Thấy gì từ việc ‘American Idol’ hồi sinh chỉ sau một mùa ‘ngừng sóng’?

Sau khi “American Idol” bị khai tử và trải qua một mùa ngừng lên sóng, giờ đây, chương trình này đã lại rục rịch cho ngày trở lại vào năm 2018. Sự hồi sinh nhanh chóng, bất ngờ của “American Idol” cho thấy điều gì?

Các chương trình truyền hình thực tế đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống giải trí tại Mỹ nói riêng và nhiều quốc gia khác trên thế giới nói chung trong vòng hai thập kỷ qua. Dù vậy, một điều có thể nhận thấy là mức độ hấp dẫn của các chương trình này đối với khán giả đang ngày càng sụt giảm.

Nhưng dù không còn ở thời kỳ hoàng kim gây sốt nữa, thì các chương trình truyền hình thực tế vẫn là món ăn không thể thiếu của bữa tiệc truyền hình và có lẽ sẽ không bao giờ vắng bóng khỏi truyền hình, ít nhất là trong tương lai gần. Khi chương trình tìm kiếm tài năng ca hát “American Idol” chia tay khán giả, nhiều người đã nghĩ về cái kết của truyền hình thực tế.

Nhưng chỉ sau một mùa ngừng lên sóng (năm 2017), giờ đây, “American Idol” đã rục rịch chuẩn bị trở lại với khán giả màn ảnh nhỏ vào năm 2018, chỉ có một sự đổi khác là thay đổi nhà đài sản xuất chương trình. Sự nhanh chóng “sống lại” của “American Idol” cho thấy rằng truyền hình và khán giả thực ra vẫn chưa thể nào từ bỏ những chương trình truyền hình thực tế.

Mới đây, một đài truyền hình của Mỹ đã tuyên bố sẽ đưa chương trình tìm kiếm tài năng ca hát “American Idol” trở lại với khán giả. Kể từ khi bắt đầu lên sóng tại Mỹ hồi năm 2002, “American Idol” đã trở thành một chương trình truyền hình thực tế có tính hiện tượng trên thế giới, từng là “vua” của các show truyền hình thực tế tại Mỹ, với trung bình hơn 30 triệu lượt xem mỗi tập phát sóng ở thời kỳ hoàng kim.

Nhưng cũng giống như nhiều chương trình truyền hình không dựng sẵn kịch bản khác (chương trình thực tế), tỉ suất người xem của “American Idol” đã sụt giảm mạnh trong vài năm gần đây, đó là lý do tại sao đài truyền hình từng phát sóng chương trình từ năm 2002 đến năm 2016 đã quyết định ngừng sản xuất.

Nhưng ngay cả khi đã ở vào giai đoạn “phong độ tệ nhất”, “American Idol” vẫn cứ là một chương trình nổi tiếng, và nó chắc chắn sẽ không bị “đắp chiếu” quá lâu, bởi ngay cả trong mùa giải có tỉ suất người xem thấp nhất, con số ấy vẫn đủ sức để giúp “American Idol” trở thành chương trình “hot” hàng đầu của nhiều đài truyền hình lớn nhỏ khác.

Sau khi nhà đài sản xuất “American Idol” từ năm 2002 quyết định cho ngừng show, ngay lập tức đã có nhiều nhà đài khác liên hệ bày tỏ ý muốn mua lại bản quyền phát sóng chương trình.

Lý do dẫn tới sự sụt giảm mức độ phủ sóng của truyền hình thực tế rất đa dạng: Những chương trình được dựng sẵn kịch bản đang ngày càng trở nên ấn tượng về nội dung. Các chương trình truyền hình thực tế (không dựng sẵn kịch bản) lại đang dần đi vào lối mòn khi không tìm ra được những ý tưởng mới đột phá cho nội dung chương trình…

Quan trọng nhất, đó là khán giả đã dần “phát ngán” những chương trình thi thố khi kịch tính nhiều khi bị đẩy lên thái quá và ý tưởng của các chương trình cũng “na ná” nhau. Những chương trình thực tế về ca hát, nhảy múa, tìm kiếm tài năng… phủ sóng dày đặc với mỗi mô-típ chương trình đều có tới vài phiên bản tương tự phát trên các kênh.

Hiện tại, khi “American Idol” đang được chuẩn bị cho ngày trở lại, nhà đài vừa mua thành công bản quyền phát sóng chương trình sẽ phải tìm ra một cách nào đó để tạo cho chương trình một diện mạo mới, để hấp dẫn những khán giả mới.

Ngoài ra, chương trình cũng vẫn cần phải giữ lại những nét quen thuộc để tiếp tục hấp dẫn những người xem cũ. Cuộc chơi “cân bằng cũ – mới” này rất khó khăn, nhưng rõ ràng nhiều nhà đài vẫn muốn giành về mình cơ hội thử sức bởi họ tin rằng “American Idol” ngay cả khi đã qua thời kỳ đỉnh cao vẫn xứng đáng để họ mạo hiểm thử sức.

“American Idol” khó lòng có thể trở lại thời kỳ hoàng kim như trước đây, đó là điều dễ nhận thấy. Và các chương trình truyền hình thực tế nói chung giờ đây cũng chỉ có thể sống trong cái bóng của chính mình so với thời kỳ truyền hình thực tế mới xuất hiện và tạo thành cơn sốt rộng khắp trong khán giả.

Dù vậy, truyền hình thực tế vẫn cứ là một mảng quan trọng của nền công nghiệp truyền hình và có thể kể từ nay cho tới nhiều năm về sau, truyền hình thực tế sẽ tiếp tục là một mảng không thể thiếu của truyền hình. Ít nhất cho tới lúc này, chúng ta vẫn chưa thể nào từ giã truyền hình thực tế, bằng chứng là “American Idol” đã trở lại chỉ sau một mùa ngưng phát sóng.

Bích Ngọc
Theo Quartz/Dân Trí