Livestream, quay lén trong rạp: Chuyện những người lỡ dại hay ý thức kém cỏi của cả thế hệ!?

Sự vụ livestream lén phim “Cô Ba Sài Gòn” mấy ngày qua một lần nữa dấy lên nhiều câu hỏi vốn đã tồn tại ở nước ta bấy lâu: đổ lỗi cho ai hay phải làm sao để ngăn chặn?

Mới đầu tuần nhưng khán giả lẫn người trong ngành phim ảnh, báo giới đã được một phen sôi sục vì nhân vật livstream lén phim Cô Ba Sài Gòn từ rạp chiếu. Sở dĩ vụ việc trở nên ầm ĩ là vì Ngô Thanh Vân, nhà sản xuất kiêm diễn viên của phim, không chỉ bình luận “Em làm vậy là đang giết chết phim Việt” vào video đó mà còn đăng đàn thể hiện bức xúc rằng có thể cô không sản xuất phim nữa, cũng như “mở bình chọn” để tìm ra hình thức xử phạt hợp tình hợp lý cho người này.

Chỉ là một sự việc tưởng chừng khá quen thuộc ở Việt Nam, nhưng nó được thổi bùng lên mạnh mẽ cũng là nhờ những cách mà Ngô Thanh Vân và ekip đã giải quyết nó. Từ việc bức xúc, “trưng cầu dân ý” cho đến cách mà không ít người phẫn nộ trước hành vi “ăn cắp chất xám”, có rất nhiều vấn đề đã tồn tại mà lí ra chúng ta nên quan tâm đến từ rất lâu.

Livestream, quay lén ở Việt Nam: Chuyện như “cơm bữa”

Livestream, quay lén trong rạp: Chuyện những người lỡ dại hay ý thức kém cỏi của cả thế hệ!? - Ảnh 1.

Trang cộng đồng livesteam bộ phim gây sóng gió hai ngày qua

Không phải đợi đến Cô Ba Sài Gòn hay Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua thì phim Việt mới bị livestream hay “giết chết” như cách nói của Ngô Thanh Vân, mà chuyện này diễn ra như “cơm bữa”. Không chỉ phim Việt mà cả phim Mỹ, phim Hàn, phim Trung đều đã từng bị “xâm hại” bởi những hành vi thiếu ý thức này. Chẳng qua là có những phim không đủ “hot” nên người ta không quan tâm. Nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là do không ai lên tiếng khi thấy những hành vi đó.

Lướt một vòng facebook khi vụ việc livestream Cô Ba Sài Gòn xảy ra, nhất là khi hình ảnh của người làm việc này được công bố, sẽ thấy rất nhiều lời chỉ trích cũng như căm phẫn trước hành vi này. Nhiều người thể hiện thẳng thừng sự bất bình, cũng như kêu gọi mọi người hãy có ý thức hơn về bản quyền. Việc này hoàn toàn rất nên làm, và Ngô Thanh Vân đã tạo ra được một làn sóng tích cực thực sự về ý thức bản quyền cho đại chúng, mặc dù vẫn có ý kiến cho rằng cô đang “drama hoá” sự việc này để bộ phim nổi tiếng hơn.

Livestream, quay lén trong rạp: Chuyện những người lỡ dại hay ý thức kém cỏi của cả thế hệ!? - Ảnh 2.

Ngô Thanh Vân, cái tên được nhắc đến liên tục trong những ngày qua thông qua vụ việc Cô Ba Sài Gòn

Nhưng, kể cả có lợi dụng việc này để quảng bá phim cũng không hẳn là vấn đề xấu. Cái hay nhất vẫn là việc tạo ra một sự tích cực trong ý thức bản quyền, thứ mà bấy lâu nay người Việt Nam luôn rất yếu. Nói đâu xa, trong chính những người lên án cậu bé sinh năm 1998 đã livestream bộ phim, đoan chắc không ít người từng từ chối ra rạp xem một phim nào đấy để chờ bản HD xuất hiện trên mạng, cũng như không ít người đã từng click vào xem một phim Việt nào đấy được lievstream vì lo ngại không biết phim đó có hay không.

Chẳng qua do Cô Ba Sài Gòn quá “hot”, lượng người chịu bỏ tiền ra rạp nhiều hơn nên người ta cảm thấy mình được quyền chỉ trích hành vi kia mà thôi. Phải, lên án chuyện “ăn cắp chất xám” là không sai! Nhưng nói “đụng chạm” một chút thì phàm là những người càng gay gắt với việc này thì đó chính là những người có ý thức bản quyền càng kém. Bởi trong một vài lần làm đúng, người ta mới hãnh diện vỗ ngực để quên đi rất nhiều lần làm sai, kể cả là cố tình hay vô tình. Bởi vì việc livestream vốn đã tồn tại từ lâu với hình thức là quay lén trong rạp, và nó phải là thứ khiến người ta đau đầu từ lâu rồi chứ không phải chuyện mới mẻ gì cả. Thế nên, trong sự việc này, những người càng có ý thức bản quyền, càng cảm thấy nó thật bình thường, vì bao lâu nay có được giải quyết triệt để đâu!

