‘Ông bầu’ Quang Huy: Nhiều năm sau cũng không có ai như Sơn Tùng

Cùng với Công ty WePro, Quang Huy là “ông bầu” của nhiều “hiện tượng” trong làng giải trí nhạc Việt.

Quang Huy xuất hiện tại V-pop như một cơn gió khác lạ. Cùng với Công ty WePro, Huy là “ông bầu” của nhiều “hiện tượng” trong làng giải trí nhạc Việt: Ưng Hoàng Phúc, nhóm HAT, Weboys, Phạm Quỳnh Anh ngày trước và bây giờ là Sơn Tùng M-TP. Mỗi “hiện tượng” ấy luôn gây nên nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, trong và ngoài làng nhạc. Còn với ông bầu 8X này cũng vậy, luôn có người yêu, kẻ ghét, song không ít người phải thừa nhận sự thành công của anh. Còn Quang Huy sẽ giải thích điều này như thế nào? Giải trí phải có cơ chế tuần hoàn máu Trước đây V-pop hay nói đến Hoàng Tuấn – Tuấn Thaso như là một người phát minh ra mô hình thành công, với sản phẩm tiêu biểu Đan Trường. Nhưng giờ đây anh đã chiếm vị trí này rồi! Nếu nói về mô hình hoạt động thì chưa bao giờ V-pop có một mô hình hoạt động chuẩn cả. Trước năm 2001 nó đã từng có một mô hình ví dụ như thời kỳ đầu của Duyên Dáng Việt Nam, thời băng đĩa “Thì thầm mùa Xuân”, “Unbreak My Heart”. Nhưng rồi sau đó nó thiếu hẳn một lực lượng kế thừa. Những người ra đi để lại những lỗ hổng quá lớn. Buồn cười là sau nhiều năm, thiết bị đi lên, còn chất lượng con người thì đi xuống. Chính vì thế, hôm nay, nó mới sinh ra những show ca nhạc rập khuôn không có hồn, do không có đạo diễn thật sự, không có ê-kíp sáng tạo đủ mạnh cho một show. Khán giả sẽ tự nói: Hôm nay không xem được thần tượng ở show này thì ngày mai chắc chắn sẽ xem được ở chỗ khác, với nội dung y chang nhau. Ông bầu Quang Huy Nhiều năm sau cũng không có ai như Sơn Tùng Nhưng tại thời điểm 2001 khi thành lập Công ty WePro anh đã không giấu quan điểm “mang đến thứ thị trường sẽ cần”? Năm 2001 WePro chưa có gì khác biệt. Lúc ấy tôi vừa khởi nghiệp với 17 triệu đồng trong tay. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, nếu anh không có một thị trường đại chúng, thì anh sẽ khó có thị trường khác cao hơn. Và rồi khi người ta “nhận diện” Quang Huy là đại chúng bình dân thì tôi chấp nhận. Vì đối với tôi lúc đó, ai chê tiền thì cứ chê, nhưng WePro phải kiếm tiền. Ngành công nghiệp giải trí ở thời điểm đó phải có hệ tuần hoàn máu thì cơ bắp của nó mới có thể khỏe mạnh. Dòng tiền chính là dòng máu cần phải được lưu thông, tiền phải vào thì mới đầu tư ra được. Và vì thế tôi nghĩ đến giới trẻ. Lúc đó âm nhạc đang dành nhiều cho phân khúc 25-35 tuổi. Có nghĩa là, thế hệ nhỏ hơn, 13-24 tuổi, đang nghe nhạc “ké” của thế hệ kia mà thôi. Mà lớp trẻ này có rất nhiều thứ có thể phục vụ được họ và quan trọng hơn, đó là lứa tuổi luôn chủ động thay đổi. Thay da đổi thịt thì phải là người trẻ. Họ chịu trả tiền cho cái mới. Dòng sản phẩm cho