Cuộc đời bất ngờ của ‘ông hoàng dòng nhạc Mưa bụi’ Đình Văn

Đình Văn cho rằng âm nhạc cũng như leo núi, khi leo đến đỉnh rồi thì anh không nuối tiếc điều gì mà sẵn sàng nhường vinh quang cho người đến sau.

Nếu đã từng sống qua thời kỳ âm nhạc đỉnh cao của Mưa bụi vào những năm 1990, chắc chắn không ai không biết tới cái tên Đình Văn. Bởi chính anh cùng nghệ sĩ Tài Linh đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng của dòng nhạc này.

Cuộc đời bất ngờ của 'ông hoàng dòng nhạc Mưa bụi' Đình Văn

Từ công nhân trở thành ca sĩ Những năm đầu của thập kỷ 80, ít ai biết rằng Đình Văn nổi tiếng sau này lại đang là công nhân chuyên sửa chữa và lắp ráp máy in của công ty Liksin. Nhân dịp Liên hiệp công đoàn TP.HCM tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, Đình Văn được tín nhiệm thay mặt công ty để đi dự thi. Thật bất ngờ khi anh chàng công nhân ấy với vẻ ngoài thư sinh cùng cặp kính cận lại có giọng ca trầm ấm làm lay động người nghe đến vậy. Chính vì vậy, Đình Văn đã giành được Huy chương vàng với ca khúc Thành phố tôi yêu của nhạc sĩ Phan Nhân. Sau khi trở về, anh cũng được nâng lương lên bậc 7/7. Thành công nối tiếp thành công, năm 1985, Đình Văn một lần nữa lại đem về vinh quang cho công ty khi anh đoạt huy chương vàng toàn quốc tại hội diễn văn nghệ quần chúng với ca khúc Hát về anh của nhạc sĩ Thế Hiển do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng. Từ mối lương duyên đến bất ngờ, Đình Văn dần dần tham gia vào những hội diễn của công ty, của các tổ chức, ban ngành đoàn thể, và cứ thế, anh âm thầm phủ sóng tên mình ra rộng hơn. Những năm 1990 cũng là khi thị trường âm nhạc Việt Nam đang được mở rộng với những sân khấu ca nhạc mọc lên ở khắp mọi nơi. Tại thời điểm này, Đình Văn quyết định trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, đem tiếng hát của mình phục vụ quần chúng. Ban đầu, anh song ca với các nữ ca sĩ như Phương Dung, Ngọc Yến… Vẫn với chất giọng đầm ấm ngày nào, Đình Văn rất được lòng người hâm mộ qua những tình khúc mang âm hưởng dân ca của nhạc siz Phan Nhân, Xuân Hồng, Phan Huỳnh Điểu, Thanh Sơn… Có thể kể đến một loạt những ca khúc đã được Đình Văn ‘đóng đinh’ với tên tuổi của mình như: Khúc hát người đi khai hoang, Thư tình cuối thu, Chiếc xuồng quê hương, Chiếc áo bà ba, Bài ca cho em, Đôi mắt, Hãy yên lòng mẹ ơi… Ngay chính bản thân Đình Văn cũng không nghĩ rằng có ngày, anh lại đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, được hàng ngàn khán giả bên dưới lắng nghe vả cổ vũ. Anh từng chia sẻ: “Trong cuộc đời từ một công nhân trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, tôi mang ơn ba nhạc sĩ: Phan Nhân, Hùng Lân và Tiến Dũng. Ba nhạc sĩ đã dạy tôi thanh nhạc, nhạc lý cơ bản và quan trọng nhất là rót vào lòng tôi niềm say mê âm nhạc và những ca khúc mang âm hưởng dân ca. Đó là những giai điệu chở nặng phù sa, chất chứa niềm tâm sự của bao thế hệ con người khai phá vùng đất phương Nam đẹp giàu, trù phú”.

