‘Đất nước hạnh phúc nhất thế giới’ qua ống kính Ngọc Diễm

Dành gần một tuần ở Bhutan, Hoa hậu Du lịch 2008 đã có những ngày sống nhẹ nhàng và thú vị cùng người dân nơi đây.

dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem

Gần đây, các sao Việt có xu hướng tìm đến một điểm đến mới là đất nước Bhutan thanh bình, nơi được mệnh danh là “đất nước hạnh phúc nhất thế giới”. Trong chuyến đi hồi đầu tháng 9, Hoa hậu Du lịch Ngọc Diễm đã ghi lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong một tuần lễ khám phá quốc gia vùng Nam Á.

dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-1

Hoa hậu Du lịch 2008 có thói quen chụp nhiều ảnh, ghi lại cảm nhận và tư vấn cần thiết cho người xem. Lần này, cô một mình xuất phát từ Việt Nam, hội ngộ cùng những người bạn đồng hành ở Bhutan.

dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-the-gioi-qua-ong-kinh-ngoc-diem-2

Cô chia sẻ, một trong những điểm đến ấn tượng nhất mà du khách không nên bỏ qua ở Bhutan chính là Paro Taktsang (hay Taktsang Palphug theo tiếng bản địa), người dân địa phương còn gọi bằng tên Hang Hổ. Tu viện Paro Taktsang tọa lạc trên một vách đá granit cao ngất giữa tầng mây (độ cao 3.000 m so với mực nước biển) nhìn xuống thung lũng Paro.

dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-3

Bạn có thể tới đó bằng hai cách, leo bộ thẳng lên núi hay cưỡi ngựa tới một điểm rồi dừng để đi bộ tiếp. Dọc đường đi, du khách sẽ đi qua chặng đường dài qua nhiều nông trang và làng mạc mới tới được lối bậc thang lên đền. Trong một ngày, cô đã trekking 11 km để lên đến Tu viện Hang Hổ, khá vất vả nhưng rất xứng đáng.

dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-4

Ngọc Diễm chia sẻ cảm nhận, đời sống của Bhutan khá hiền hoà, nhẹ nhàng và thú vị. Người lớn tuổi dậy từ sáng sớm, lễ Phật tại nhà, cầu nguyện, sau đó đi làm, buổi chiều đi dạo bộ, buổi tối là thời gian dành cho gia đình. Nên trong những ngày lưu lại tại đây, cô cảm thấy rất thư thái, khỏe khoắn bởi nhịp sống chậm rãi, không xô bồ.

dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-8

Tuy nhiên, khách nước ngoài đến Bhutan không thể đi tự túc mà phải qua công ty du lịch và phải mua tour. Thông thường công ty du lịch sẽ tính phí của bạn theo ngày, khoảng 250 USD cho mùa cao điểm. Chi phí này bao gồm khách sạn, xe riêng, tài xế, hướng dẫn viên, ăn 3 bữa và cả phí vào tham quan du lịch (phí visa và vé may bay tính riêng). Chính điều này gây khó khăn cho du lịch bụi. Từ Việt Nam, giá tour phổ biến từ khoảng 50 triệu đồng cho 7 ngày.

dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-5

Để đến Bhutan, bạn phải quá cảnh một trong 3 địa điểm sau: Singapore, Bangkok hoặc Ấn Độ. Du lịch Bhutan hơi khó vì số chuyến bay đến với đất nước này không nhiều. Một ngày chỉ khoảng 2 chuyến bay quốc tế. Tốt nhất là bạn nên lên kế hoạch từ sớm để mua được vé máy bay.

dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-6

Những thành phố bạn nên đến tham quan là thủ đô Thimphu, thành phố Paro, Punakha và Bhumthang. Thông thường, bạn nên dành 2 ngày để đi tham quan hết một thành phố để có thời gian thư thả để chụp hình và trải nghiệm cuộc sống ở đây.

dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-10

Bên cạnh những trải nghiệm tuyệt vời, Ngọc Diễm cũng chia sẻ “điểm trừ” khi ở Bhutan như cơ sở vật chất đơn điệu, nghèo nàn. Sân bay quốc gia ở Paro nhỏ như sân bay địa phương Việt Nam. Giữa trung tâm thành phố còn nhiều căn nhà ghép tôn lụp xụp. Tiệm tạp hoá ở mọi nơi đều nhỏ, bán hầu hết là đồ nhập. Nhiều ngôi nhà trong những con đường nhỏ khá bẩn. Còn nhiều người dân không có thói quen sử dụng toilet.

dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-7
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-9
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-11
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-12
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-page-2-1
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-page-2-6
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-page-2-9
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-page-2-4
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-page-2
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-page-2-2
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-page-2-3
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-page-2-5
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-page-2-7
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-page-2-8
dat-nuoc-hanh-phuc-nhat-qua-ong-kinh-hoa-hau-ngoc-diem-page-2-10

Dưới đây là chia sẻ của cô về những điều thú vị đã được nghe và trải nghiệm trong chuyến đi:

Bhutan được biết đến là quốc gia hạnh phúc. Khái niệm này được biết đến từ thập niên 1990 đến ngày nay.

