Long Halo: ‘Tôi hài lòng khi đứng sau thành công của Tóc Tiên’

Chỉ một lần xuất hiện trên sân khấu The Remix và ít được nhắc đến như Tóc Tiên, Hoàng Touliver nhưng Long Halo được xem là nhân tố giúp đội có phong độ ổn định. 

– Trong đội của Tóc Tiên, khán giả hầu như chỉ nghe nhắc đến ca sĩ và producer Hoàng Touliver. Nhiệm vụ của anh là gì? 

– Đội của tôi khá đặc biệt so với các đội khác là có đến hai producer. Anh Hoàng Touliver kiêm nhiệm cả vai trò DJ, trong khi tôi phụ trách riêng phần âm thanh cho tiết mục được trọn vẹn. Vai trò của tôi được dân trong nghề gọi là soundman (kỹ sư âm thanh live). Vì tôi bận hiệu chỉnh hệ thống âm thanh ở hậu trường, khán giả chỉ thấy có Tóc Tiên và Hoàng Touliver xuất hiện trên sân khấu.

Tôi chỉ “ra mặt” một lần trong tiết mục Em về tinh khôi của Tóc Tiên. Tôi đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia chuyên ngành Violin sau 15 năm đào tạo chính quy. Violin giống như một thứ tôi cất giấu cho riêng mình. Và trong The Remix, lần đầu tiên tôi đã mang “người bạn” đặc biệt này lên sân khấu.

– Cuộc thi này được ví như cơ hội giúp giới underground từ trong bóng tối bước ra ánh sáng. Cảm giác của anh thế nào khi không được thể hiện mình nhiều như hai đồng đội?

– Tôi vẫn là gương mặt xa lạ với nhiều người, nhưng tôi hài lòng khi đứng trong bóng tối hỗ trợ cho hai người bạn của mình thăng hoa. Hiệu quả công việc của tôi được đo đếm rất rõ ràng. Đội Tóc Tiên luôn được đánh giá cao với phần âm thanh ổn định, không có trục trặc kỹ thuật trong suốt từ liveshow một đến nay. Có thể khán giả sẽ ít nhận ra, nhưng điều đó cũng không quan trọng bằng việc được làm việc mình thích. Giới underground của chúng tôi cũng giống như cái tên, là những người nghệ sĩ thích làm nhiều hơn nói, thích bàn luận về chuyên môn hơn là những giá trị ảo.

IMG-9333-4325-1427737342.jpg

Long Halo – thành viên thứ ba của đội Tóc Tiên tại The Remix.

– Anh đã “khai thác” Tóc Tiên thế nào?

– Điểm mạnh của Tiên là phong cách biểu diễn. Mỗi khi lên sân khấu, ai cũng thấy cô ấy xinh đẹp và gợi cảm đến thế nào. Tiên có khả năng hát live tốt và có kinh nghiệm xử lý những vấn đề trên sân khấu. Điểm yếu của Tiên có lẽ là đã xa thị trường âm nhạc Việt Nam một thời gian dài và cần thời gian để hiểu rõ gu khán giả hiện tại.

Từ khi nhận lời hỗ trợ đội Tóc Tiên, tôi trăn trở về việc mình sẽ làm gì với một ca sĩ hải ngoại có phong cách âm nhạc mang đậm màu sắc quê hương, và tôi – một producer Việt đang sản xuất thứ âm nhạc của phương Tây. Đây là một bài toán khó khi cả hai đều có hình ảnh và phong cách khác biệt, cái tôi trong âm nhạc lớn. Ai sẽ phải theo ai và ai sẽ là người phải thay đổi? Câu trả lời của tôi là làm Tóc Tiên hiện đại hơn với những sound mới, những thể loại âm nhạc đi theo xu hướng mới nhất trên thế giới. Tôi và anh Hoàng bắt đầu bằng việc làm mới chính bài cũ của Tóc Tiên – Angel. Việc đó sẽ khiến Tóc Tiên cũng như fan của Tiên dần dần quen với hình ảnh mới mẻ nhưng vẫn là cô ấy.

– The Remix không chỉ là cuộc đọ tài của các ca sĩ mà còn có cả producer và DJ. Anh xem ai là đối thủ mạnh nhất cuộc thi?

– Với tôi, đối thủ “đáng gờm” nhất trong cuộc thi là nhóm của Sơn Tùng M-TP. SlimV là một người thông minh và có khả năng giải quyết được những bài toán khó. Tôi và SlimV là bạn thân và có thời gian dài làm việc cùng nhau, học cùng nhau nhiều môn học trong Học viện Âm nhạc Quốc gia, cùng làm nhạc với nhau từ lâu và cùng xây dựng một êkíp riêng ở miền Bắc. Đến với The Remix, cả hai quyết định không vào chung nhóm để có những trải nghiệm mới lạ hơn, tạo ra những sản phẩm âm nhạc mang màu sắc khác biệt so với những gì đã làm ở Hà Nội. Việc SlimV phải sớm dừng chân ở sân chơi này vì bệnh của Sơn Tùng là một điều rất đáng tiếc. Tôi biết, cậu ấy có rất nhiều “tuyệt chiêu” chưa tung hết ở The Remix.

– Cơ duyên nào đưa anh đến công việc producer? 

