Chồng cũ nữ danh ca từng khủng hoảng tinh thần khi hôn nhân đổ vỡ. Nhờ giáo lý nhà Phật và niềm đam mê nhạc cổ truyền, anh tìm được sức mạnh vui sống.
– Từ Mỹ về nước chuẩn bị cho liveshow đánh dấu 55 năm tuổi nghề, vì sao anh không mời vợ cũ – nữ danh ca Hương Lan – tham gia?
– Tôi biết có khán giả tiếc khi chương trình sắp tới không được thưởng thức tiết mục tôi và Hương Lan đứng chung trên sân khấu. Nhưng đã lâu rồi tôi và Hương Lan không còn hát chung nên nếu có mời cô ấy tôi cũng không biết thực hiện tiết mục gì. Ngoài ra, thời gian tôi chuẩn bị liveshow trong nước cũng là thời gian Hương Lan bận các show ở Mỹ.
– Ly dị từ những năm 1980, thời gian d
ài sau đó anh và Hương Lan thỉnh thoảng đứng chung sân khấu như thời vợ chồng. Vì sao hiện tại điều đó không thực hiện được?
– Từ khi ly dị, cả tôi và Hương Lan đều có mái ấm riêng. Khi có bầu show mời, chúng tôi hát chung. Nhưng khoảng năm năm trở lại đây tôi và cô ấy rất ít liên lạc, có gặp cũng không hát chung. Giữa Hương Lan và Tuyền – vợ tôi có chút xung đột nhỏ. Ở liveshow của mình, tôi cũng muốn vượt qua rào cản đó, tuy nhiên, nghĩ lại tôi thấy xung quanh mình vẫn còn rất nhiều bạn diễn khác hỗ trợ.
Trong lòng khán giả, sự gắn bó của tôi với Hương Lan để lại dấu ấn trên sân khấu. Ngày trước, khi cô ấy và bố Hữu Phước đầu quân về đoàn Kim Chung, chúng tôi từng đóng chung vài tuồng cổ, được khán giả yêu thích và hâm mộ. Tuồng chúng tôi ăn ý nhất là Nắng thu về ngõ trúc. Tôi còn nhớ vào tháng 3/1975, hai cái tên Chí Tâm – Hương Lan thu hút khán giả liên tục đến chật kín rạp 800 chỗ ở Sài Gòn. Sau này, Hương Lan nghiêng về tân nhạc nên chúng tôi có những bất đồng thành ra rất khó để gắn bó với nhau khi đứng chung sân khấu.
Hình ảnh gắn bó một thời của Chí Tâm và Hương Lan.
– Trong đổ vỡ hôn nhân với Hương Lan, anh nghĩ nguyên nhân xuất phát từ đâu?
– Khi kết hôn, tôi mới 24 tuổi còn Hương Lan 20 tuổi. Cưới không lâu, chúng tôi đã sang Pháp định cư. Bảy năm chung sống bên nhau, chúng tôi không vượt qua được những bất đồng, nông nổi. Khi ly dị, chúng tôi vẫn còn rất trẻ, tôi 31 tuổi còn Hương Lan mới 27. Giờ nhìn lại cuộc hôn nhân này, tôi không nghĩ đến việc lỗi thuộc về ai mà đơn giản là nếu hết duyên với nhau thì đành chịu thôi. Mà đời sống vợ chồng bền vững hay không còn do yếu tố kinh tế, hay sự thấu hiểu nhau. Có lẽ chúng tôi thiếu cả hai điều đó.
Ngày còn ở Pháp, Hương Lan nói với tôi cô ấy dẫn hai sang Mỹ du lịch. Nhưng rồi ba mẹ con ở lại luôn bên đó. Năm 1985, khi thủ tục ly dị của chúng tôi còn chưa hoàn tất, Hương Lan đã tính chuyện kết hôn ở Mỹ. Tôi rất buồn, sốc nặng, nhưng thấy các con ở Mỹ có tương lai hơn nên tôi để mọi việc diễn ra như thế. Tôi rất nhớ con, mỗi năm sắp xếp sang thăm một lần. Đến cuối năm 1989, tôi sang Mỹ định cư.
– Anh làm thế nào để vượt qua cú sốc hôn nhân và bắt đầu cuộc đời mới?
– Chia tay Hương Lan lúc đó là một bước ngoặt quá lớn trong cuộc đời tôi, một bước rẽ làm cho mình bị khủng hoảng tinh thần, có lúc tưởng suy sụp. Tôi gắn bó với công việc tu tâm, tìm đọc giáo lý nhà Phật, xem là cách để mình nhìn lại duyên nghiệp của bản thân, hóa giải nỗi khổ, niềm đau, lắng đọng tâm tư.
Nghệ sĩ Chí Tâm bên vợ – chị Minh Tuyền.
– Cuộc sống của anh với người vợ hiện tại thế nào?
– Mấy năm đầu sau khi ly dị, tôi giữ tâm lý lo sợ khi đến với một người nào đó. Cả ngày làm quần quật cho người nước ngoài, đến tối tôi thường cùng các đồng nghiệp yêu thích nhạc cổ truyền tụ họp tập tuồng, dựng vở, đi diễn đến khuya. Tôi có vài người bạn gái nhưng đều chia tay vì khó nhận được sự thông cảm cho một người nghệ sĩ như mình.
