“The Danish Girl” và “Steve Jobs” hứa hẹn được đề cử “Phim hay nhất” còn “Black Mass” rất có thể giúp Johnny Depp giành danh hiệu “Nam diễn viên chính xuất sắc”. 1. The Danish Girl
Khi công bố hình ảnh đầu tiên hồi tháng 3, The Danish Girl lập tức gây chú ý bởi cốt truyện lạ lẫm về nhân vật là người chuyển giới đầu tiên trong lịch sử. Tác phẩm cũng được khán giả vỗ tay tán thưởng trong 10 phút trong buổi chiếu ra mắt ở Liên hoan phim Venice – một điều hiếm xảy ra.
Tờ Telegraph nhận xét phim kể chuyện tiểu sử nhân văn, cảm động và đẹp đẽ. Tờ The Wrap khen đạo diễn Tom Hooper (cha đẻ The King’s Speech) có khả năng vừa làm bộ phim có tính thẩm mỹ cao lại vừa có thể tạo ra các tình tiết xúc động phù hợp thị hiếu số đông. Đặc biệt, Peter Debruge của tờ Variety đánh giá Eddie Redmayne có vai diễn hay nhất từ trước tới nay trong phim này, hơn cả vai Stephen Hawking từng mang về tượng vàng Oscar cho anh ở The Theory of Everything năm ngoái. Eddie không chỉ được khen khớp ngoại hình mà còn thể hiện xuất sắc trong các cảnh nội tâm giằng xé.
Hội tụ đạo diễn và diễn viên danh tiếng trong câu chuyện đẹp, The Danish Girl có thể sẽ được đề cử vào ba hạng mục quan trọng của Oscar 2016 – “Phim hay nhất”, “Nam diễn viên chính xuất sắc” và “Kịch bản chuyển thể xuất sắc”.
2. Steve Jobs
Nếu như The Danish Girl vừa khiến công chúng ở Venice “phát sốt”, Steve Jobs cũng khiến khán giả ở Liên hoan phim Telluride (Mỹ) nồng nhiệt phấn khích. Tác phẩm tiểu sử thuật lại cuộc đời của doanh nhân kiêm nhà sáng chế Mỹ với nhiều góc khuất ít biết. Các nhà chuyên môn cho rằng tác phẩm tuyệt vời này không chỉ là phim đáng xem nhất mùa thu này mà còn xứng đáng với Steve Jobs ngoài đời, mặc dù góc nhìn của phim tôn thờ nhà sáng chế hơi quá mức.
The Guardian coi Steve Jobs là tác phẩm hay nhất từ trước tới nay của đạo diễn Danny Boyle – hơn cả phim Slumdog Millionaire từng mang về hàng loạt tượng Oscar hồi năm 2009. Cả Variety và Indiewire cho rằng Michael Fassbender thể hiện đầy thuyết phục trong vai chính và xứng đáng là ứng viên Oscar. Vị khán giả đặc biệt là người đồng sáng lập Apple – Steve Wozniak – cho biết ông cảm thấy “như được chứng kiến chính Steve Jobs và những người khác ở Apple chứ không phải là các diễn viên trên hình”.
Có kịch bản về nhân vật lịch sử, đạo diễn tài danh và tài tử sáng giá, phim hứa hẹn được đề cử vào các hạng mục “Đạo diễn xuất sắc”, “Nam diễn viên chính xuất sắc” bên cạnh hạng mục “Phim hay nhất” ở mùa Oscar tới.
3. Beasts of No Nation
Bộ phim là dự án nghệ thuật tham vọng đầu tiên của hãng phát hành phim trực tuyến – Netflix. Để làm phim này, đạo diễn Cary Fukunaga (tác giả phim True Detective mùa đầu) đưa cả êkíp Mỹ sang quốc gia Tây Phi – Ghana – để ghi hình và lựa chọn diễn viên nhí Abraham Attah vào vai chính.
Tác phẩm này gây chú ý trước nhất nhờ câu chuyện gai góc chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay cùng tên của nhà văn Uzodinma Iweala. Phim kể về một bé trai Tây Phi bị cướp khỏi gia đình và đào tạo thành chiến binh nhí dưới trướng của một độc tài chiến tranh. Ra mắt ở Liên hoan phim Venice, Beasts of No Nation được giới phê bình đánh giá là câu chuyện trần trụi và thô nhám về những sang chấn tâm lý của trẻ em ở những đất nước loạn ly, chiến tranh.
Bên cạnh phong cách hiện thực cùng những khung hình đắt giá có tính thị giác cao, tương tác giữa hai diễn viên chính là Abraham Attah và ngôi sao Anh – Idris Elba – được ca ngợi nồng nhiệt. Trong khi Abraham Attah hóa thân uyển chuyển thành cậu bé đau đáu về những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ trong khi phải sống cuộc sống khắc nghiệt, Idris Elba biến hóa tuyệt vời thành độc tài chiến tranh và cỗ máy giết người đáng sợ.
