Đạo nhạc và câu chuyện ý thức làm nghề sáng tác

Những ngày vừa qua, showbiz Việt lại dậy sóng câu chuyện đạo nhạc, nhân vật chính là Sơn Tùng M-TP dính nghi án đạo bài hát “Chắc ai đó sẽ về” từ một ca khúc Hàn Quốc.

Chuyện Sơn Tùng M-TP dính nghi án đạo nhạc đã dấy lên những tranh cãi không chỉ với khán giả, báo chí mà còn đẩy giới chuyên môn vào cuộc. Sau khi các nhạc sĩ gạo cội như PGS. TS, nhạc sĩ Thế Bảo, nhạc sĩ Phan Nhân và các nhạc sĩ trẻ hơn như Thái Thịnh, Nguyễn Văn Chung cho rằng Sơn Tùng M-TP không đạo nhạc thì mới đây, Hội nhạc sĩ VN đã tổ chức một cuộc họp gồm các nhạc sĩ Doãn Nho, Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Võ Thiện Thanh, Dương Khắc Linh, Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn để thẩm định ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP. Sau khi thẩm định, các nhạc sĩ đã đưa ra kết luận: Tác phẩm Chắc ai đó sẽ về là một tác phẩm đạo nhạc đầy tính toán theo công nghệ mới. Với kết luận này, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ làm đơn đệ trình lên Cục Bản quyền – Bộ Văn hóa TTDL xem xét cấm lưu hành trên toàn quốc ca khúc Chắc ai đó sẽ về, do Sơn Tùng MTP đã đạo nhạc từ ca khúc Because I miss you của nghệ sĩ Hàn Quốc Jung Yong Hwa.

Đạo nhạc và câu chuyện ý thức làm nghề sáng tác
Sơn Tùng M-TP.

Chưa biết Cục Bản quyền – Bộ Văn hóa TTDL sẽ xử lý ra sao, nhưng rõ ràng với một Hội đồng thẩm định gồm các nhạc sỹ uy tín đã khẳng định, thì Sơn Tùng MTP chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến danh dự và con đường sự nghiệp của mình ít nhiều. Nhìn lại câu chuyện đạo nhạc, cách đây vài năm, một nhạc sĩ trẻ đình đám trong một nhóm nhạc ở Hà Nội đã phải cầm cúp đến trả Ban tổ chức một giải thưởng âm nhạc vì khán giả phát hiện ca khúc của anh đạo một bài hát nước ngoài. Và cũng vừa cách đây 2 tuần, một nhóm nhạc ở TP.HCM cũng buộc phải trả lại ban tổ chức một giải thưởng âm nhạc uy tín, khi ca khúc đoạt giải của nhóm cũng bị phát hiện đạo nhạc nước ngoài. Câu chuyện đạo nhạc vì thế càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, bởi những người làm nghề chân chính, những khán giả văn minh bức xúc và mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc và cũng kêu gọi công chúng tỉnh táo để nhận biết những giá trị thật, nhằm tẩy chay những sản phẩm vay mượn của người khác trong sáng tạo nghệ thuật.  Câu chuyện đạo nhạc lâu nay trở thành vấn đề “nóng” trong showbiz nhưng rõ ràng, không có một quy định cụ thể nào cho việc thẩm định một tác phẩm có đạo nhạc hay không, bởi âm nhạc chỉ có 7 nốt nhưng người nhạc sĩ có thể “biến hóa” nó thành hàng vô số những tác phẩm khác nhau. Việc nhạc sĩ đạo nguyên giai điệu, chỉ sáng tác lời của mình thì đã rõ, nhưng nếu người viết chỉ đạo ý tưởng, hoặc dùng hòa thanh giống nhau… thì vẫn gây ra những tranh cãi giữa những người phản đối và những người bênh vực. Và cuối cùng, chỉ có chính tác giả mới là người biết rõ nhất rằng tác phẩm của mình có đạo hay không, và việc này, hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức và ý thức làm nghề của họ.  Vì thế, rất cần cái “tâm” của nghề ở đây, bởi nếu thực sự là người có tài, có tâm chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra chuyện vay mượn ý tưởng hoặc sản phẩm của người khác về chế biến, xào nấu, nhào nặn, ứng tác thành sản phẩm của mình.

Đạo nhạc và câu chuyện ý thức làm nghề sáng tác
Nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng.

Tuy nhiên, nói như thế không phải phủ nhận tất cả, showbiz hiện nay vẫn có nhiều, rất nhiều những người trẻ đang ngày đêm ấp ủ và thực hiện đam mê âm nhạc bằng chính tài năng và ý thức làm nghề của mình. Đó có thể là Thành Vương,  Đinh Mạnh Ninh với những ca khúc thời thượng, “văn minh” và đầy sáng tạo, cập nhật xu hướng và mang nhiều dấu ấn nghệ thuật. Đó cũng có thể là Phạm Toàn Thắng – một cây viết trẻ cực kỳ sung sức hiện nay với lối viết dung hòa được yếu tố nghệ thuật và giải trí. Hoặc như Lê Đức Hùng  – một ca sĩ, nhạc sĩ trẻ với lối tư duy hiện đại và một năng lượng dồi dào. Một Huyền Sambi nhỏ bé, trẻ măng nhưng đã có những sáng tác đề cập những vấn đề lớn của xã hội, không chỉ gói gọn trong đề tài tình yêu, hay như một Khắc Hưng tài năng trong sáng tác, đặc biệt là phối khí, dùng những nhạc cụ, dụng cụ hiện đại để thực hiện các bản phối nhưng vẫn pha trộn vào đó hồn cốt của dân tộc khi đưa vào các tác phẩm của mình nhiều màu sắc âm nhạc dân gian các vùng miền… Họ chỉ là một vài cái tên trong hàng chục, hàng trăm nghệ sỹ trẻ đang tạo thành một trào lưu mới làm nên diện mạo mới cho âm nhạc Việt Nam. Quay lại chuyện của Sơn Tùng M-TP, cho dù thế nào thì chúng ta vẫn phải thừa nhận Tùng là một tài năng và có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng trẻ. Nếu Tùng “phạm lỗi”, hãy nghiêm khắc nhưng cũng tạo cơ hội cho Tùng sửa lỗi, bởi người trẻ có thể mắc sai lầm, nếu chúng ta nhìn nhận nó dưới góc độ nhân văn thì người mắc sai lầm sẽ có nhiều cơ hội sửa lỗi để hoàn thiện bản thân mình hơn. Sơn Tùng là người vừa đáng thương, vừa đáng trách; vì thế, cũng không nên quá cay nghiệt, “ném đá” nhưng cũng đừng quá cưng nựng, chiều chuộng… Hãy nhìn nhận dưới một góc nhìn khách quan, công bằng và nhân văn, Sơn Tùng M-TP chắc chắn sẽ rút ra những bài học xương máu cho bản thân mình và ngày càng tiến bộ trên con đường nghệ thuật đầy chông gai phía trước.

Ngô Bá Lục

Theo Vnmedia