phân khúc này đang thiếu. Thứ đến, tôi phải nghĩ xem họ đang, sẽ cần cái gì và đang, sẽ chuộng cái gì. Cần biết rằng, nếu thị trường đã có “xu hướng” anh bập vào là sẽ trở thành người đến sau. Vấn đề là phải tìm ra nhu cầu đang ẩn sâu trong công chúng, cái nhu cầu chưa từng được nói ra, chưa từng được diễn giải. Bởi nếu họ nói ra rồi, anh không còn là người đầu tiên nữa. Tức là lúc ấy, WePro vẫn chưa có hình mẫu cụ thể? Đúng, lúc ấy chúng tôi chưa có nhiều lựa chọn trong việc tìm những hình mẫu mô hình làm việc. Lúc ấy, chúng tôi bản năng hơn bây giờ, tức là dùng cảm tính và cả sự linh cảm thị trường. Và rồi Ưng Hoàng Phúc đã xuất hiện rất thành công… Lúc ấy, thị trường đang vào cơn khát, cái chính là chúng tôi thấy được họ đang khát, và tôi nhanh chóng đưa cho họ chai nước trong khi phần lớn cho rằng thị trường đang bão hòa, tức là đang “no”. Vấn đề ở đây là gì? Nếu anh bảo anh khát, tôi sẽ đưa anh chai nước, nhưng khi đó có thể sẽ có cả 10 người, 100 người cùng đưa. Vậy người thắng sẽ là người đưa ngay cho anh chai nước khi mình nhận ra rằng, môi họ đang khô, điều đó cho ta hiểu rằng họ sắp khát. Họ có thể chưa uống nhưng họ sẽ uống chai nước của tôi khi cơn khát ập đến. Thời điểm đó vì không ai nhìn thấy cơn khát đó hoặc thấy mà không dũng cảm để làm nên có thể WePro thành công theo hướng ấy. Không ai gọi rõ tên của thời kỳ ấy là gì, đó chính là thời kỳ của cơn khát thần tượng. Thời điểm 2001 trở đi, chúng ta có ai? Trong khi giới trẻ thời nào cũng cần thần tượng đích thực, họ cần một người dẫn dắt họ về lối sống, thời trang, về kiểu tóc… Mà 15 năm trước, chữ “thần tượng” cũng bị bài xích ghê gớm lắm. Cho nên không phải mình WePro đâu, nhiều người muốn làm lắm nhưng họ sợ bị xem là làm thứ nghệ thuật thấp cấp. Còn tôi thì tôi cứ dấn thân thôi. Nhu cầu có và tôi sẽ đáp ứng. Tại sao chúng ta luôn phải nhường sân cho những thần tượng đến từ Hong Kong, Hàn Quốc, Âu Mỹ? Ông bầu Quang Huy Nhiều năm sau cũng không có ai như Sơn Tùng Thêm vào đó, ở thời điểm ấy, công chúng trẻ đã ngán những hình ảnh trừu tượng rồi. Những MV kiểu chim công, quả cầu, con chim bay qua bãi biển đã chán lắm rồi. Công chúng cần hình ảnh cụ thể hơn và phải thấy rõ dấu ấn cá nhân hơn. Tức là như khi nhìn vào thần tượng, thì đó không phải là thiên thần hay đại bàng nữa mà đó chính là hình ảnh hiện thực của thần tượng ấy. Vì thế Ưng Hoàng Phúc mới xuất hiện được. Bởi cậu ấy khác biệt về hình ảnh, mạnh mẽ hơn rất nhiều người khác. Cái tiếp theo, chính là “keyword”. Anh cứ để ý mà xem, trong tất cả những câu chuyện, trên bàn nhậu thể nào cũng có ông chỉ mặt ông kia và bảo “thằng này không phải dạng vừa đâu”… Những lời thoại trong phim, trong bài hát đã đi vào cuộc sống. Chuyện đó bây giờ là rất bình thường. Nhưng ngày xưa, nó là đầu tiên. Hồi đó những “keyword” kiểu như “Thà rằng như thế”, “Hứa thật nhiều thất hứa thật nhiều”… đã thấy ở khắp mọi nơi. Và khi mọi người nói những câu đó ra, có nghĩa là gián tiếp cái tên Ưng Hoàng Phúc đã hiện diện. Mà bây giờ tôi mới thoải mái nói ra điều này. Ngày xưa mà nói ra y như rằng sẽ có người bảo tôi rằng “thằng này chợ búa quá!”