Idris Elba là tài tử da màu từng đóng vai nhà lãnh tụ Nelson Mandela trong phim tiểu sử gây sốt năm 2013 – Mandela: Long Walk to Freedom. Beasts of No Nation được coi là ứng viên nặng ký và là tác phẩm không thể bỏ qua trong hạng mục “Phim hay nhất” ở Oscar 2016.
4. Black Mass
Cùng ra mắt ở hai liên hoan phim là Venice và Telluride, Black Mass gây sốt xuyên lục địa châu Âu và Bắc Mỹ bởi một câu chuyện tội phạm súc tích và diễn xuất vượt bậc của tài tử hạng A – Johnny Depp. Dựa trên tiểu thuyết phát hành năm 2001 của hai tác giả Dick Lehr và Gerard O’Neill, phim kể về một trùm tội phạm bắt tay với FBI trong hơn 30 năm để diệt trừ đối thủ từng cướp miếng ăn.
Trong khi tác phẩm được đánh giá là câu chuyện điện ảnh sắc sảo, gai góc và không chùn tay của nhà làm phim Scott Cooper, diễn xuất của Johnny Depp gần như được 100% giới phê bình đồng thuận là “xuất chúng”.
Sự lột xác cả về tạo hình lẫn lối diễn đa dạng của Depp được cho là lấy lại đẳng cấp của siêu sao. Nhân vật của anh gây sợ hãi cho người xem từ đầu tới cuối phim. Từ những ngày qua, nhiều người đã cho là Johnny Depp rất có thể gặt hái giải Oscar năm tới cho “Nam diễn viên chính xuất sắc”.
5. Carol
Carol là phim của đạo diễn Todd Haynes, do nhà biên kịch Phyllis Nagy mất 11 năm chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển The Price of Salt. Truyện gốc lấy bối cảnh New York (Mỹ) thập niên 1950, kể về một phụ nữ xinh đẹp đã có gia đình say mê nữ nhân viên bán hàng ngây thơ. Tác giả khi viết xong truyện năm 1952 phải dùng tên giả Claire Morgan do lo ngại phản ứng dư luận về đề tài gai góc.
Ra mắt ở Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5, phim gây sốt với giới chuyên môn, giúp Rooney Mara đoạt giải “Nữ diễn viên xuất sắc”. Giới phê bình đồng thuận: “Đạo diễn Todd Haynes đã tái hiện xuất sắc không khí New York thập niên 1950 với các cửa hiệu trang hoàng ấm áp, lộng lẫy mùa Giáng sinh, những chiếc ô tô sang trọng, quý bà choàng khăn đeo găng tay, quý ông đội mũ phớt lịch lãm với điếu xì gà. Bên cạnh đó là mối tình đồng tính đầy nhục cảm”.
Mặc dù chưa ra rạp rộng rãi, phim được dán nhãn không dành cho trẻ em dưới 17 tuổi ở Mỹ hứa hẹn là ứng viên nặng ký mùa Oscar 2016 ở các hạng mục “Phim hay nhất”, “Nữ diễn viên chính xuất sắc”.
6. Suffragette
Suffragette có thể được ví như phim Selma mùa Oscar năm ngoái. Nếu như Selma là tác phẩm vấy máu về con đường dân quyền nước Mỹ, Suffragette là hành trình gian nan của các phụ nữ Anh đầu thế kỷ 20 đi đòi quyền được bầu cử. Ra mắt ở Liên hoan phim Terrilude, phim được đánh giá kể chuyện nhiều lớp lang, lật lại quá khứ nhiều biến động ở nước Anh đầu thế kỷ 20 bằng những khung hình duy mỹ. Nữ diễn viên Carey Mulligan được khen ngợi khi hóa thân vào vai người đàn bà thuộc tầng lớp lao động tay chân đi đấu tranh quyền bầu cử. Cô lột xác trong hành trình từ một người vợ yếu đuối thành nữ anh hùng cương quyết. Tác phẩm cũng được lựa chọn tham dự Liên hoan phim London đầu tháng 10 trước khi chiếu rạp rộng rãi trong cùng tháng. Ngoài hạng mục “Phim hay nhất”, Suffragette được dự đoán còn đem về cho minh tinh Carey Mulligan đề cử Oscar thứ hai trong sự nghiệp ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc”.
7. Brooklyn
Brooklyn là “quả ngọt” nổi lên từ Liên hoan phim độc lập Sundance hồi đầu năm nay. Tác phẩm kể về một phụ nữ di dân từ Ireland sang New York và tìm cách định cư ở xứ cờ hoa đầu thập niên 1950. Trong khi vất vả ổn định cuộc sống mới, người đàn bà đến từ rìa lục địa châu Âu bị giằng xé trong mối tình với hai người đàn ông ở hai rìa Đại Tây Dương – một tại Mỹ và một tại quê nhà Ireland.