Tại sao phải phân vân trong việc xử lý vi phạm, trong khi đã có luật lệ rõ ràng?

Việc Ngô Thanh Vân “mở bình chọn”, thăm dò ý kiến mọi người về việc xử lý người lievstream bộ phim rõ ràng là một việc thừa thãi.

Livestream, quay lén trong rạp: Chuyện những người lỡ dại hay ý thức kém cỏi của cả thế hệ!? - Ảnh 3.

Vấn đề về luật lệ thì đã có công văn, giấy trắng mực đen, tại sao phải trưng cầu dân ý? Hãy để ý cách mà người ta quan tâm đến vụ việc này, bạn sẽ thấy có những điểm rất buồn cười. Hầu hết đều tò mò, thảng thốt khi biết người quay lén sẽ bị phạt hành chính lên đến hàng chục hay hàng trăm triệu, thậm chí là cấu thành luật dân sự và bị phạt tù. Người dân không rõ luật là một chuyện, quan tâm đến luật hay không lại là chuyện khác. Nhưng cái cảm giác “sự việc này nghiêm trọng quá” cũng là một câu hỏi. Dường như ai cũng đang thắc mắc liệu rạp chiếu, thậm chí là nhà sản xuất, có xử lý theo đúng luật không!? Rõ ràng là một câu hỏi không đáng hỏi! Nếu đã là một hành vi phạm pháp thì hãy xử theo luật pháp. Những sự việc này chỉ cần hợp lý, không cần hợp tình. Chính suy nghĩ “làm vậy có ác quá không?”, “chỉ là livestream thôi mà” đã chứng minh ý thức coi nhẹ bản quyền của người nước mình.

Vấn đề không phải về thất thoát tiền của nhà sản xuất, mà là ở cách số đông đang nhìn nhận chuyện này ở góc độ nào mà thôi. Cậu bé đó làm sai thì phải chịu hình phạt thích đáng, vì đây là hành vi phạm tội đã được quy định. Còn khán giả chỉ nên quan tâm đến việc bộ phim có còn bị quay lén không, tệ nạn này chừng nào mới được khắc phục chứ không phải việc cậu bé bị xử lý ra sao, vì cách xử lý vốn chỉ có một, càng nhân nhượng càng khiến mọi thứ trở nên lỏng lẻo. Càng không phải công bố danh tính hay mặt thật của người đó để mọi người lên án trong khi họ cũng không phải tội phạm truy nã hay tội phạm hình sự, những người lên án cậu ta cũng chưa chắc đã có ý thức tốt về bản quyền.

Livestream, quay lén trong rạp: Chuyện những người lỡ dại hay ý thức kém cỏi của cả thế hệ!? - Ảnh 4.

Nói chung, với những sự vụ quay lén này, phạt là phạt, chẳng cần hỏi ý kiến ai, càng kéo dài chỉ càng khiến người ta thấy mình đang lợi dụng vụ việc để đạt lợi ích. Cô Ba Sài Gòn là một phim tốt, tự thân nó nên được quan tâm về nội dung, thay vì những ồn ào.

Là lỗi của người quay lén, của rạp chiếu, hay của cả một ý thức hệ?

Người quay lén tất nhiên là có lỗi, không phải bàn cãi. Nhưng người của rạp chiếu có lỗi không? Tất nhiên là có, thậm chí là lỗi đi thành một dây chuyền.

Tưởng tượng bạn là một người đang có ý định quay lén trong rạp phim, tất nhiên bạn sẽ phải chọn một vị trí khuất và thao tác thật kín kẽ để quay được chất lượng tốt nhất có thể. Nhưng, thành công hay không nằm ở việc bạn có bị phát hiện hay không, và chuyện này thuộc về nhân viên rạp chiếu. Kể cả vấn đề ánh sáng trong rạp chiếu rất tối, nhân viên cũng hạn chế di chuyển để không che tầm nhìn nhưng đó là chuyện của nội bộ rạp.

Vấn đề quan trọng là người quản lý cho đến nhân viên có thật sự muốn kiểm soát tốt vấn đề quay lén hay không, hay chỉ suy nghĩ đơn giản kiểu bắt được thì bắt không được thì thôi, quay lén ở Việt Nam chất lượng xấu cũng không ảnh hưởng đến phim, phim tốt thì bị quay lén vẫn sẽ bán được vé, blah blah… rất nhiều lý do để nhân viên rạp coi nhẹ vấn đề này. Theo nguồn tin riêng, đã từng có tiền lệ người của nhà sản xuất phải cử người mua vé vào từng suất chiếu để quan sát và chỉ điểm người quay lén vì rạp phim không thực sự sát sao. Đó là chưa kể khi có ai đó bị bắt, họ có bị xử lý theo quy định hay không lại là chuyện đã bàn ở trên.