Cuộc đời bất ngờ của 'ông hoàng dòng nhạc Mưa bụi' Đình Văn

Từng được săn đón như Lý Hùng, Diễm Hương Nhớ lại thời kỳ Mưa bụi, Đình Văn cho rằng đó là thời kỳ hạnh phúc nhất của đời anh. Tuy nhiên, anh lại không quan trọng mình đang ở vị trí nào. Dù là đỉnh cao vinh quang hay chỉ ngày đêm cần mẫn đi hát ở những tụ điểm nhỏ, chỉ cần ở đâu còn khán giả, thì Đình Văn còn đem tiếng hát của mình để phục vụ những người yêu mến: “Trước khi đến với Mưa bụi, tôi từng đoạt nhiều Huy chương vàng các cuộc thi ca khúc quần chúng chính trị. Ngày đó, phong trào ca khúc chính trị lớn lắm, chính NSND Trung Kiên đã chấm Huy chương vàng cho tôi. NSND Trung Kiên có nói một câu mà tôi nhớ mãi, là anh này cái giọng còn phải xem xét nhưng cái hồn khi hát thì rất tốt. Sau thời kỳ ca khúc chính trị, đi thi hát suốt, thì tôi mới tham gia vào Mưa bụi. Âm nhạc, với tôi giống như cuộc dạo chơi, đi đến đâu vui đến đó, khi qua gia đoạn đó thấy bình thường vì quan trọng hào nhoáng của người nghệ sĩ. Âm nhạc đơn giản chỉ là sự thoả mãn tâm hồn yêu nhạc của tôi và tôi đã đạt đến điều cần đạt. Tôi cũng giống như người leo núi, khi leo đến nơi mình muốn rồi thì thanh thản, không nuối tiếc. Tôi chờ những người phía sau leo lên”. Thời điểm Mưa bụi thịnh hành cũng chính là thời của Lý Hùng – Diễm Hương với Phạm Công – Cúc Hoa. Khi Lý Hùng quay phim ở Vinh thì cả thành phố đóng cửa để đi xem Lý Hùng. Sự ái mộ của khán giả dành cho các ca sĩ Mưa bụi cũng tương tự như vậy. Đến nỗi các anh bảo vệ khách sạn phải nói rằng: “Các anh đến đây quý quá vì bọn em được gặp thần tượng. Nhưng các anh ở đây một tuần thì bọn em hốc hác hết, vì phải canh người hâm mộ đến mất ăn mất ngủ luôn”. Nếu như Làn sóng xanh chỉ trụ được ở cung Hữu nghị (Hà Nội) cao lắm là một tuần, thì Mưa bụi từng ròng rã biểu diễn ở đó ba tháng không nghỉ một đêm nào. Sau ba tháng diễn, đoàn về nghỉ khoảng hai tháng rồi lại quay lại với 90 đêm liên tiếp. Đình Văn tự tin cho rằng: “Thời kỳ đỉnh cao là những năm 1994-1996, tôi dám nói là không chương trình nào địch lại mưa bụi, kể cả có sự xuất hiện của Đàn Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Thanh Lam hay Hồng Nhung đi chăng nữa. Đó cũng là thời kỳ làm giàu của phe vé chợ đen”. Khi lửa lòng thôi không còn Sau thời gian đi diễn tỉnh quá nhiều, đặt chân đến mọi miền tổ quốc, suốt trong Nam ngoài Bắc, Đình Văn thấy rằng anh cần phải dừng lại. Bởi người nghệ sĩ không phải là một cỗ máy để bất cứ khi nào cần cũng có thể hát được. Nghệ thuật là thứ thuộc về tâm hồn, mà nếu tâm hồn bản ngã có thông suốt, thì mới có thể chạm đến những tâm hồn khác được: “Sau quãng thời gian huy hoàng đó, tôi chỉ đi tham gia hát lại những bài hát mà người ta yêu mến rồi viết nhạc và dạy học trò. Tôi đã viết nhiều ca khúc, có những bài khán giả vẫn được nghe như Nội ơi do Đan Trường hát hay Thương áo bà ba do Cẩm Ly hát…. Nói chung, sự xuất hiện của tôi cũng không đều đặn”. Kể từ đó, người hâm mộ lại chứng kiến Đình Văn trong một vai trò mới: nhạc sĩ. Lấy chất liệu từ chính trên mỗi nẻo đường anh đi qua, Đình Văn có rất nhiều cảm hứng để viết nên những ca khúc về những câu chuyện có thật xung quanh anh.

Cuộc đời bất ngờ của 'ông hoàng dòng nhạc Mưa bụi' Đình Văn

Từ năm 2000 cho đến nay, Đình Văn đã sáng tác hơn 100 ca khúc, một số gắn liền với tên tuổi các ca sĩ như Xóm nhỏ – Quang Linh, Thương áo bà ba – Cẩm Ly, Ba người bạn – Ưng Hoàng Phúc. Một điều đáng nói, Đình Văn ít khi đưa những cảm xúc đau buồn, uỷ mị vào trong những sáng tác của anh. Anh cho biết: “Tôi ngại viết những ca từ quá đau buồn vì cuộc tình tan vỡ. Bởi cuộc tình nào dù không còn bên nhau thì vẫn đẹp như một kỷ niệm. Tại sao phải chà đạp kỷ niệm mà không nâng niu?”. Chắc chắn với những người từng yêu mến Đình Văn cũng như âm nhạc Mưa bụi, mọi người đều rất mong chờ một ngày nào đó, những nghệ sĩ một thời sẽ cùng nhau tái hợp, thực hiện một liveshow để nhớ lại những ngày tháng rực rỡ đã qua. Tuy nhiên, do Tài Linh đã quyết định định cư ở Mỹ, các nghệ sĩ còn lại cũng mỗi  người một nơi, và nhất là bây giờ nhiều liveshow quá, ca sĩ mới đi hát cũng có liveshow riêng nên Đình Văn không muốn làm. Quan trọng hơn tất thảy, Đình Văn chia sẻ rằng: “Có lẽ là lửa lòng thôi không còn nữa, mình đã có một thời gian tốt đẹp rồi nên lười biếng. Những gì vinh quang cũng đã qua rồi. Tôi có những vấn đề riêng nên chọn cho mình cách sống ẩn dật. Trước đây, tôi đã hát mười mấy năm trời, đã làm tròn nhiệm vụ của mình nên giờ chỉ nhường sân khấu lại cho lớp trẻ. Nếu chương trình nào ở Hà Nội mời thì tôi vẫn đi, vì tôi cảm nhận khán giả Hà Nội còn sự thâm thuý, sâu sắc, còn yêu dòng nhạc mà tôi theo đuổi”. Kết hôn muộn màng vào cuối năm 2011, Đình Văn vẫn kiên quyết chọn cho mình một cách sống ẩn dật. Để nếu có khán giả nào chợt nhớ lại Mưa bụi, họ sẽ phải lục tìm lại quá khứ, và lục tìm lại những vinh quang mà Đình Văn cùng các bạn diễn đã đem đến một thời, thứ vinh quang đến từ tài năng chân chính.

Theo Hân Lê/VTC