Phim có diễn xuất nổi bật của ngôi sao sinh năm 1994 người Ireland – Saoirse Ronan. Hollywood Reporter khẳng định tác phẩm không chỉ là câu chuyện tình yêu xúc động mà còn rất ấm áp về cuộc sống, đặt trong bối cảnh nước Mỹ nửa thế kỷ trước. Brooklyn được đự đoán là tác phẩm nặng ký tương đương Joy – phim có Jennifer Lawrence vào vai người mẹ ba con vất vả đối chọi với cuộc sống thăng trầm. Trong khi người xem chưa biết diễn xuất của Jennifer Lawrence trong Joy ra sao (sẽ ra mắt tháng 12), Saoirse Ronan của Brooklyn được kỳ vọng vào đề cử “Nữ diễn viên chính xuất sắc” ở Oscar 2016.
8. Youth
Youth là bộ phim hứa hẹn được đề cử hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” ở Oscar mùa tới. Bộ phim kể câu chuyện về một nhạc trưởng và một đạo diễn điện ảnh tìm cách gói ghém sự nghiệp trước lúc qua đời, qua đó vinh danh tuổi trẻ và cuộc sống. Tác phẩm điện ảnh Italy đánh dấu sự trở lại của nhà làm phim Paoplo Sorrentino – chủ nhân bộ phim The Great Beauty từng giành Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài vào năm 2013. Giới phê bình đều cho rằng phim chứng tỏ sự đột phá tay nghề của nhà làm phim xuất sắc ở Italy đương đại. Phim cũng được cho là đưa ra chiêm nghiệm đáng ngẫm về cuộc đời.
Youth chào đón hai ngôi sao gạo cội – Michael Caine và Harvey Keitel. Cả hai đều được ca ngợi về lối diễn linh hoạt, vừa hài hước, vừa kiệm thoại. Mặc dù không thành công khi tranh giải Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5, phim xứng đáng là ứng viên nặng ký ở mùa Oscar tới.
9. Son of Saul
Son of Saul là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn 38 tuổi người Hungary – László Nemes. Vai chính do nhà thơ có khuôn mặt rất “xi-nê” là Géza Röhrig đóng. Tác phẩm này đang được đặt cược vào cửa “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” ở Oscar 2016. Hồi tháng 5, phim từng khiến công chúng Liên hoan phim Cannes “chết lặng” với câu chuyện sắc sảo, u tối cùng kiệt kể về một người cha tìm cách lo đám ma tươm tất cho con trai giữa cuộc sống tù đày ở trại tập trung Auschwitz, Đức năm 1994.
Gần 100% giới phê bình ở Cannes đồng thuận Son of Saul là tác phẩm xuất sắc. Jill Lawless của AP chia sẻ bộ phim mô tả chân thực một hành trình đi xuống địa ngục của con người. AP cũng khẳng định diễn xuất của Géza Röhrig “không chê vào đâu được”. Guardian nhấn mạnh phim là một cái nhìn thông minh, can đảm vào mặt đen tối vấn đề nhạy cảm nhất của nhân loại trước nay. Tờ này so sánh phim với Schindler’s List hay The Pianist – hai phim kinh điển về Thế chiến II.
10. Inside Out
Ra mắt ở Bắc Mỹ từ tháng 6, Inside Out gây sốt rộng rãi trong cộng đồng người hâm mộ phim hoạt hình. Tới nay, phim thu về 735 triệu USD toàn cầu. Đây là dự án ấp ủ trong 5 năm của đạo diễn Pete Docter – “cha đẻ” của Monsters Inc và Up – cùng người cộng sự là nhà làm phim Ronnie del Carmen. Phim kể về các nhân vật cảm xúc dẫn dắt một cô bé người Mỹ trong quá trình trưởng thành. Inside Out được cho là có ý tưởng gốc mới lạ, khai thác các chi tiết nhỏ nhặt nhưng gây xúc động và tạo niềm vui hân hoan.
Inside Out được giới chuyên môn nước Mỹ đánh giá cao. Michael Phillips của tờ Chicago Tribune thậm chí cho rằng đây là phim hoạt hình hay nhất của hãng Pixar kể từ Up (2009). A. O. Scott của New York Times cho rằng phim là câu chuyện tươi sáng về các cung bậc cảm xúc của trẻ em. Tờ Entertainment Weekly cho rằng tác phẩm thông minh và đáng suy ngẫm với người xem lớn tuổi. Inside Out hiện là ứng viên sáng giá cho danh hiệu “Phim hoạt hình hay nhất” và cả “Phim hay nhất” của Oscar 2016.
Vũ Văn Việt
Theo VnExpress