Nhạc sĩ Quốc An: ‘Sáng tác quá nhiều, ca sĩ trẻ gặp bế tắc về ca từ’

Tác giả “Cây đàn sinh viên” cho rằng, việc thiếu trải nghiệm cuộc sống và kiến thức âm nhạc khiến nhiều tác giả trẻ dễ rơi vào việc vay mượn.

 Thời gian qua khán giả ít thấy cái tên Quốc An xuất hiện, anh đang làm gì?

– Nhiều năm nay tôi chủ yếu sáng tác nhạc phim và gây dựng phong trào văn nghệ cho một số đơn vị. Tôi dựa trên cốt truyện của phim để sáng tác bài hát nhưng cũng chú ý tính độc lập của ca khúc để ca sĩ sau đó có thể đưa vào album. Nhờ đó mà ca sĩ sẵn sàng hát không cát-xê cho tôi. Với mỗi bài hát viết cho phim, tôi được trả trên dưới 20 triệu đồng. Trừ chi phí phòng thu, làm nhạc, tôi thu về chừng 10-15 triệu đồng.

Nhiều nhạc sĩ cùng thế hệ với tôi hiện sống bằng sáng tác ca khúc cho phim. Đáng buồn là vì mưu sinh, một số nhạc sĩ tự hạ thấp thù lao sáng tác. Tôi may mắn liên tục nhận được hợp đồng nên thu nhập vẫn ổn định.

1234756-229328667223020-131351-5112-4337

Nhạc sĩ Quốc An.

– Anh so sánh thế nào về thù lao viết nhạc phim với lợi nhuận từ việc sáng tác các ca khúc thời kỳ “Làn sóng xanh”?

– Khi sáng tác những bài hit qua giọng hát Mỹ Tâm như Cây đàn sinh viênHát với dòng sông, Ánh sao buồn… tôi không hề có tiền tác quyền. Thậm chí, khi các ca sĩ hát ca khúc của tôi ở phòng trà, nếu cùng gia đình tới xem, tôi phải mất vài trăm nghìn tiền vé. Nên không thể so sánh thù lao của việc viết nhạc.

Thời kỳ đó tôi sống khỏe nhờ chơi nhạc. Ban nhạc của tôi thường chơi tại các nhà hàng, khách sạn lớn tại TP HCM. Những năm cuối thập kỷ 2000, lương mỗi nhạc công được 600 USD là ghê gớm lắm.

Khi Sở Văn hóa TP HCM ra quyết định không cấp phép biểu diễn, sản xuất cho đơn vị, cá nhân nếu họ chưa trả thù lao tác quyền, chúng tôi mới được thụ hưởng. Thời gian đầu, thù lao ít, chừng vài trăm nghìn đồng một quý. Hiện tại tiền tác quyền một quý của tôi dao động từ 18-20 triệu đồng.

– Lâu rồi không thấy sáng tác mới của anh, vì sao vậy?

– Sau khi đoạt giải Làn sóng xanh năm 2002 và 2003, tôi vẫn viết đều. Việc các ca khúc viết sau không được phổ biến rộng rãi hoặc gây tiếng vang, tôi nghĩ, do cái duyên của nhạc sĩ và ca sĩ chưa đến. Không nhạc sĩ nào sáng tác 10 bài thì cả 10 bài đó đều nổi. Gặp đúng ca sĩ và thời điểm thích hợp, tác phẩm mới thăng hoa. Thời điểm tôi viết Cây đàn sinh viên, Mỹ Tâm thường biểu diễn ca khúc đó cùng những sáng tác khác của tôi trong những show diễn tại các trường đại học khắp cả nước. Hiệu ứng của bài hát vì thế được lan tỏa.

Anh nghĩ sao nếu nói anh chưa có duyên với ca sĩ trẻ do gu sáng tác của anh đã lỗi thời?

– Tôi thấy mình không lỗi thời. Nhiều ca sĩ trẻ vẫn tìm đến nhờ tôi đào tạo, giúp thu âm, ra sản phẩm. Tuy nhiêu, không phải với ai tôi cũng nhận lời. Làm ca sĩ phải có điều kiện kinh tế và năng khiếu ca hát. Nhiều người có tiền nhưng không có năng khiếu, tôi không dám nhận.

Hiện tại, tôi vẫn nhận được đặt hàng sáng tác ca khúc từ ca sĩ trẻ. Có thể tôi làm giai điệu trẻ, sôi động nhưng với ca từ, tôi không chạy theo các bạn trẻ. Tôi chọn cách sáng tác phù hợp với gu thưởng thức của mọi lứa tuổi.

Gần đây, các ca sĩ trẻ tự sáng tác và hát rất nhiều. Đó cũng có thể là lý do giữa tôi và các bạn chưa có duyên gặp gỡ.

Anh đánh giá thế nào về việc các ca sĩ trẻ tự sáng tác?

– Có một số bài rất dễ thương nhưng một số bài nghe là biết các bạn không biết nhiều về nhạc. Do trải nghiệm chưa nhiều nên các bạn thiếu chất liệu cuộc sống để đưa vào ca khúc. Kết hợp với việc không hiểu biết thấu đáo về nhạc nên họ đọc Rap nhiều hơn là tạo những giai điệu trong tác phẩm. Khi những sáng tác chỉ khu biệt cho một lứa tuổi, một thế hệ, tôi nghĩ nó khó lòng tồn tại lâu với thời gian.

Tuy nhiên, ca khúc nào cũng có người khen, người chê. Bản thân tôi, dù có nhiều ca khúc liên tục vào top Làn sóng xanh, một số người lớn tuổi vẫn không thích.

10590580-10202439492977366-327-2022-7793

Quốc An (áo vàng) trong một buổi biểu diễn cùng ca sĩ Minh Tuyết (giữa).

Theo anh, hệ quả của việc tự sáng tác này là gì?

– Để sáng tác một bài, hai bài họ có thể làm được, nhưng đến bài thứ ba, thứ tư, tôi cho là họ sẽ bế tắc. Bởi họ không biết nhạc và không được đào tạo bài bản về sáng tác. Do đó, khi viết nhiều quá, ca từ trong bài hát có thể bị vay mượn. Thực tế là họ sẵn sàng vay mượn lại chính trong sáng tác trước của mình.

Bản thân tôi nhiều khi cũng bị bế tắc khi viết lời. Có thể tôi viết một đoạn, hai đoạn xong, nhưng sang đoạn thứ ba tôi bị bí ý tưởng.

Ca khúc là sự kết hợp nhịp nhàng giữa ca từ và giai điệu. Giai điệu phải súc tích, không được lê thê và ca từ phải phù hợp với giai điệu đó. Một bản giao hưởng khác hoàn toàn một bài hát. Đó là lý do vì sao có rất nhiều nhạc công giỏi, họ biết nhiều về giai điệu nhưng không bao giờ sáng tác ca khúc.

Châu Mỹ

Theo VnExpress