Người dân Bhutan có thực sự 100% lúc nào cũng hạnh phúc hay không thì mình không biết, nhưng chính phủ Bhutan đã định hướng rất thành công con đường phát triển của quốc gia một cách khác biệt, không cần so sánh với bất cứ sự phát triển của nước nào. Trên phương diện truyền thông, đây là một thông điệp xuất sắc, vừa khơi gợi sự hài lòng và niềm tự hào của người dân Bhutan; vừa tạo sự tò mò và thu hút không biết bao nhiêu khách du lịch.

Bhutan theo thể chế quân chủ lập hiến, vừa có Vua, vừa có Thủ tướng. Vua hiện tại 35 tuổi, Hoàng hậu 27 tuổi. Vào bất cứ nơi công cộng nào cũng thấy hình Vua và Hoàng hậu bên nhau. Người dân rất yêu mến Vua và Hoàng hậu.

Thủ tướng hiện tại của Bhutan là ông Tshering Tobgay, người vừa có bài diễn thuyết ấn tượng và truyền cảm hứng đến hàng triệu người trên thế giới hồi tháng 4. Ông trẻ, thích thể thao (bắn cung và đua xe đạp), từng tham gia giải đua xe đạp 280 km của Bhutan, bị ngã gãy xương hàm nhưng vẫn cố gắng về đích và rất được người dân Bhutan nể trọng. Người tiền nhiệm ông cũng được đánh giá là có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Bhutan.

Dân số Bhutan hiện tại khoảng 700.000 người (bằng 1/12 TP HCM), trong đó một nửa dân số tập trung ở thủ đô Thimphu. Bhutan cũng có người giàu, người nghèo, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo không đáng kể. Giàu hay nghèo đều được chính phủ trợ cấp. Dịch vụ y tế (bao gồm khám chữa bệnh, thuốc men, phẫu thuật…) và giáo dục đều được miễn phí. Học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ mẫu giáo, nên người dân Bhutan hầu như ai cũng giao tiếp tiếng Anh tốt.

Hầu hết người dân Bhutan hài lòng về cuộc sống của mình, kể cả những người trông có vẻ nghèo khổ. Sangay, bạn đồng hành của Ngọc Diễm, cho biết đối với những người không có tài sản, họ có thể đến gặp Đức Vua và trình bày hoàn cảnh. Vua sẽ cho người kiểm tra và cấp cho họ 5 km2 đất để trồng trọt, canh tác. Vấn đề sức khỏe, con cái học tập do nhà nước chu cấp. Nên ở Bhutan, nếu chăm chỉ làm việc, thì không sợ đói nghèo.

Hai nguồn thu chính của Bhutan là xuất khẩu thủy điện và du lịch. Ngoài ra, họ còn phát triển nông nghiệp phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang Ấn Độ. Sản phẩm nông nghiệp có thể kể đến là táo, đào, lê và ớt… Thực phẩm ở đây tuyệt đối không sử dụng hoá chất.

Hàng hoá ở Bhutan phần lớn là hàng nhập, trong đó 90% từ Ấn Độ. Sangay nói, không có sự lựa chọn, với địa thế của Bhutan, hoặc chọn Ấn Độ, hoặc chọn Trung Quốc. Ấn Độ vẫn hơn.

80% người dân Bhutan ăn chay, số còn lại vừa ăn chay vừa ăn thịt. Món ăn của Bhutan chuộng bơ sữa, pho mát. Hầu như món nào cũng có ớt, không cay lắm.

Đời sống của Bhutan khá hiền hoà, nhẹ nhàng và thú vị. Người lớn tuổi dậy từ sáng sớm, lễ Phật tại nhà, cầu nguyện. Sau đó đi làm, buổi chiều đi dạo bộ, buổi tối là thời gian dành cho gia đình.

Người trẻ dậy trễ hơn, cũng đi học hoặc đi làm, buổi sáng và tối ăn cơm cùng gia đình. Sau đó họ ra ngoài đi chơi, nhảy, hẹn hò… và tín ngưỡng Phật Pháp của họ theo một cách khác.

Điều hay là phần lớn giới trẻ Bhutan đều đồng lòng với định hướng của chính phủ. Họ có những mong muốn khác, cởi mở hơn và vượt qua khỏi phạm vi quốc gia; nhưng trân trọng giá trị văn hoá truyền thống, luôn gìn giữ và tự hào là “Last Shangri La”.

Internet vào Bhutan khoảng 10 năm trở lại đây, sóng khá yếu. Theo đó, giới trẻ và dân tri thức Bhutan cũng sử dụng mạng xã hội. Họ online Facebook, Twitter và Instagram khá thường xuyên.

Một số vùng ở Bhutan theo chế độ mẫu hệ. Ba mẹ mất, tài sản sẽ thuộc về con gái. Phụ nữ có quyền lấy 2 chồng và ở một số nơi phụ nữ được quyền quyết định các việc lớn trong gia đình.

Bhutan cũng có những điểm trừ đối với khách du lịch. Cơ sở vật chất đơn điệu, nghèo nàn. Sân bay quốc gia ở Paro nhỏ như sân bay địa phương Việt Nam. Giữa trung tâm thành phố còn nhiều căn nhà ghép tôn lụp xụp. Tiệm tạp hoá ở mọi nơi đều nhỏ, bán hầu hết là đồ nhập.

Nhiều ngôi nhà trong những con đường nhỏ khá bẩn. Còn nhiều người dân không có thói quen sử dụng toilet.

Nguyên Chi

Theo Ngôi Sao