi vui nhưng cũng suy nghĩ về chuyện này rất nhiều. Có thể sau những chặng đường hôm nay, tôi phải thay đổi.

manh-truong-con-gai-toi-rat-gia-doi-1

Hai bố con mặc đồ lao động trong một thử thách của chương trình. Ảnh: Facebook.

– Ở nhiều chặng đi, điều kiện sống không thoải mái như ở nhà, phản ứng của bà xã thế nào khi để hai bố con anh tham gia?

– Thực ra, bà xã chỉ lo lắng những ngày đầu thôi. Vợ tôi dặn dò bố con kỹ lắm, dặn là đi xa nhớ để ý con việc này, việc kia hay nấu ăn thì nên tập những món đơn giản. Gần đây, bà xã không phải lo nữa vì tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm chăm sóc con. Bây giờ mọi chuyện với tôi, từ nhỏ nhặt như nấu ăn, cũng khác hơn.

Tôi nghĩ đi là trải nghiệm cho mình. Làm được đến đâu thì làm, còn lại học hỏi các ông bố khác nữa. Không nhất thiết mình phải chuẩn bị quá kỹ cho chuyến đi như vậy. Nếu các ông bố cái gì cũng giỏi thì chương trình mất đi sự lý thú. Tôi nghĩ cứ để nguyên sơ thôi, con người mình thế nào thì là như vậy. Đến khi vào chương trình mới bộc lộ ra và mình biết được điểm yếu của bản thân để khắc phục.

– Một ông bố trông lúc nào cũng xuất hiện chỉn chu, bảnh bao như anh thì có những yếu điểm gì?

– Có chứ. Trước tiên là nấu ăn. Tôi chỉ biết nấu đơn giản chứ không phải cái gì cũng biết làm. Có lần các bố được đưa ra chợ, ai thích lấy gì về nấu thì lấy. Chíp cứ thích bố làm món nọ món kia nhưng khả năng của tôi thì hạn chế, chỉ làm được món trứng rán, thịt kho, không thể nấu món cầu kỳ cho con được. Ngoài ra, việc quan tâm đến những điều nhỏ nhặt như tắm rửa cho con, tôi cũng thấy mình thiếu sót. Chíp là bé gái nên ở nhà được mẹ giúp làm những việc này. Khi đi chương trình, bố phải là người đảm nhiệm chuyện đó. Có rơi vào hoàn cảnh ấy mới thấy mình cần phải bổ sung thêm những kỹ năng rất nhỏ nhưng rất cần thiết trong cuộc sống.

– Với tính cách của Chíp, con có thái độ ra sao khi thấy bố không nấu được món con thích?

Chíp gần như không phàn nàn, có thế nào thì dùng vậy. Nhiều khi con còn biết động viên “bố làm món này ngon”, chứ không phụng phịu “con thích ăn món này, bố phải làm cho con”.

– Anh từng chia sẻ muốn Chíp tham gia chương trình thực tế này để con thay đổi. Vậy ngoài đời, bé Chíp là người thế nào?

Lúc tham gia, mục đích đầu tiên của vợ chồng tôi là muốn con bạo dạn và bước ra một môi trường có đông người. Lúc đầu, tôi không phát hiện con nhõng nhẽo vì ở nhà Chíp rất tự lập. Gần như con không thể hiện sự đỏng đảnh với bố mẹ. Tôi cũng khá nghiêm khắc với con. Đi chương trình, qua những việc nhỏ nhặt như sợ bẩn, thích bố bế, tôi mới phát hiện điểm yếu ấy của Chíp.

Ngoài đời, con hòa đồng với mọi người. Chíp là người tình cảm, tinh ý và già dặn hơn so với lứa tuổi của bé. Con rất hiểu tâm lý của bố, chỉ cần thấy bố không hài lòng là biết ngay. Ở nhà, con là chị của một cậu em nhỏ tên Bon. Từ khi có em, Chíp thay đổi nhiều. Con luôn muốn ra dáng chị, không còn vẻ ngây thơ như trước. Trước đó, con hay mè nheo, ủn ỉn với bố. Nhưng làm chị rồi, con “già đời” hơn. Có thể đến lứa tuổi này, con như vậy. Hơn nữa, được làm chị khiến con thấy cần phải chững chạc.

manh-truong-con-gai-toi-rat-gia-doi-2

Gia đình nhỏ của diễn viên Mạnh Trường. Ảnh: Facebook.

– Trong cuộc sống, tính cách điệu đà, đỏng đảnh của Chíp nhiều lúc khiến bố mẹ khó xử ra sao? 

Ở nhà, con không có tính đỏng đảnh ấy. Có thể tham gia chương trình, thấy đông người, con hơi ngại và lộ ra tính đó. Có một nghịch lý thế này. Nếu con nghịch bẩn, bố mẹ bảo đừng chơi nhưng khi đi chương trình, chẳng hạn đến một vùng đất xa xôi, bùn lầy một chút, tôi lại muốn Chíp chịu được điều kiện sống đó. Trong trường hợp này, tôi nói với Chíp “những gì bố mẹ dạy đều chỉ muốn tốt cho cuộc sống sau này của con. Con cứ làm theo đi đã, sau này lớn lên sẽ hiểu”.

– Lúc ở nhà, bé được dạy cách sống tự lập thế nào? 

– Tôi quan niệm nắn con phải từ lúc còn bé. Quần áo của mình, Chíp tự gập, tự cất vào tủ và bố mẹ không liên quan. Buồng riêng con thích chơi bừa ra thế nào cũng được nhưng chơi xong phải tự dọn dẹp gọn gàng, không có chuyện bố mẹ sắp xếp giúp. Ban đầu tôi chỉ nghĩ bảo để con quen thôi chứ không nghĩ Chíp áp dụng được trong chuyến đi như thế này. Đó là một phần thành quả sự dạy dỗ của vợ chồng tôi.

– Có thêm con thứ hai, anh chị phải phân chia thời gian chăm sóc các bé. Anh chị có bí quyết gì để Chíp không cảm thấy bị ‘ra rìa’?

– Tôi luôn cân đối được việc chia sẻ tình cảm cho các con sao cho hài hòa. Tôi cũng rất sợ Chíp gặp phải trường hợp khi có em, sự chăm lo của bố mẹ dành cho con sẽ ít hơn. Tôi luôn động viên và khích lệ “bố mẹ yêu Chíp nhất, yêu em thứ hai” để tạo không khí cho con vui đã. Chẳng hạn hai chị em chơi có vấn đề gì, tôi mắng Chíp nhưng cũng giả vờ mắng Bon dù em bé chưa biết gì. Làm như vậy để Chíp biết bố mẹ mắng cả hai chị em chứ không phải mình con. Trẻ con tinh và nhạy cảm lắm nên chỉ cần thấy một thái độ không bình thường của bố mẹ là con để ý ngay.

Lúc chuẩn bị có em bé, chúng tôi cũng chuẩn bị tâm lý cho Chíp rằng gia đình sắp đón thành viên mới. Rất may, con hào hứng và thích mẹ có em bé. Từ khi Bon chưa ra đời, hai mẹ con hay nằm nói chuyện với em. Khi mẹ sinh Bon trong bệnh viện, Chíp đòi bố đưa vào để chơi với em.

Bình Minh

Theo Ngôi Sao