Nữ ca sĩ hải ngoại Kim Anh.
Thông cảm, chủ nhà hàng mời chị một đĩa “steak” mà chị vét sạch, ăn không sót một miếng. Sau đó chị nhận lời đề nghị của ban nhạc cộng tác với nhà hàng lên trình bày một bài hát. Một lần nữa, với Mùa thu lá bay, Kim Anh đã được khách cổ vũ nhiệt liệt. Sau khi hát, một người trong ban nhạc đề nghị với chủ nhà hàng nên mời chị hát vì chắc chắn sẽ có khách. Chị được giữ lại chỉ với số lương 700 USD một tháng. Biết là mình bị bắt chẹt về giá cả, nhưng Kim Anh cũng đành nhận lời vì không biết làm sao hơn trong tình trạng rất kẹt vì “Lúc đó không có tiền thì phải chịu thôi. Tôi ngồi cầu nguyện quá trời. Tôi nói: ‘Trời ơi, chả lẽ bắt con chết ở đây sao? Còn có 2 đồng sao trở về bây giờ”, chị tâm sự. Biến cố trong đời Thời gian ngắn sau, khách nghe đồn đã đến nghe Kim Anh hát rất đông. Do đó chị đã được tăng lương lên 1.200 USD, một mức lương tháng khá cao thời bấy giờ đối với một ca sĩ. Ngày Kim Anh được tăng lương là 20/1/1978. Sở dĩ Kim Anh nhớ ngày tháng kỹ như vậy vì đó cũng là ngày xảy ra trận bão tuyết lịch sử của New York, ngày đánh dấu khúc quanh rất quan trọng cho cuộc đời Kim Anh. Tối hôm đó, sau khi hát, Kim Anh được người bếp chính của nhà hàng tình nguyện chở về nhà cùng một người khác vì bão tuyết nặng, gây rất nhiều khó khăn cho ai không có nhiều kinh nghiệm lái xe. Kim Anh kể lại: “Trước khi lên trên cầu Brooklyn, tự nhiên tôi cảm thấy người không yên làm sao ấy! Tôi thấy bồn chồn, khó chịu. Tôi nhờ Rocky gọi giùm một chiếc taxi. Nhưng bấy giờ taxi đâu có. Tôi hét lên và đòi xuống vì cảm thấy không an toàn. Gần tới cái đèn phía trước thì xe quay vòng vòng, đầu tôi bị va vào trong cột rất mạnh…”. Theo lời kể lại của nhân chứng thì phải mất một lúc lâu, cảnh sát mới nậy tung được chiếc xe để lôi được Kim Anh ra ngoài. Lúc đó chị đã hoàn toàn bất tỉnh, mình mẩy và mặt mũi be bét máu. Chị đã không còn nhận ra mình sau khi tỉnh dậy tại bệnh viện. Mái tóc đã được thay bằng chiếc đầu bị cạo trọc lóc. Khuôn mắt thanh tú trước kia nay bị khâu vá chằng chịt, xương chân tay gãy khiến chị phải ngồi xe lăn một thời gian dài. Trong một lúc chán đời đến cùng cực, Kim Anh dùng một miếng kim khí để cắt lưỡi mình. Do sức khỏe còn quá yếu, chị không thực hiện được mục đích. Không có đủ thuốc men và bác sĩ điều trị, Kim Anh được một người bạn tên Victor Chao đưa về nhà ở vùng Queens để bố anh, cũng là một giáo sư y khoa, chích thuốc giảm đau trước khi trở lại bệnh viện để được tiếp tục chữa trị. Bố Victor nói không thể chích morphine cho chị được nữa do không còn máu, hơn nữa trên người không còn chỗ nào để chích. Do đó phải thay thế bằng một thứ khác. Đó chính là một loại ma túy dùng để hạ cơn đau mãnh liệt. Không ngờ rằng, từ đó trở đi chị đã bị lệ thuộc vào chất ma túy, bị lạm dụng khả năng làm giảm đau của nó. Rồi may mắn được một vị luật sư tặng 10.000 USD, bình phục, Kim Anh chính thức gia nhập vào những sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng Việt Nam. Về lại Washington DC, Kim Anh chung sức với vài người bạn để khai thác một nhà hàng lấy tên là Rendez-Vous, cùng một lúc hát thêm ở một vũ trường. Chị nhất định dành dụm một số tiền, đủ để thực hiện một băng nhạc riêng cho mình với tựa đề là Mùa thu lá bay. Sau 8 tháng đi làm, Kim Anh dành dụm được một số tiền đủ để thực hiện một băng cassette với mục đích gửi về tặng cha từ lâu không gặp mặt. Ý định thực hiện băng nhạc này trở nên mạnh mẽ hơn nữa khi biết được bố chị nhắn qua mấy dòng chữ là muốn được nghe giọng của con gái. Nhưng đau đớn thay, khi băng nhạc Mùa thu lá bay về tới nơi thì phụ thân chị đã trở thành người thiên cổ 3 ngày trước đó. “Rồi thì cũng như mùa thu lá bay” Sau cái chết của bố vào năm 1983, Kim Anh rất buồn và càng sa chân thêm vào con đường ma túy. Chị tâm sự: “Em buồn quá đến nỗi em chơi cho chết luôn… Em buồn quá, em muốn chết theo ba em mà! Từ đó em không muốn sống nữa. Lúc đó hút, hút đến nỗi hết tiền luôn. Năm bẩy trăm, một ngàn là chuyện nhỏ! Em không biết sợ chết là gì, em chỉ muốn chết theo ba em”. Có lần Kim Anh đã lại tự tử vì muốn chết theo bố. Đứa con trai lúc đó mới 11 tuổi cũng đòi chết theo mẹ. Chị lái xe đâm vào một cái cây nhưng lại rớt xuống hồ và được cứu sống. Băng nhạc đầu tiên của Kim Anh là Mùa thu lá bay, do sự đòi hỏi của người nghe, vào thời đó được coi là một trong vài cuốn băng bán chạy nhất với nhiều lần in thêm, sau khi trong đợt đầu Kim Anh chỉ đủ tiền in được đúng 925 cuốn. Sau sự thành công của Mùa thu lá bay, Kim Anh thực hiện tiếp băng nhạc Chiếc lá cuối cùng cũng thành công không kém. Ngoài ra chị còn đứng ra tổ chức show được rất nhiều người hưởng ứng. Tiếng tăm Kim Anh trở nên lẫy lừng hơn bao giờ hết. Đây chính là thời kỳ tên tuổi Kim Anh lên cao chót vót với tình trạng tài chính rất khả quan để cái tính hào phóng của chị có dịp bùng lên. Thời gian qua, giọng ca già dặn hơn, truyền cảm hơn sau những va chạm với cuộc đời, những lần lên cao chót vót cùng với những lúc rơi xuống vực thẳm nhầy nhụa, tối đen. Nhưng thế nào chăng nữa cũng vẫn là một Kim Anh luôn tươi cười, luôn hào sảng và sống hết mình với bằng hữu và với những đam mê của chính mình. Những đam mê đó đối với chị là những thứ cần thiết cho tiếng hát của chị. Ngoài ra tất cả đều là chuyện nhỏ! Có ai hỏi Kim Anh quan niệm về cuộc sống, chắc chị sẽ trả lời “rồi thì cũng như mùa thu lá bay”.
Trường Kỳ
Theo Báo Pháp Luật