Trở về với dòng Jazz Standard trong album mới, nghệ sĩ saxophone người Mỹ chứng tỏ khát khao chinh phục nghệ thuật trong anh vẫn vô cùng mãnh liệt. Năm 1966, khi mới 10 tuổi và lần đầu cầm cây kèn saxophone trên tay, cậu bé Kenneth Bruce Gorelick – sau này được biết đến với cái tên ngắn gọn Kenny G – cũng không tưởng tượng nổi mình sẽ trở thành nghệ sĩ hòa tấu ăn khách nhất trong vòng ba thập kỷ trở lại đây.
Kenny G vẫn là nghệ sĩ kèn saxophone nổi tiếng nhất thế giới trong ba thập kỷ qua.
Với hơn 75 triệu đĩa nhạc tiêu thụ trên toàn cầu, Kenny G còn có tên trong danh sách những nghệ sĩ ăn khách nhất mọi thời đại, sánh ngang những huyền thoại như nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin, ông vua reggae Bob Marley, nhóm Nirvana, The Police, rapper Tupac Shakur hay người đẹp Beyoncé. Kenny G chắc chắn là một trong vài cái tên đầu tiên người ta phải nghĩ tới khi muốn thưởng thức một đĩa nhạc hòa tấu đương đại, hay cụ thể hơn là một giọng kèn saxophone.
Theo đuổi dòng Smooth Jazz từ những ngày đầu khởi nghiệp, nghệ sĩ luôn biết cách mang đến cho công chúng một thứ âm nhạc lãng mạn, dịu dàng, dễ nghe, dễ thẩm thấu nhưng không hề dễ quên. Những album của Kenny G có thể nghe ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ thời điểm nào trong ngày và luôn tạo ra những cảm giác thư giãn, an nhàn.
Màn độc tấu saxophone trong chương trình tạp kỹ The Ed Sullivan Show trên truyền hình đã thổi bùng ngọn lửa đam mê của Kenny G với loại nhạc cụ này. Anh gắn bó với nó từ năm lên 10 tuổi. Lên trung học, Kenny được nhận vào làm nhạc công phụ trong dàn nhạc Love Unlimited của ca sĩ lừng danh Barry White. Anh vừa chơi kèn mỗi tối vừa học tiếp lên đại học, sau đó gia nhập nhóm nhạc funk Cold, Bold and Together rồi chuyển sang làm thành viên của nhóm The Jebb Lorber – chuyên trị dòng Fusion (tức Jazz – Rock).
Sự nghiệp của Kenny G rẽ hẳn sang một chặng đường mới vào năm 1982, khi Clive Davis – ông chủ hãng ghi âm Arista – tình cờ nghe Kenny diễn tấu lại bản Dancing Queen của nhóm ABBA một cách điệu nghệ bằng cây saxophone. Ngay lập tức, anh giành được một hợp đồng ghi âm béo bở với tư cách nghệ sĩ solo. Album đầu tiên mang chính tên Kenny G đã gặt hái được những thành công nhất định.
Kenny G sắp có buổi biểu diễn tại Việt Nam vào tháng 10
Cột mốc quan trọng đưa tên tuổi Kenny G bay cao chính là album thứ tư – Duotones. Sản phẩm âm nhạc này đứng thứ sáu trên bảng xếp hạng Billboard album bán chạy nhất thị trường Mỹ, thứ nhất bảng xếp hạng album Jazz đương đại và là tiền đề cho sự thăng hoa trong album tiếp theo – Silhouette. Ra mắt năm 1988, Silhouette là một tuyển tập các bản nhạc do chính Kenny G và bạn bè sáng tác, chơi theo phong cách Smooth Jazz và Jazz Funk đầy phấn khích. Tính đến năm 2011, Silhouette đã tiêu thụ được 25 triệu bản trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nhắc đến Kenny G là phải nhắc đến album vĩ đại nhất trong sự nghiệp của anh – Breathless – trình làng năm 1992. Một kiệt tác thực sự với những bản nhạc kinh điển như Forever In Love, Sentimental, G-Bop đã mang về cho Kenny G một giải Grammy và bán được tới 12 triệu bản ở riêng nước Mỹ, nằm trong danh sách những album bán chạy nhất xứ cờ hoa và là album hòa tấu bán chạy nhất thế giới ở thời điểm đó. Danh tiếng của Kenny G đã vượt xa hơn bất kỳ nghệ sĩ hòa tấu nào ở cùng thời đại với anh.
Những thành công nối tiếp của các album như The Moment hay Paradise cho thấy sức sáng tạo của Kenny G vẫn rất mạnh mẽ, nhưng anh cũng biết chiều lòng thị trường hơn bằng việc tung ra thêm các album như Classics in the Key of G, I’m in the Mood for Love, At Last… hay The Duets Album – cover lại nhiều ca khúc nổi tiếng thế giới.
Bản nhạc Going Home trong album Kenny G Live phát hành năm 1989 đã góp phần đưa tên tuổi của anh đến với cộng đồng Hoa ngữ, mà chủ yếu là Hong Kong và Trung Hoa đại lục. Từ giữa những năm 2000, Going Home được mở liên tục ở các không gian công cộng trên đất Trung Quốc, từ ga tàu hỏa tới sân bay, siêu thị tới quán ăn, sân vận động tới sân golf, thậm chí trong cả toilet công cộng. Rất nhiều công ty đã chọn Going Home là bản nhạc để báo hiệu một ngày làm việc đã kết thúc. Hàng chục triệu người Trung Quốc đã nghe và thuộc giai điệu bản nhạc này một cách vô thức dù không biết ai là người thể hiện nó.
2008 có thể coi là một cột mốc khác trong sự nghiệp của Kenny G khi anh quyết định rời khỏi Arista để ký hợp đồng với Concord – một trong hai hãng chuyên ghi âm nhạc Jazz lớn nhất thế giới. Kết quả là cả bốn album Kenny G thực hiện cho Concord bao gồm Rhythm and Romance (2008), Heart And Soul (2010), Namaste (2012) và mới đây nhất là Brazilian Nights (2015) đều đậm đặc màu Jazz, khó thưởng thức hơn hẳn so với các album trước đó.
“Brazilian Nights” – album mới nhất của Kenny G
Với Kenny G, đó là một chuyến “về nguồn” cần thiết để anh tìm lại bản năng nghệ thuật đã rơi rớt ít nhiều theo thị hiếu đám đông. Ngoại trừ Namaste, ba album còn lại đều là sự pha trộn giữa Jazz và Bossa Nova – dòng nhạc Kenny G yêu thích từ bé. Trong số này, Brazilian Nights được đánh giá tốt nhất, gợi nhớ đến các đĩa nhạc kinh điển của hai nghệ sĩ đàn anh Stan Getz và Cannonball Adderley – những con “khủng long” của dòng Classic Jazz.
Ở tuổi 59, Kenny G vẫn tiếp tục làm mới bản thân, không thỏa mãn với những vinh quang rực rỡ gặt hái được trong quá khứ.
Hoài Điệp
Theo VnExpress