– Trước đây, tôi nghĩ mình sẽ gắn bó với Violin suốt đời. Mọi chuyện đã thay đổi khi tôi bắt đầu công việc trong phòng thu. Tiếp xúc với các ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất, mình học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm làm việc trong âm nhạc hiện đại. Tôi dùng kiến thức âm nhạc cơ bản và cổ điển được dạy trong Học viện làm nền tảng vững chắc để thỏa sức sáng tạo trong thể loại nhạc điện tử (EDM).

– Công việc này thử thách bản thân anh ra sao? 

– Một soundman như tôi phải tiếp xúc với âm thanh ở tần số lớn và liên tục. Tôi từng bị điếc một bên tai trong gần hai tháng, đó là khoảng thời gian tôi đã nghĩ đến cái chết. Sau đó, tôi phải cắt đứt hoàn toàn khỏi môi trường có âm thanh để chữa bệnh tụ máu trong tai. Rất may, sau đó tôi đã chữa khỏi và quay trở lại với nghề cho đến bây giờ.

Một sản phẩm hoàn chỉnh là nơi hội tụ chất xám của nhiều người, nhiều mắt xích kết hợp với nhau như sáng tác, hoà âm phối khí, ca sĩ, phòng thu, mix, master, truyền thông, chiến lược… Producer là người phải có kiến thức tổng hợp về tất cả những điều đó để tạo ra một cỗ máy thống nhất về ý tưởng cũng như phương thức hoạt động. Quan trọng nhất là niềm đam mê âm nhạc cũng như trí tưởng tượng phong phú. Anh phải sản xuất ra những bản nhạc nói lên được anh là ai, có câu chuyện để dẫn dắt khán giả với mở bài, thân bài và kết bài.

IMG-9349-7694-1427737343.jpg

Long Halo là người làm cầu nối cho Tóc Tiên và Hoàng Touliver trong The Remix. Bộ ba hứa hẹn gắn bó dài lâu trong các dự án âm nhạc tới của Tóc Tiên.

– EDM vẫn được nhiều người mặc định là dòng nhạc vũ trường. Anh nghĩ gì về những sân chơi chuyên nghiệp và nghiêm túc hơn dành cho giới underground? 

– Tôi chỉ làm việc trong phòng thu chứ không diễn bar nên cám dỗ có thể nói là… chưa có. Nhưng nhiều người bạn làm producer kiêm DJ của tôi, chẳng hạn như Hoàng Touliver, cũng không chơi ở bar mà chọn lọc những chương trình, khán giả yêu thích EDM để cùng nhau thăng hoa thật sự. Dòng nhạc EDM được nhiều người mặc định là dòng nhạc vũ trường nên những người làm DJ cũng gặp không ít định kiến, hiểu lầm. Thực tế, các lễ hội âm nhạc EDM vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay mỗi năm, nên sân chơi chuyên nghiệp dành cho anh em trong giới vẫn không nhiều. Trong khi đó, họ cần thu nhập để nuôi đam mê nên phải đi diễn bar.

Có một tin rất vui là không lâu nữa sẽ có lớp đào tạo về nhạc điện tử chính quy. Đó là tín hiệu cho thấy xã hội đã đón nhận nghề này một cách nghiêm túc và đúng đắn. Trước nay, anh em chúng tôi chỉ toàn mày mò, tự học chứ làm gì có thầy dạy. Giới producer Việt rất giỏi nhưng thiệt thòi là vậy.

– Anh đánh giá thế nào về cơ hội dành cho những người làm nhạc điện tử ở Việt Nam hiện nay?

– Nghề DJ đang là nghề “hot” trong giới trẻ. Thu nhập của các DJ ở các bar, beer club… không tệ, đó là chưa kể cuối tuần có thể “chạy show” nhiều nơi, đi diễn ở các tỉnh thành lớn như ca sĩ.

Nhưng đó chỉ là bề nổi của vấn đề. Chuyện bản quyền ở Việt Nam còn hết sức bất cập. Một album được phát hành chỉ nửa tiếng sau đã có thể dễ dàng download miễn phí ở các trang mạng. Nói làm giàu thì chưa, nhưng chúng tôi vẫn đang làm việc bằng đam mê, bằng niềm động viên là những cái bắt tay của những người yêu EDM khi show thành công. Đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc trong giới này, vì đam mê không nuôi nổi cuộc sống, họ phải chọn cho mình hướng đi khác.

***

Long Halo theo học âm nhạc năm 8 tuổi và đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia chuyên ngành Violin sau 15 năm đào tạo chính quy. Anh từng tham gia dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, dàn nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á, tham gia lưu diễn nước ngoài như Đức, Nhật, Thái Lan…

Từ năm 2005 đến nay, anh cùng tham gia các dự án âm nhạc của các nhà sản xuất Huy Tuấn, Lưu Thiên Hương, Tường Văn, Hồ Hoài Anh, Quốc Trung… đạo diễn Việt Tú, ca sĩ Lưu Hương Giang, Hoàng Hải, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Lê Hiếu,  Hoàng Thuỳ Linh…

Long Halo là đồng sáng lập dàn nhạc Rhapsody Philharmonic năm 2010, là dàn nhạc đầu tiên tại Việt Nam có biên chế không chỉ cho nhạc giao hưởng mà còn có band nhạc nhẹ, DJ… Năm 2012, anh sáng lập ban Master Fader gồm 5 producer được đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Vân An

Theo VnExpress