. Có sự khác biệt chiến lược nào giữa Sơn Tùng của hiện tại và Ưng Hoàng Phúc ngày xưa? Chiến thuật thì đúng là có khác nhiều. Ngày xưa tôi sẽ lên chiến thuật cho một trận đấu và để ra sân xem đá như thế nào rồi về tính sau. Còn thời điểm này thì tôi đá trận này nhưng đã nghĩ cho 9 trận sau rồi. Thế nên sẽ có những trận thắng giòn giã và cũng sẽ có những trận nương chân dưỡng sức. Vậy Sơn Tùng đã đoạt được cúp chưa? Lúc này thì chưa. Tùng chỉ có những trận thắng lớn và những trận đấu đẹp thôi. Còn lãnh cúp hay không thì phải đợi đến cuối mùa. Ngày xưa Ưng Hoàng Phúc là sự khác biệt của thị trường, còn bây giờ, sự khác biệt của Tùng là gì? Cũng vẫn phải là khác biệt, là công tác tô đậm sự khác biệt sẵn có của Sơn Tùng. Tùng vốn đã khác biệt trước đó rồi. Thời điểm vàng giải trí Khái niệm thành công trong việc quản lý ca sĩ của anh là gì? Là tối đa hóa cái năng lực mà người nghệ sĩ đó có. Còn chiến lược của tôi đến bây giờ, nghĩ lại thì tôi thành công với những chiến lược tầm trung còn ở tầm dài thì tôi bị “rớt” ở một vài thời điểm. Nhưng tôi bị rớt là do mình chưa học đủ võ. Mà tôi nghĩ là do đi nhanh quá. Vì mình không đủ võ nên đoán định thời điểm không chính xác. Khi niềm tin vào bản thân mạnh quá thì mình sẽ tin những gì mình nhìn thấy. Nhưng mà đôi khi niềm tin đó nó làm mình mất đi câu hỏi là “Khi nào nó xảy ra” hoặc “Nó sẽ xảy ra như thế nào?”. Đúng là rủi ro cao. Đến bây giờ thì đã sẵng sàng lại chưa? Bây giờ tôi có thể nói đây là thời điểm vàng cho giải trí, có thể nhìn những tầm nhìn xa được rồi. Nhưng sao nhiều người lại cho rằng đây là thời điểm bão hòa? Âm nhạc là nhu cầu muôn đời của thị trường, anh có thấy người ta không nghe nhạc nữa không? “Không có trứng thì sẽ không có ốp-la”, tôi nói thời điểm vàng là bởi bây giờ thị trường đang vào giờ “dùng bữa”. Bây giờ là 10h sáng, tôi sẽ hỏi anh ăn gì vào lúc 12h trưa để tôi nấu hoặc tôi sẽ tự điều tra xem khẩu vị của anh là gì và tôi phục vụ. Chứ đợi đến 12h, anh đã có người khác phục vụ rồi thì còn gì để nói nữa? Thời điểm vàng nghĩa là thời điểm để ta bắt đầu để xây. Nhưng bão hòa ở chỗ, ở vương quốc này chưa bao giờ có người muốn xây. Anh có thấy là có rất nhiều người một thời thành đạt trong thế giới giải trí này nhưng rồi họ đi đâu mất không? Họ không chết đâu. Họ chỉ nhảy vào ngành này kiếm một mớ rồi lại nhảy ra làm cái khác không liên quan đến giải trí. Nên cái ngành nó èo uột hoài là vì vậy, người ta đến để hái quả chứ chẳng ai đến để gieo trồng cả. Vậy V-Pop đang thiếu điều gì? Hai thứ: Là sharing (chia sẻ) và cống hiến. Bạn đang ăn hết cái miếng phô-mai mà bạn không biết. Đó là lý do thị trường bão hòa, ai cũng có tâm lý ăn xổi cả. Ở Việt Nam, anh chỉ lo ăn miếng phô-mai đó mà quên đi kiếm thêm, đó là thiếu cống hiến. Có bao giờ anh nghĩ rằng: Suốt 15 năm làm âm nhạc nhưng chưa có giải thưởng nào. Chuyển qua làm phim một phát thì lại có vô số… Tôi không nghĩ gì, đó là chuyện bình thường. Tôi không chiến đấu vì mục tiêu đó, anh nghe buồn cười phải không? Nhiều người nghe câu này chắc sẽ cũng bảo “thằng này xạo lắm” nhưng thật sự thì tôi thích tạo nền công nghiệp giải trí đúng nghĩa. Chỉ thích chơi “game” đó thôi, nó to hơn tất thảy những thứ đang có bây giờ. Sơn Tùng cũng sẽ là của hiếm, theo anh? Sơn Tùng là một nghệ sĩ rất đặc biệt, nhiều năm trước đến nhiều năm sau cũng khó mà thấy được. Như Mỹ Tâm đó, hơn chục năm nay chẳng có ai đặc biệt hơn cô ấy cả. Vậy những nhận xét mới đây của Tùng Dương về Sơn Tùng thì anh đánh giá thế nào? Tôi thấy bình thường, nó tạo thêm hấp dẫn. Giống như bóng đá mỗi cuối tuần đều có trận bóng vậy những ngày thường anh xem gì? Xem những tranh cãi giữa các cầu thủ hoặc các huấn luyện viên trên mặt báo. Showbiz thì nó phải vậy, một ngành mang nhiều màu sắc, nó nhiều gam màu khác biệt. Nếu làm cản trở gam màu khác thì sẽ làm cho cái ngành này nó dở đi. Hỏi thật, làm sao anh có thể kéo Sơn Tùng về được phía mình? Dùng từ “kéo” thì nó không đúng bản chất của câu chuyện. Bản chất câu chuyện đơn giản là Sơn Tùng khao khát có một mô hình khác. Còn đối với riêng tôi thì tôi luôn mong muốn làm điều khác biệt. Nhưng một người quản lý không thể tự làm được sự khác biệt được mà phải có một tài năng đủ khát khao, đủ dũng cảm mà Sơn Tùng thì rất dũng cảm. Anh thử xem, một người trẻ mà ngày nào mở báo ra cũng bị chửi thì tâm trạng sẽ thế nào? Anh có nghĩ mình là một ông bầu khác lạ? Tôi khác bởi xung quanh showbiz là những điều quá đỗi bình thường. Tôi không chọn một cuộc sống của giới showbiz, tôi thức dậy vào mỗi sáng sớm, cà phê, đọc báo rồi vào bàn làm việc từ rất sớm thay vì bình minh vào giữa trưa và lên giường vào sáng sớm hôm sau như giới showbiz. Tôi luôn quan sát thị trường nhạc trẻ nhưng không thích ngồi đấu láo với dân trong nghề. Tôi thích quan hệ với ai mình có thể học hỏi được, và điều đó tôi tìm thấy ở những người bạn trong những ngành nghề khác. Tôi luôn tin ngày mai của tôi là trung bình cộng của những người bạn của mình, nên tôi quan hệ với những nhóm bạn mà ở đó là mình non kém nhất, nghèo nhất thay vì được xưng tụng ông bầu này hay đạo diễn nọ. Showbiz hay có những cuộc vui ngoài lề mà ở đó có thể tung hô nhau và nói xấu người này, chê bai kẻ khác. Những cuộc chơi đó, không bao giờ có tôi.