Phạm lỗi thì nên bị phạt!

Nếu bình tĩnh nhìn lại, chúng ta sẽ thấy người Việt Nam có ý thức rất kém về bản quyền. Người ta hồn nhiên chụp lại màn hình khi rạp đang chiếu phim để đăng lên mạng xã hội, ghi vài dòng kỉ niệm mà không hề nghĩ đó cũng là một hình thức vi phạm bản quyền. Nghĩ rằng một bức ảnh không thành vấn đề thì tất nhiên sẽ có lúc, có người nghĩ một đoạn phim cũng không thành vấn đề, rồi cả bộ phim cũng không thành vấn đề.

Không chỉ như thế, tại sao người ta phải quay lén, livestream? Sẽ có nhiều mục đích như kinh doanh hay chỉ đơn giản là “câu like”, nhưng vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ nếu không có người xem thì sẽ không có người quay.

Nói một cách huỵch toẹt thì đa số mọi người, không chỉ người Việt, đều thích những thứ miễn phí, tất nhiên. Nhưng, người Việt lại không được giáo dục một cách nghiêm túc về việc chi trả cho sản phẩm giải trí hay nghệ thuật. Thay vì mua bản quyền “Windows” thì tích cực đi tìm cách “crack”; tải nhạc “chùa” bằng mọi cách thay vì tốn vài đồng; lên mạng đọc truyện thay vì bỏ tiền ra mua sách; ngồi chờ trên mạng có bản HD (thật ra phim “hot” thì chất lượng thấp cũng được) thay vì tốn vài chục nghìn ra rạp. Tất cả những chuyện này đều là ví dụ cho ý thức kém cỏi về bản quyền, nhưng nó tồn tại hiển nhiên và rất rõ ràng trong nếp sinh hoạt của người Việt.

Những ca sĩ (trừ Mỹ Tâm) Việt Nam đều không quyết liệt trong việc bán bài hát, vì sợ khán giả không thèm mua. Các nhà phát hành sách, truyện nơm nớp lo sợ khi mua bản quyền một tác phẩm nổi tiếng về bán thì sẽ ế vì người ta đã lên mạng đọc “chùa” từ trước. Những nhà sản xuất phim phải dẹp luôn chuyện bán DVD vì doanh số thấp, và vì để tăng cơ hội bán vé. Rất nhiều những quyết định ra đời để chiều theo ý thức bản quyền kém cỏi thay vì làm căng để thay đổi. Trong cái khó luôn ló cái khôn, càng được nuông chiều người ta càng hư hỏng. Khổ nỗi minh chứng cho những câu nói này ở người Việt lại là những thói quen rất xấu xí như việc thích xem phim “chùa”, nên mới có người quay lén để kiếm lợi ích. Xấu hổ lắm thay khi cái “khôn ló” này là cái khôn… dại, khiến cả một thế hệ có ý thức kém.

Kết… nhưng cũng chưa biết được!

Hôm nay một cậu bé bị xã hội chỉ trích vì quay Cô Ba Sài Gòn, mọi người hô hào về bản quyền nhưng chắc gì ngày mai, ngày mốt không còn một người khác xuất hiện khi mà mọi thứ đều không được xem trọng và xử lý ráo riết. Một Ngô Thanh Vân đem chuyện này tạo thành một làn sóng cũng không đủ để tất cả mọi người nhận ra ý thức bản quyền quá kém của người Việt mới là vấn đề lớn nhất. Tất nhiên, so với một số nước thì trình độ kiếm lợi từ việc “ăn cắp chất xám” của nước mình còn quá non nớt, nhưng so về ý thức thì một khi đã xấu thì sẽ xấu đều như nhau.

Livestream, quay lén trong rạp: Chuyện những người lỡ dại hay ý thức kém cỏi của cả thế hệ!? - Ảnh 6.

Trưởng thành không bao giờ là quá muộn. Nói một cách lạc quan thì ít ra bây giờ người ta đã biết phẫn nộ vì có người quay lén phim trong rạp, còn hơn ai cũng xem đó không phải là chuyện của mình. Nhìn cách mà một bộ phận khán giả đang phản ứng dù hơi thái quá nhưng lại giống một đứa con nít mới được dạy về bản quyền, muộn nhưng cần thiết.

Nếu không có những sự vụ ầm ĩ thế này, không có những người như Ngô Thanh Vân biến chuyện mình thành chuyện số đông thì chắc đến vài chục năm nữa vẫn sẽ có người ngồi nhà đợi phim “chùa” được tuồn lên mạng.

Phúc Du

Theo Tri Thức Trẻ