Năm 1996 tôi về thăm quê hương thì gặp Minh Tuyền – vợ tôi bây giờ. Chúng tôi gắn bó đến nay. Cô ấy là người hết lòng thương yêu, quan tâm tôi từng chút. Minh Tuyền không phải là nghệ sĩ nhưng hiểu công việc của chồng, thường nhận xét cách tôi ca, diễn. Sau mỗi suất hát, khi có khán giả ái mộ đến ôm tôi hay muốn chụp ảnh cùng, cô ấy đều tránh mặt đi, không ghen tuông. Sống ở xứ người, vợ chồng tôi luôn bù đắp cho nhau về tinh thần, vật chất.
– 55 năm gắn bó âm nhạc cổ truyền và hoạt động liên tục trong đời sống nghệ thuật người Việt ở hải ngoại, vì sao đến giờ anh mới lần đầu tiên chuẩn bị một liveshow?
– Từ trước đến nay tôi tập trung làm nghề, dựng tuồng, sáng tác nhạc, ghi âm và đi diễn trên sân khấu hoặc hỗ trợ các đồng nghiệp chứ không nghĩ đến một chương trình riêng. Ý tưởng cho liveshow chỉ đến với tôi khoảng đầu năm nay. Vợ tôi rất ủng hộ. Tuổi đời tôi cũng cao, sợ một phút vô thường nào đó mình có thể ra đi nên chúng tôi muốn giữ một chương trình kỷ niệm với cuộc đời, với nghề nghiệp, tri ân khán giả. Liveshow của tôi diễn ra tối 31/7 tại TP HCM. Chúng tôi muốn thực hiện dịp này để mừng sinh nhật của tôi (25/7) và vợ (1/8).
– Ở tuổi 63, anh gặp khó khăn gì khi thực hiện liveshow?
– Chương trình của tôi chỉ diễn ra một đêm duy nhất, là dịp kỷ niệm với nghề và tri ân khán giả, nên tôi không bị áp lực về yếu tố kinh doanh. Điều khó khăn lớn là việc chọn tiết mục vì thiếu sự góp mặt của những diễn viên nổi tiếng từng gắn bó với tôi. Ví dụ, tôi chọn trích đoạn cải lương Đường gươm Nguyên Bá thì nghệ sĩ Minh Vương – người đóng vai Nguyên Bá – không còn tha thiết việc diễn lại vì lý do sức khỏe. Tôi chọn trích đoạn Bao Công nhưng cũng không làm được vì thiếu diễn viên… Cũng may còn các nghệ sĩ như Thanh Kim Huệ, Lệ Thủy… góp mặt.
Chí Tâm là một nghệ sĩ cải lương đa tài. Anh có thể sáng tác vọng cổ, tân nhạc, có thể hát diễn tuổng cổ và sử dụng nhiều nhạc cụ cổ truyền, trong đó thành thục đến năm loại nhạc cụ. Ảnh: Minh Hoàng
– Sống và hoạt động lâu năm ở hải ngoại, anh cảm nhận gì về sự phát triển của dòng nhạc cổ truyền trong cộng đồng người Việt?
– Việc duy trì hoạt động âm nhạc truyền thống ở nước ngoài không phải dễ. Ngày trước, tôi quyết định sang Mỹ vì thấy môi trường ở đó phát triển nghề nhiều hơn ở Pháp. Tại Pháp, càng ngày khán giả càng ít đến với cải lương, tuồng cổ. Lớp thế hệ yêu thích bộ môn này dần qua đời còn giới trẻ chuộng nhạc Âu, Mỹ hơn.
Những nghệ sĩ yêu thích âm nhạc truyền thống cũng phải quần quật lao động kiếm sống bằng một nghề khác rồi mới dành thời gian ít ỏi cho bộ môn mình yêu thích. Giờ nếu tôi có thể chọn lại con đường để theo đuổi, tôi muốn tiếp tục chọn lại con đường âm nhạc truyền thống, mà phải là nhạc truyền thống nguyên thủy chứ tôi không thích những cách tân lai căng và chắp vá, tạp nhạp.
***
Liveshow “Nghệ sĩ Chí Tâm – Niềm đam mê chưa cạn” diễn ra tối 31/7 tại Nhà hát Bến Thành, TP HCM. Chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ: NSND Lệ Thủy, NSND Hồng Vân, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Giang Châu, ca sĩ Tuấn Ngọc, Đông Đào, Nhật Khánh… cùng hai người em ruột của anh là nghệ sĩ Chí Hải và Chí Hà.
Chương trình tái hiện các trích đoạn vang bóng một thời gắn liền với tên tuổi Chí Tâm gồm: Đường gươm Nguyên Bá, Cao Tiệm Ly tiễn biệt Kinh Kha, Sự tích trầu cau, Tây Thi… NSND Ngọc Giàu là tổng đạo diễn. Một phần doanh thu buổi diễn được dùng ủng hộ chương trình “Trái tim yêu thương”, hỗ trợ nghệ sĩ nghèo và trẻ em mồ côi khuyết tật.
Nghệ sĩ Chí Tâm tên thật là Dương Chí Tâm, sinh năm 1952 tại Trà Ôn – Vĩnh Long. Anh yêu cải lương từ ngày bé và được gia đình cho học ca cổ nhạc từ lúc 6 tuổi. Năm 13 tuổi, Chí Tâm được đưa lên Sài Gòn học ca cổ với nhạc sĩ Bảy Bá tức soạn giả NSND Viễn Châu, và sau đó học với nhạc sĩ Út Châu (soạn giả Yên Sơn). Anh có thời gian gắn bó với các đoàn hát: Tinh Hoa, Dạ Quang Châu, Kim Chung…và nổi danh với hàng trăm vai diễn. Anh được khán giả nhớ đến nhiều nhất qua vai Điệp trong vở cải lương Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo.
Thoại Hà
Theo VnExpress